Nói lời sau cùng, bị cáo Đinh La Thăng mong HĐXX khách quan, công tâm

Vũ Hân
Vũ Hân
23/06/2018 15:14 GMT+7

Sáng 23.6, tại phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ góp 800 tỉ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào OceanBank, các bị cáo đã được nói lời sau cùng.

Như vậy, cùng với 1 buổi Hội đồng xét xử (HĐXX) quyết định dừng phiên tòa để xem xét tình tiết mới vào ngày xét xử thứ 2, phiên phúc thẩm đã diễn ra khá nhanh gọn, trong vòng 4 ngày.
Dù có 7 bị cáo xuất hiện tại tòa, nhưng bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó tổng giám đốc PVN, gần như không kháng cáo, mà chỉ đề nghị tòa xem xét việc bị cáo đưa cho Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng PVN, 180 tỉ chứ không phải 20 tỉ đồng. 2 bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN và Phan Đình Đức, nguyên Thành viên Hội đồng thành viên PVN, kêu oan.
3 bị cáo đều là nguyên thành viên Hội đồng thành viên còn lại là Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm và bị cáo Ninh Văn Quỳnh thừa nhận tội danh, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt cả về hình sự và dân sự.
Sau khi đã trải qua cả phần xét hỏi, tranh luận, các bị cáo vẫn còn có rất nhiều lời muốn nói về tình tiết của vụ án, thể hiện ở việc khi tòa cho phép nói lời sau cùng, các bị cáo vẫn tiếp tục trình bày, khiến chủ tọa phiên tòa phải nhắc nhở.
"Tin tưởng HĐXX sẽ làm nên một bản án thấu tình, đạt lý"
Nói lời sau cùng trước tòa, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng trong công việc bản thân “luôn hết sức quyết liệt, không vì bất cứ một động cơ cá nhân nào” và “không vụ lợi”.
Tiếp tục nhấn mạnh việc PVN góp vốn vào OceanBank là giải pháp tình thế để xử lý hậu quả của việc thành lập Ngân hàng Hồng Việt do thay đổi chính sách của Chính phủ, nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và đã được Thủ tướng cho phép, bị cáo Đinh La Thăng mong tòa xem xét vụ án một cách toàn diện, khách quan.
Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng mình rời PVN từ tháng 8.2011, nên “trách nhiệm bảo toàn vốn của PVN với tư cách Chủ tịch HĐQT” đã được bị cáo hoàn thành. Đến năm 2013, PVN vẫn có cổ tức thu về từ phần vốn đầu tư vào OceanBank.
Sau này, thực hiện chủ trương thoái vốn khỏi lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, PVN cũng đã xin ý kiến chuyển nhượng 20% cổ phần OceanBank, ban đầu đã được Chính phủ đồng ý, nhưng sau đó 2 tuần thì không đồng ý nữa do “giao Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính”.
Bị cáo Đinh La Thăng cũng phủ nhận lý do được Viện kiểm sát đưa ra về việc Chính phủ không cho bán vốn tại OceanBank là vì một số cán bộ của OceanBank cũng như của PVN đã chiếm đoạt một số tiền lớn của OceanBank, vì theo bị cáo, việc này cho đến khi khởi tố vụ án mới biết.
Bị cáo Thăng mong HĐXX giải quyết vụ án “một cách công tâm, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, thể hiện tinh thần trách nhiệm cũng như lương tâm nghề nghiệp”, thể hiện “tinh thần nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và tinh thần cải cách tư pháp”.
Người kêu oan thứ 2 là bị cáo Phan Đình Đức nói ngắn gọn trước tòa, mong hành vi của bị cáo được xem lại một lần nữa để làm rõ vấn đề. Bị cáo Đức “tin tưởng HĐXX sẽ làm nên một bản án thấu tình, đạt lý, nhân văn, trả lại sự thanh bạch cho bị cáo”.
 Xấu hổ vì không kiềm chế được lòng tham, nhận tiền bất chính
Bị cáo Ninh Văn Quỳnh bày tỏ sự ăn năn, hối hận vì nếu không bị bắt, bị cáo đã nghỉ hưu được vài tháng sau 37 năm công tác trong ngành dầu khí. Bị cáo cũng bày tỏ sự xấu hổ khi không kiềm chế được lòng tham, nhận tiền bất chính và đề nghị HĐXX cân nhắc giảm nhẹ mức án để bi cáo có thể trở lại với gia đình, vì bị kết án 30 năm tù ở tuổi 61 trong tình trạng bệnh tật, sức khỏe yếu là quá nặng nề với bị cáo.
Bị cáo Vũ Khánh Trường cho biết mình phát biểu trong tâm thế rất buồn, vì với truyền thống gia đình và sự phấn đấu của cá nhân, việc phải nhận hình phạt thế này là nỗi đau của gia đình cũng như bản thân bị cáo.
“Bị cáo hiểu rằng, khi làm việc có thể có khuyết điểm, sai sót, nhưng đến mức độ phải chịu hình phạt hình sự thì là nỗi đau không bao giờ quên được”, bị cáo Vũ Khánh Trường nói.
Khẳng định các sai sót của bị cáo không phải do tham ô, tư lợi, lợi ích nhóm mà do sự thiếu hiểu biết pháp luật, không đủ thông tin trong xử lý công việc, tin tưởng sự giúp việc của các bộ phận chuyên môn... bị cáo Trường đề nghị tòa xem xét một cách công minh, toàn diện để bị cáo được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
Bên cạnh đó, bị cáo cũng trình bày hoàn cảnh bệnh tật, cha vừa mất, mẹ già, gia đình truyền thống như những tình tiết giảm nhẹ mong được tòa xem xét.
Đối với bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, người có 40 năm công tác trong ngành dầu khí, nhận nhiều huân huy chương; gia đình cách mạng, có một anh là liệt sĩ, một anh là thương binh, chị bị chất độc da cam, bản thân sức khỏe yếu... bị cáo cũng mong được nhận sự khoan hồng.
"Bị cáo vô cùng ân hận và đau xót"
Bị cáo Nguyễn Thanh Liêm bày tỏ “vô cùng ân hận và đau xót vì hành vi của mình làm hủy hoại truyền thống gia đình cách mạng của bị cáo, sự hy sinh của ba mẹ bị cáo, những đóng góp của bị cáo vào sự phát triển của ngành dầu khí mấy chục năm qua”.
Dù đã được nhận án treo (20 tháng tù treo - phóng viên) vì có vai trò thứ yếu trong vụ án, nhưng bị cáo Liêm vẫn mong được xem xét tình tiết giảm nhẹ như sức khỏe yếu, sự thành khẩn khai báo bị cáo, đóng góp cống hiến cho ngành để giảm cả phần hình sự và dân sự.
Kết thúc phần nói lời sau cùng vào gần 12 giờ trưa, chủ tọa phiên tòa cho biết, do vụ án có nhiều tình tiết phải xem xét thận trọng nên sau khi nghị án, HĐXX sẽ tuyên án vào 15 giờ ngày 26.6.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.