Nông dân đòi lại đất đã giao trồng cao su vì nông trường chậm trễ khai thác

06/07/2020 12:12 GMT+7

Giao đất cho nông trường trồng cao su hơn 12 năm, đến nay cao su đã lớn nhưng nông trường chậm trễ khai thác khiến 28 hộ nông dân mất đi nguồn thu nhập đáng kể.

Thời gian qua, người dân tại thôn Kon Đrei, xã Đăk Blà, TP.Kon Tum (Kon Tum) liên tục phản ánh về việc Nông trường Cao su Thanh Trung không khai thác mủ cao su khiến người dân mất đi thu nhập đáng kể.
Cụ thể, năm 2008, có 28 hộ dân tại thôn Kon Đrei liên kết với Nông trường Cao su Thanh Trung (Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum) trồng 34 ha cao su. Đến nay, toàn bộ diện tích số cao su này đã đến tuổi thu hoạch, nhưng nông trường vẫn chưa khai thác.
Việc chậm trễ khai thác cao su gây ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của bà con, gây bức xúc đối với các hộ dân liên kết với nông trường. Bà con cho biết đã kiến nghị nhiều lần nhưng nông trường vẫn chưa giải quyết.

Anh Lâm (bìa phải) cho biết đã liên kết với nông trường trồng cao su đã 12 năm vẫn đến nay vẫn chưa có thu nhập nào từ vườn cao su

Ảnh: CTV

 

Chị Y Sít (34 tuổi), cho biết năm 2008 gia đình chị liên kết với Nông trường Cao su Thanh Trung trồng 1 ha cao su. Gia đình chị góp đất còn nông trường đầu tư toàn bộ vốn để trồng và chăm sóc cao su. Phía nông trường cũng hứa hẹn trong 6 - 8 năm cây cao su sẽ cho khai thác. Sau khi thu hoạch, gia đình chị Sít sẽ được chia 40% giá trị sản phẩm.
Theo chị Sít vùng đồi trồng cao su liên kết xa khu vực dân cư, đường đi rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa nên rất khó để khai thác, vận chuyển mủ cao su. Vì vậy nông trường cũng hứa hẹn sẽ xây dựng đường bê tông để thuận tiện cho việc thu hoạch và thu mua cao su. Tuy nhiên đã 12 năm trôi qua, nhưng nông trường vẫn không tiến hành xây dựng đường, cao su vẫn chưa được khai thác.
Gia đình chị cùng nhiều hộ dân khác đã xin nông trường cho thu hoạch cao su nhưng nông trường không đồng ý. Ngoài ra các hộ dân cũng yêu cầu nông trường xây dựng đường để người dân tự thu hoạch nhưng cũng không được chấp nhận.
“Nếu biết trước như vậy thì mình không liên kết với công ty trồng cao su nữa. Trước đây, nhà mình trồng mì cũng kiếm được 15 - 20 triệu đồng mỗi năm. Giao đất cho nông trường hơn 12 năm mà mình chả thu được đồng nào cả. Bây giờ mình chỉ mong nông trường nếu không thu hoạch thì chặt cao su rồi trả lại đất để mình trồng mì”, chị Sít nói.

Chị Y Sít mong muốn nông trường trả lại đất để trồng mì

Ảnh: CTV

Tương tự, gia đình anh A Lâm (36 tuổi) liên kết với nông trường trồng 3 ha cao su. Đến nay cao su đã lớn nhưng nông trường không khai thác khiến gia đình anh không có nguồn thu nhập.
Anh Lâm cho biết: “Trước khi liên kết với nông trường, diện tích đất này gia đình mình trồng mì. Mỗi năm cũng thu được hơn 30 triệu. Thế nhưng từ khi liên kết với nông trường gia đình mình không có nguồn thu nào khác. Mình chỉ mong nông trường khai thác cao su và trả tiền cho người dân. Nếu không thì mình yêu cầu nông trường trả đất lại để mình trồng cây khác kiếm tiền.”
Ngày 4.7, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Đăk Blà cho biết, trước phản ánh của dân, xã đã mời người dân và lãnh đạo nông trường đến làm việc.
Tại buổi làm việc, Nông trường Cao su Thanh Trung cho rằng hiện nay giá cao su đang ở mức thấp, nên đơn vị không thể đầu tư làm đường vào khu vực vườn cao su liên kết để tạo thuận lợi trong việc khai thác và vận chuyển mủ cao su cho bà con. Việc xây dựng nhà thu gom mủ cao su tại khu vực trồng cao su tập trung cũng không thể thực hiện được.
“Nông trường đã đề xuất biện pháp xử lý là bà con cạo mủ, tự vận chuyển ra khu vực trung tâm thôn để nông trường thu mua. Mặt khác, họ cũng gợi ý, nếu bà con liên kết trồng cao su có nhu cầu về việc làm thì có thể đăng ký với công ty, để xem xét nhận hợp đồng cạo mủ tại vườn cây ở một số khu vực khác trên địa bàn xã”, ông Sơn nói. Tuy nhiên, trao đổi với PV Thanh Niên, các hộ dân đều không đồng tình với giải pháp của nông trường Cao su Thanh Trung.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.