Nỗi lo tội phạm người nước ngoài: Đi du lịch, ở lại VN lao động... 'chui'

19/09/2019 08:00 GMT+7

Ngoài nỗi lo về việc người nước ngoài phạm tội ở VN, ở một số tỉnh thành cũng nổi lên tình trạng người nước ngoài nhập cảnh để lao động “chui”.

Nhiều kẽ hở

Những năm qua, cùng với sự phát triển của Khu kinh tế Nhơn Hội và ngành du lịch, số người nước ngoài (NNN) đến tỉnh Bình Định ngày càng đông nên công tác cấp phép, quản lý lao động là NNN cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập. Theo UBND tỉnh Bình Định, từ năm 2015 đến nay, có 114.164 NNN đến cư trú trên địa bàn tỉnh để hoạt động trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, thăm người thân, du lịch, quá cảnh… Cũng trong thời gian này, tỉnh Bình Định đã chấp thuận cho 146 đơn vị sử dụng 623 lao động NNN. Riêng tại Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp ở Bình Định có 15 doanh nghiệp (DN) sử dụng lao động là NNN, số lao động được cấp phép là 63 người. Đáng chú ý, một số NNN thông qua các đoàn khách du lịch đến Bình Định để cư trú và lao động không có giấy phép…
Tại Quảng Ngãi, từ đầu năm 2019 đến nay có trên 5.600 lượt NNN đến và trên 5.000 lượt NNN rời Khu kinh tế Dung Quất. Số lượng này liên tục biến động nên khó khăn cho cho lực lượng chức năng trong công tác quản lý... Đồn công an Dung Quất đã phát hiện, lập biên bản và phối hợp với các đơn vị xử lý 3 người VN và 3 NNN vi phạm đăng ký tạm trú và hoạt động sai mục đích nhập cảnh vào VN.
Theo ông Trần Thế Vũ, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - BHXH, Sở LĐ-TB-XH Kon Tum, từ đầu năm đến nay chỉ có 4 DN đăng ký giấy phép cho 11 lao động NNN, tuy nhiên chỉ có 7 lao động được cấp giấy phép, 4 người còn lại không được cấp giấy phép lao động. Theo ông Vũ, việc quản lý lao động NNN còn nhiều bất cập, khó khăn; các UBND huyện chưa quan tâm đến tình hình người lao động nước ngoài làm việc tại địa phương. Bên cạnh đó, theo quy định NNN làm việc có thời hạn dưới 3 tháng không cần xin cấp giấy phép lao động đã tạo kẽ hở cho các DN, nhà thầu trong nước và nước ngoài lợi dụng để đưa lao động phổ thông vào làm việc trong các DN với số lượng lớn. Các DN lợi dụng việc đó để không làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động. Mức xử lý đối với các hành vi vi phạm về cấp giấy phép lao động chưa đủ sức răn đe.
Nỗi lo tội phạm người nước ngoài: Đi du lịch, ở lại VN lao động... 'chui'1

Nhóm người Trung Quốc ấu dâm, dụ trẻ em 15 tuổi đóng phim sex vừa bị Công an TP.Đà Nẵng bắt khẩn cấp

ẢNH: NGUYỄN TÚ

Hành trình xóa sổ “động sex” biến thái cực lớn của người Trung Quốc giữa Đà Nẵng

Ông Võ Ngọc Hải, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB-XH Lâm Đồng cũng nhìn nhận còn xảy ra tình trạng một số NNN lao động “chui” dưới hình thức đi du lịch rồi trốn ở lại làm việc không phép ở địa phương này. Từ năm 2013 - 2018, cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện 39 DN với 138 trường hợp NNN vi phạm.

Tránh để kẻ xấu lợi dụng để phạm tội

Nỗi lo tội phạm người nước ngoài: Đi du lịch, ở lại VN lao động... 'chui'2

Tang vật do nhóm người Trung Quốc sử dụng được lưu trữ, sản xuất hình ảnh, phim sex để phát tán trên internet bị phát hiện tại Đà Nẵng

ẢNH: NGUYỄN TÚ

Xuất phát từ yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho NNN nhập, xuất cảnh VN, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, đồng thời bảo đảm an ninh quốc gia, Chính phủ đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của NNN tại VN. Trong tờ trình dự án luật mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào phiên làm việc chiều 20.9, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung 10 chính sách khác nhau trong lĩnh vực này. Trong báo cáo thẩm tra mà Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh (UBQP-AN) dự kiến trình tại phiên họp ngày 20.9, hầu hết các đề xuất của Chính phủ đều được thường trực ủy ban này “tán thành”. Đề xuất duy nhất mà UBQP-AN nói “không” là đề xuất thắt chặt điều kiện miễn thị thực đối với NNN. Theo đó, Chính phủ đề nghị bổ sung điều kiện bắt buộc nước khác phải có chính sách tạo điều kiện hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân VN trước thì mới miễn thị thực cho công dân nước đó. Tuy nhiên, UBQP-AN cho rằng, với chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho NNN nhập cảnh VN thì không nên thu hẹp diện các nước được đơn phương miễn thị thực, mà ngược lại cần thiết phải mở rộng diện các nước được đơn phương miễn thị thực.
Tuy vậy, báo cáo của UBQP-AN cũng cho biết, với nhiều đề xuất của Chính phủ, vẫn còn ý kiến khác, không đồng tình vì lo lắng có thể gây phức tạp về an ninh trật tự. Chẳng hạn, đề xuất cho chuyển đổi mục đích thị thực mà không cần xuất cảnh, có ý kiến cho rằng không nên sửa đổi theo đề xuất của Chính phủ để tránh tình trạng NNN vào VN với danh nghĩa tham quan, du lịch, sau đó xin chuyển đổi thực hiện các mục đích khác gây phức tạp về an ninh, trật tự. Cũng theo báo cáo của ủy ban này, có ý kiến còn băn khoăn về hiệu quả của việc cấp thị thực điện tử cho NNN nhập cảnh VN vì cho rằng các đối tượng xấu sẽ lợi dụng chủ trương này để nhập cảnh VN tiến hành các hoạt động đe dọa xâm phạm an ninh quốc gia, gây mất trật tự an toàn xã hội.
Thị thực du lịch chỉ được tạm trú tối đa 30 ngày
Dự thảo luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của NNN tại VN cũng bổ sung quy định việc cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu bằng thời hạn thị thực (luật hiện hành quy định người sử dụng thị thực có thời hạn trên 12 tháng thì cấp tạm trú không quá 12 tháng) nhằm đơn giản hóa thủ tục tại cửa khẩu. Tuy nhiên, tờ trình của Chính phủ cho biết, riêng thị thực du lịch có thời hạn trên 30 ngày thì cấp tạm trú 30 ngày để hạn chế tình trạng NNN lợi dụng sự thông thoáng của việc cấp thị thực du lịch (đến 3 tháng) vào VN hoạt động vi phạm pháp luật (tội phạm công nghệ cao, lao động không phép, kinh doanh du lịch trái phép…); đồng thời phù hợp với thời gian theo chương trình du lịch tại VN, thường không quá 15 ngày.
Lê Hiệp
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.