Nỗi lo cháy nhà trong hẻm nhỏ

09/05/2021 05:37 GMT+7

Vụ cháy nhà làm 8 người tử vong ở Q.11 (TP.HCM) khiến nhiều người bàng hoàng, qua đó cũng đặt ra vấn đề lối thoát hiểm và công tác chữa cháy đối với các nhà trong hẻm, nhà ống... khi hỏa hoạn.

Như Thanh Niên thông tin, khoảng 17 giờ ngày 7.5, ngọn lửa bất ngờ bùng phát tại nhà 47/58/2 Lạc Long Quân (P.1, Q.11, TP.HCM). Nhận tin báo, lực lượng PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an TP.HCM đã huy động nhiều người và phương tiện đến hiện trường chữa cháy. Đến khoảng 18 giờ 12, lực lượng cảnh sát PCCC đã dập tắt đám cháy, kịp thời cứu được 1 người nhà bên cạnh, ngăn chặn không để cháy lan sang các nhà xung quanh. Hậu quả vụ cháy khiến 8 người tử vong. Bước đầu Công an TP.HCM xác định nạn nhân tử vong do ngạt khói.

Tang tóc trong con hẻm trên đường Lạc Long Quân sau vụ cháy nhà khiến 8 người chết

Phải có ít nhất 2 lối thoát hiểm

Nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên cho biết bàng hoàng và không cầm được nước mắt khi đọc những dòng thông tin trên. "Đọc mà nghẹn không thốt nổi nên lời, mắt cay cay", BĐ L.K.N viết. Tương tự, BĐ Minh Tuan xúc động: "Thật quá thương tâm, đọc mà phải kiềm lòng lắm mới không bật khóc".
Bên cạnh việc chia buồn đến các gia đình bị nạn, BĐ Văn Thành cũng cho rằng đã có nhiều vụ cháy nhà gây nên tai họa cho dân phần lớn do không có lối thoát hiểm. Mà những căn nhà này đa phần đều là nhà phố, nhà ống, chỉ có một lối ra duy nhất, vì vậy đã dẫn đến thiệt hại về người rất lớn. "Do đó khi nhà nước chưa có giải pháp về vấn đề này thì rất mong mọi người dân khi xây dựng mới hoặc đã xây dựng phải tự tìm cách tạo ra một lối thoát hiểm, một phương án thoát hiểm khi có sự cố xảy ra", BĐ Văn Thành viết.
"Nhà ống là một thiết kế xây dựng rất tệ hại và bất tiện, cộng với không có không gian cho lối thoát hiểm nên nó luôn là thảm họa khi có sự cố. Ngay bây giờ, mọi gia đình nên trang bị cho mình bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc, thang dây để đề phòng khi cần", BĐ Luc Hoang góp ý.
BĐ Lê Tùng đề nghị: "Tốt nhất mỗi nhà phải có ít nhất 2 lối thoát hiểm, một lối chính và một lối dự phòng trên sân thượng, ban công, hay mái các nhà lân cận kế bên. Những nhà hiện đang có một lối thoát hiểm duy nhất thì cần phải tính giải pháp mở thêm để đề phòng".
"Nhà ở an toàn cần phải có đầy đủ cửa trước, cửa sau cùng các cửa sổ và phải có khoảng cách tối thiểu với các nhà hai bên và phía sau. Nếu cứ xây nhà, xây kiểu gì cũng được, xây không chừa lối thoát hiểm, thì tai nạn thương đau như thế này vẫn còn rình rập", BĐ Khanh Hoa thẳng thắn.

Bí thư TP.HCM chia sẻ nỗi đau với thân nhân nạn nhân vụ cháy nhà thảm khốc

Nên có lực lượng chữa cháy tại chỗ

Ngoài việc chỉ ra sự bất cập về lối thoát hiểm ở những căn nhà ống trong đô thị, nhiều ý kiến cũng đề cập đến công tác PCCC gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các căn nhà bị cháy nằm trong hẻm nhỏ… Chính vì vậy, để giảm thiệt hại và trong khi chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp di chuyển đến hiện trường tiếp cận dập lửa thì BĐ Hung Minh đề nghị nên có lực lượng chữa cháy tại chỗ hỗ trợ trước.
"Khi hỏa hoạn xảy ra, được hỗ trợ lập tức ngay từ bên ngoài là rất cần thiết. Lực lượng tại chỗ nhanh nhất và tốt nhất nên từ các tổ dân phố, dân phòng, trật tự phường. Trang bị một số kỹ năng, thiết bị cứu hộ PCCC cho lực lượng này rất tốt như: phao cứu hộ cho người nhảy từ tầng cao xuống, bình chữa cháy, vòi chữa cháy cắm vào các trụ nước phòng hỏa, có thể lấy nước từ vòi nước, máy bơm các hộ liền kề...", BĐ Hung Minh ý kiến.
Cùng quan điểm, BĐ Duy Khương ủng hộ giải pháp "lực lượng tại chỗ": "Nước xa không thể cứu được lửa gần. Nếu tập huấn, trang bị tốt cho lực lượng này thì ít ra cũng sẽ giảm được thiệt hại và hỗ trợ rất nhiều cho lực lượng chuyên nghiệp trước khi tiếp cận được hiện trường".
"Nên diễn tập phòng cháy chữa cháy cho người dân ở khu dân cư, hẻm nhỏ... Hiện nay vấn đề này tôi chưa thấy được chú trọng. Ngoài ra, nguy cơ dẫn đến hỏa hoạn từ các cơ sở sản xuất không đảm bảo an toàn cháy nổ xen lẫn trong khu dân cư là rất lớn. Luật đã có quy định về việc này, vậy trách nhiệm kiểm tra, quản lý, giám sát của chính quyền ra sao mà để dẫn đến những chuyện như thế này?", BĐ Hữu Lê thẳng thắn.
Xin chia buồn cùng những nạn nhân vô tội. Một khu dân cư chật hẹp, không lối thoát mà cho phép sản xuất vật liệu dễ cháy nổ thì khác nào cài bom hẹn giờ.
Trung
Có hay không sự giám sát kiểm tra các hộ kinh doanh mặt hàng dễ gây cháy nổ, cần phải làm rõ để tránh những vụ tương tự. 
Xa Xiu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.