'Nóng' khai khoáng và đường xuống biển

20/07/2018 13:00 GMT+7

Kỳ họp HĐND các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam (kết thúc trong các ngày 18 và 19.7) đã đề cập nhiều vấn đề dân sinh nóng bỏng, trong đó có chuyện khai khoáng, thuế, phí và nhu cầu mở lối đi xuống biển cho dân.

“Doanh nghiệp làm hết thì dễ có tiêu cực”
Phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Trị khóa 7 khá “sôi động” trước tình trạng khai khoáng, trong đó có chuyện thăm dò, đánh giá trữ lượng mỏ. Thay vì được cơ quan Nhà nước thực hiện, khâu quan trọng này lại được giao cho doanh nghiệp (DN). “Tất cả đều do một tay DN làm hết thì dễ có tiêu cực”, đại biểu Phạm Đình Lợi, Phó chủ tịch UBND H.Hải Lăng, lo lắng.
Ông Nguyễn Trường Khoa, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị, thừa nhận địa phương không có kinh phí nên đành giao cho DN khai khoáng khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, dù biết làm vậy chưa đúng với nguyên tắc. “Ở đây DN sẽ bỏ tiền thuê đơn vị tư vấn độc lập để làm. Sau khi có đánh giá trữ lượng, tỉnh sẽ tổ chức đấu thầu công khai chứ không giao luôn mỏ cho DN đó khai khoáng”, ông Khoa nói. Tuy nhiên, khi đại biểu Phạm Ngọc Minh (Bí thư Huyện ủy Hải Lăng) đề nghị cung cấp thông tin tại Quảng Trị đã có bao nhiêu DN tự đi làm khảo sát, thăm dò và… trúng thầu khai thác mỏ khoáng sản thì ông Khoa không trả lời rốt ráo.
Chưa hết, các đại biểu liệt kê nhiều DN khai khoáng làm ăn bết bát. Ở xã A Vao (H.Đakrông), Công ty CP khoáng sản 4 được Bộ TN-MT cấp phép khai thác vàng nhưng hiện không hoạt động gì và dính nợ nghĩa vụ tài chính 6,1 tỉ đồng. Công ty Hiếu Giang và Công ty Thống Nhất cũng nợ gần 4 tỉ đồng, mà theo ông Nguyễn Quốc Hưởng (Cục trưởng cục Thuế Quảng Trị) phân tích đây là nợ phát sinh do DN được cấp phép nhưng chưa khai thác. Ngoài ra, theo ông Phan Văn Phụng, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Trị, địa phương không có chủ trương cấp phép khoáng sản (đặc biệt là titan) nhưng một số công ty còn hoạt động do Bộ TN-MT cấp phép. “Hiện các công ty này cũng gặp nhiều khó khăn, vấp phải sự không đồng thuận của người dân. Tôi đề nghị cơ quan quản lý nhà nước phải có biện pháp cụ thể, dứt điểm sự dùng dằng này”, ông Phụng nhấn mạnh.
'Nóng' khai khoáng và đường xuống biển1
Một số dự án ven biển Quảng Nam gây lo ngại về nguy cơ chiếm hết đường xuống biển của dân Ảnh: Hữu Trà
Công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản tại Quảng Trị cũng còn bất cập, để xảy ra tình trạng tréo ngoe trên sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Như Lệ (xã Hải Lệ, TX.Quảng Trị): phía bên này ngân sách đầu tư xây kè chống xói lở, bên kia lại khai thác cát sạn ồ ạt. Ông Nguyễn Trường Khoa cho biết có đến 4 DN được cấp phép khai thác tại đoạn sông này, việc cấp phép đều có quy hoạch vùng khai thác. “Cần phải kiểm tra đơn vị thực hiện khai thác có phải là DN được cấp phép không? Ở đây cần trách nhiệm của người dân và chính quyền địa phương phải thường xuyên giám sát”, ông Khoa nói.
Bố trí đường xuống biển cho dân
Tại Quảng Nam, câu chuyện đường xuống biển phục vụ lợi ích công cộng cũng đã được đặt ra và cử tri đòi hỏi cần giám sát tại các dự án đầu tư ven biển. Một số dự án khu vực ven biển từ TX.Điện Bàn đến TP.Hội An được thỏa thuận địa điểm trước thời điểm Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015 có hiệu lực, chưa đảm bảo khoảng cách khu đất dự án với mép nước triều cường trung bình nhiều năm về phía đất liền (100 m), chưa xác định khoảng cách giữa các dự án liền kề. Vì vậy, việc sử dụng bãi biển công cộng của người dân bị ảnh hưởng, gây khó cho công tác cứu hộ cứu nạn, phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại thiên tai. Đáng lưu ý, một số dự án bố trí chồng lấn quy hoạch, xác định sai loại đất, phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; việc quy hoạch, bố trí quỹ đất công cộng một số nơi chưa hợp lý.
Để giải quyết thấu đáo và hài hòa lợi ích của người dân sống ven biển, HĐND tỉnh Quảng Nam yêu cầu phải khẩn trương lập dự án phục vụ tái định cư cho các hộ dân trong vệt cây xanh đường du lịch ven biển, trước hết tập trung đoạn ven biển Điện Bàn - Hội An. Đối với dự án sử dụng đất sát mặt biển, cần khống chế chiều dài khu đất sát mặt biển được giao (tối đa 1 km), quy định rõ khoảng cách giữa các dự án liền kề tại khu vực dọc ven biển để tránh tình trạng dự án bố trí sát nhau không có đường tiếp cận biển; xác định rõ chiều ngang các tuyến đường xuống biển phục vụ nhu cầu công cộng, đảm bảo cảnh quan môi trường, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết. “UBND tỉnh cần thực hiện kết luận của cấp có thẩm quyền về việc thỏa thuận với các nhà đầu tư, bổ sung điều chỉnh quy hoạch các tuyến đường xuống biển, dành phần đất bãi biển sử dụng cho mục đích công cộng”, ông Võ Hồng, Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam kết luận.
Nhiều dự án không công khai quy hoạch
Trong tổng số 304 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị trên địa bàn Quảng Nam, nhiều dự án không công khai quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, thiếu minh bạch trong thực hiện quy hoạch. Có dự án điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, chuyển đổi mục đích sử dụng đất công cộng sang đất thương mại, đất ở… nhưng không kịp thời điều chỉnh phương án giá đất, nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích gia tăng, gây thất thu ngân sách nhà nước và làm phá vỡ không gian kiến trúc cảnh quan đô thị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.