Nơi 'mâm cơm dọn ra là ruồi đậu đen’, cả xóm bỏ đi vì mùi thối

15/10/2019 10:00 GMT+7

Việc xử lý rác thải đang là vấn đề làm “đau đầu” lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. Trong khi có nhà đầu tư muốn làm nhà máy xử lý rác theo công nghệ hiện đại, thì không đủ lượng rác hoạt động, còn thực tế nhiều bãi rác đang tồn tại lại quá tải và ô nhiễm môi trường .

“Bãi rác thối không chịu nỗi”

Bãi rác Tân Phú, H.Thanh Bình (Đồng Tháp) có tổng diện tích 1,45 ha tiếp giáp với đường ĐT843, là điểm nóng về ô nhiễm môi trường, gây phản ứng dữ dội cho người dân.
Bất cứ ai chạy xe ngang khu vực bãi rác Tân Phú cũng phải lấy tay bịt mũi vì không thể chịu được mùi rác thối nồng nặc, và ai cũng cố gắng chạy cho nhanh qua bãi rác. Ấy vậy mà cách đó chỉ vài chục mét, hàng trăm hộ dân sống dọc theo đường ĐT843 ở ấp Tân Hòa B, xã Tân Phú (H.Thanh Bình) phải “nhẫn nhịn” để sống chung với mùi rác thối và ruồi nhặn.

Mấy ngày mưa thì ruồi nhiều vô số kể, mâm cơm mà dọn ra là ruồi đậu đen con. Mùa gió bấc đến là dân ở đây lãnh đủ, mùi từ bãi rác thối không chịu nỗi. Dân xóm này không chỉ người lớn mà con nít cũng bị viêm mũi

Ông Phan Văn Phận, nhà cách bãi rác Tân Phú (H.Thanh Bình) khoảng 50m

Bãi rác Tân Phú, H.Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp nằm ven đường ĐT843, là điểm nóng về ô nhiễm môi trường luôn bị người dân phản ứng

TRẦN NGỌC

Dãy nhà dân nằm đối diện bãi rác Tân Phú (cách bãi rác chỉ hơn 20m) là nơi ảnh hưởng trực tiếp việc ô nhiễm từ bãi rác này. Chị Lê Thị Trinh (39 tuổi) ở đối diện bãi rác, than phiền: “Mùa gió bấc giáp Tết, mấy hộ dân ở đây bỏ nhà đi hết để lánh nạn tránh mùi thối, vì mùi rác thối không chịu nổi. Có hôm ăn cơm phải giăng mùng vì ruồi bu đặt chén cơm”.
Chị Trinh cho hay, trước đây chị đầu tư cho cô con gái lớn quán giải khát trước nhà để kiếm thêm thu nhập, nhưng chỉ mở được vài ngày rồi dẹp tiệm, do mùi rác thối quá nhiều từ bãi rác, không một người đi đường nào dám ghé uống nước.
Theo thông tin từ ngành chức năng H.Thanh Bình, bãi rác Tân Phú được lập năm 1998, hiện mỗi ngày tiếp nhận thu gom 25 tấn rác thải và hiện đang tồn đọng trên 25.000 tấn rác thải phải xử lý.

Mùi hôi thối từ bãi rác tràn ra khiến dân ở đây đâu ai chịu nỗi. Xóm này suốt ngày phải đóng cửa, vì mở cửa ra là mùi thối từ bãi rác lại bay vào, chưa kể ruồi nhiều vô kể

Bà Phan Thị Út Em, nhà cách bãi rác Phú Hựu (H.Châu Thành) khoảng 40m

Nước rỉ rác từ bãi rác Phú Hựu tràn qua đất của các hộ dân lân cận gây ô nhiễm nặng

TRẦN NGỌC

“Xóm này suốt ngày phải đóng cửa…”

Ô nhiễm nặng nề như bãi rác Tân Phú là bãi rác Phú Hựu có diện tích hơn 0,8 ha, tồn tại từ năm 2002 ở ấp Phú Long, xã Phú Hựu (H.Châu Thành, Đồng Tháp). Mỗi ngày bãi rác này tiếp nhận và xử lý mới 30 tấn rác thải của toàn H.Châu Thành, chưa kể còn tồn đọng vài ngàn tấn rác thải cũ chưa xử lý xong. Do vị trí bãi rác liền kề đường ĐT854, cách rạch Cái Tàu khoảng 300m, cách nhà dân chỉ khoảng 30 - 50m đã gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân.
Bà Phan Thị Út Em (43 tuổi) nhà cách bãi rác khoảng 40m, bức xúc: “Mùi hôi thối từ bãi rác tràn ra khiến dân ở đây đâu ai chịu nỗi. Xóm này suốt ngày phải đóng cửa, vì mở cửa ra là mùi thối từ bãi rác lại bay vào, chưa kể ruồi nhiều vô kể. Đợt bão liên tiếp rồi nước rỉ rác tràn ra lộ ĐT854 và tràn qua trước dãy nhà dân gây ngập thối khủng khiếp, chúng tôi nhiều lần phản ánh nhưng xử lý không xong”.
Theo đổi với PV Thanh Niên, bà Kim Hồng Phượng, Phó Trưởng phòng TN-MT H.Châu Thành, cho hay bãi rác Phú Hựu hiện do Công ty TNHH MTV Thiết kế và xây dựng Hùng Vĩ (trụ sở tại xã An Phú Thuận, H,Châu Thành) thu gom, xử lý, và bãi rác này hiện đã quá tải, không còn nơi chứa rác.
“Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND H.Châu Thành đã chấp thuận cho công ty TNHH MTV Thiết kế và xây dựng Hùng Vĩ đầu tư lò đốt rác để xử lý lượng rác thu gom hàng ngày và lượng rác đang tồn đọng tại bãi rác. Hiện nay, doanh nghiệp đang hoàn chỉnh các thủ tục thuê đất, đánh giá tác động môi trường và chuẩn bị mặt bằng để lắp đặt lò đốt, dự kiến đi vào hoạt động vào quý 4 năm 2019. Khi có chủ trương của UBND tỉnh Đồng Tháp đóng cửa bãi rác Phú Hựu, thì doanh nghiệp tự tháo dỡ lò đốt và di dời trả mặt bằng cho nhà nước”, bà Phương cho biết.

