'Nói tư pháp độc lập làm giảm vai trò lãnh đạo của Đảng là không đúng'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
28/10/2020 17:22 GMT+7

GS-TS Lê Hồng Hạnh cho rằng, nếu Đảng tạo dựng được trong thể chế nhà nước một hệ thống tòa án nghiêm minh, công lý, công bằng thì vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ tốt hơn.

Ngày 28.10, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến các hội đồng tư vấn của Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Tổ chức thực hiện pháp luật còn yếu

Góp ý vào dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII, GS - TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ - pháp luật, bày tỏ đồng tình với nhiều nhận định trong dự thảo về việc phát huy dân chủ, coi đây là động lực phát triển đất nước. Tuy nhiên, GS Đường đề nghị nhận thức đánh giá sâu sắc hơn về việc phát huy dân chủ.
“Tôi mong muốn báo cáo cần đánh giá rõ, việc phát huy dân chủ nhiều lúc, nhiều nơi còn hình thức”, ông Đường góp ý và cho rằng, nếu phát huy dân chủ một cách thực chất thì sẽ tạo nên động lực, huy động nguồn lực phong phú để phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, GS Đường cho rằng, trong phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền thì việc tổ chức thi hành pháp luật vẫn chưa tương xứng với công tác xây dựng pháp luật. “Có thể nói, việc tổ chức thực hiện pháp luật còn yếu”, ông Đường nhận định và đề nghị báo cáo cần nhấn mạnh tăng cường tổ chức thi hành pháp luật để tương xứng với xây dựng pháp luật.
“Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc xây dựng pháp luật đã được sửa tới 5 lần nhưng tới nay trong việc tổ chức thi hành pháp luật vẫn chưa có luật nào”, ông Đường nói thêm.

Độc lập của tòa án phải là linh hồn của cải cách tư pháp

Cũng góp ý về việc hoàn thiện nhà nước pháp quyền, GS - TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN, cho rằng mục này liên quan tới nhiều khía cạnh từ Quốc hội, Chính phủ cho tới tư pháp. Tuy nhiên, trong dự thảo Báo cáo Chính trị được công bố lấy ý kiến, vấn đề cải cách tư pháp được đề cập chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực thi Hiến pháp 2013.
“Báo cáo Chính trị và sau đó là Nghị quyết Đại hội XIII cần phải làm mọi cách để cải cách tư pháp phải đúng trọng tâm, trọng điểm là hướng tới tòa án”, GS Hạnh nói.

GS Trần Ngọc Đường phát biểu góp ý tại hội nghị

Ảnh Ngọc Thắng

Giải thích lý do “nhấn mạnh vào tòa án”, ông Hạnh nêu rõ: “Sự độc lập của tòa án ở nước ta hầu như yếu”.
Theo ông Hạnh, hệ thống tòa án hiện nay vẫn chịu nhiều yếu tố tác động. “Xin thưa, hiện nay có ông chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện nào xuất hiện tại tòa hành chính không? Không hề có. Nếu có cũng chỉ là cá biệt”, ông Hạnh dẫn chứng.
Ông Hạnh cho rằng, Báo cáo Chính trị của Đại hội Đảng XIII cần phải làm thế nào để đặt tòa án vào trọng tâm của cải cách tư pháp. “Trong tòa án thì vị trí độc lập của thẩm phán, độc lập của hoạt động xét xử được coi là linh hồn của cải cách tư pháp. Ta tìm mọi cách, mọi phương thức để đảm bảo được điều đó”, ông Hạnh nhấn mạnh.
Theo ông Hạnh, nhiều ý kiến nói độc lập tư pháp là “tam quyền phân lập”, làm ảnh hưởng tới tính thống nhất quyền lực của nhà nước, làm giảm vai trò lãnh đạo của Đảng là không đúng.
“Nếu Đảng tạo dựng được trong thể chế nhà nước một hệ thống tòa án nghiêm minh, công lý, công bằng thì vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ tốt hơn”, ông Hạnh khẳng định.

Tòa án cần phải chọn những người có nghề thực sự, chuyên tâm mang lại công lý

Một vấn đề nữa, theo ông Hạnh là để có được những thẩm phán độc lập, thì cần phải lựa chọn, bố trí những người có nghề thực sự và chuyên tâm vào việc mang lại công lý cho người dân.
"Chúng ta không thể nay điều chuyển ông bí thư đảng nơi này, mai ông giám đốc công an kia hay ông trưởng phòng cảnh sát này, cảnh sát kia vào nắm giữ cương vị tòa án hoặc thẩm phán”, ông Hạnh phân tích.
Ông Hạnh dẫn chứng, trong giai đoạn lập nước, cán bộ rất thiếu, Bác Hồ có thể lấy luật sư làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng song không cử người nào không có bằng luật làm chánh án tòa án tối cao hay tòa án khu vực.
Theo ông Hạnh, hiện nay, công tác cán bộ của hệ thống tòa án, việc bổ nhiệm thẩm phán bị chi phối bởi nhiều yếu tố. “Chỉ cần không nghe theo cấp trên là án sẽ bị hủy và sau đó thì cơ hội tái bổ nhiệm hầu như không còn”, ông Hạnh nói.
Dẫn chứng vụ án Hồ Duy Hải, GS Hạnh nói, cá nhân ông không bình luận ai đúng, ai sai, Hồ Duy Hải có tội hay không, song vụ việc đặt ra trong dư luận câu hỏi về tính độc lập của tòa án. Do đó, ông mong muốn kiến nghị này của mình sẽ được cân nhắc để Việt Nam có tòa án độc lập thật sự.
“Rất mong điều đó có thể trở thành hiện thực trong Báo cáo Chính trị lần này”, ông Hạnh kết thúc phần góp ý của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.