Bãi rác Phú Hựu, H.Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp ven đường ĐT854 gây ô nhiễm và quá tải, tỉnh Đồng Tháp dự kiến đóng cửa trong năm 2020

TRẦN NGỌC

Nghịch lý

Ở khu vực phía nam sông Tiền của tỉnh Đồng Tháp tồn tại 4 bãi rác gồm Phú Hựu (H.Châu Thành), H.Lấp Vò (H.Lấp Vò), bãi rác Sa Đéc (TP.Sa Đéc) và bãi rác Hòa Thành (H.Lai Vung), tất cả đều trong tình trạng quá tải. Cùng với lượng rác tiếp nhận hơn 100 tấn/ngày, các bãi rác này hiện còn tồn đọng lượng rác thải tiếp nhận trước đây lên đến hàng trăm ngàn tấn.
Vào năm 2017, trước thực trạng ô nhiễm và quá tải của bãi rác Hòa Thành (H.Lai Vung), tỉnh Đồng Tháp phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp, xử lý ô nhiễm môi trường và đóng cửa bãi rác Hòa Thành với số vốn thực hiện gần hơn 77 tỉ đồng; giao cho UBND.H.Lai Vung làm chủ đầu tư để xây dựng lò đốt rác và chôn lấp lượng rác hơn 114.600 m3, để đến năm 2025 đóng cửa bãi rác này. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thi công, tiến độ thực hiện dự án này còn rất chậm, phát sinh nước rỉ rác ra môi trường. Chính vì vậy, UBND tỉnh Đồng Tháp có chủ trương tạm ngưng xây dựng hạng mục lò đốt rác, chuyển sang kêu gọi xã hội hóa nhà máy đốt rác công nghệ cao.
Theo Sở KH-ĐT tỉnh Đồng Tháp, đến nay đã có 11 nhà đầu tư đề xuất được thực hiện dự án nhà máy xử lý rác khu vực phía nam sông Tiền. Các đơn vị đầu tư có công nghệ xử lý rác hiện đại, không gây ảnh hưởng môi trường, và dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất cho địa phương được ưu tiên xem xét. Trong số 11 đơn vị muốn đầu tư dự án, có nhà đầu tư SUS Enviroment Vietnam (gọi tắt là Công ty SUS) đề nghị được xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và phát điện với công suất lên đến 500 tấn/ngày, với tổng nguồn vốn hơn 1.300 tỉ đồng tại Khu xử lý rác thải xã Hòa Thành (H.Lai Vung), hoạt động trong thời gian 30 năm.
Sở KH-ĐT Đồng Tháp cho hay, dự án của Công ty SUS sử dụng công nghệ đốt - phát điện xử lý rác trên 500 tấn/ngày, dự tính mỗi tấn rác có thể sản xuất ra trung bình hơn 262 kWh điện. Tuy nhiên, tổng lượng rác thải được thu gom thực tế ở các địa phương mà nhà đầu tư này đề xuất thực tế chỉ 115 tấn/ngày, còn dự tính đến năm 2020 khi dự án hoạt động theo kế hoạch, thì lượng rác thu gom cũng chỉ mức 286 tấn/ngày, thấp hơn nhiều so với công suất xử lý 500 tấn rác/ngày của chủ đầu tư.
Chủ đầu tư nhà máy xử lý rác này đề xuất tỉnh Đồng Tháp cho tiến hành thu gom rác thêm ở một số huyện như: Thanh Bình, Tam Nông... để đáp ứng như cầu hoạt động của nhà máy. Thế nhưng, lượng rác của các địa phương này đã được một công ty xử lý rác khác tại H.Cao Lãnh tiếp nhận và xử lý theo chủ trương của tỉnh, nên rất khó cho đơn vị này triển khai đầu tư nhà máy theo công suất đề nghị.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Việt Thắng, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ Môi trường (thuộc Sở TN-MT tỉnh Đồng Tháp), cho biết:
Công ty SUS có ý định đầu tư nhà máy xử lý rác tại các huyện phía nam sông Tiền của tỉnh, nhưng qua thông tin Sở KH-ĐT thì công ty này vẫn chưa nộp thủ tục đầu tư cho tỉnh. Vì vậy, tỉnh đang tiếp tục kêu gọi các đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải cho 4 huyện phía nam của tỉnh.
Đối với các bãi rác Phú Hựu (H.Châu Thành) và Tân Phú (H.Thanh Bình), chủ trương của tỉnh thời gian tới sẽ đóng cửa các bãi rác này. Tuy nhiên, do chưa có nhà máy xử lý rác thải ở khu vực phía nam hoặc ở Thanh Bình, nên các bãi rác này vẫn phải hoạt động để tiếp nhận rác sinh hoạt hằng ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.