Nạn nhân bị vu khống trên mạng xã hội, cần làm gì?
Tiếp tục câu chuyện, nhà báo Trọng Phước đặt vấn đề thảo luận: “Nếu sử dụng cách đưa ra pháp luật thì hiện nay sự nhanh nhạy và sẵn sàng của pháp luật như thế nào trong việc xử lý các sự việc vu khống, trục lợi trên mạng xã hội?”
Ông Vũ Phi Long nêu quan điểm: Các khách mời vừa rồi phát biểu cho rằng “Facebook là ảo nhưng hậu quả là có thật” nhưng theo tôi, đứng về mặt pháp luật, thì Facebook là thật. Hiện nay, pháp luật đã xác định các thông tin trên Facebook, mạng xã hội gọi là dữ liệu điện tử. Đây được coi là một chứng cứ pháp luật để xử lý những người có hành vi xâm hại tự do, nhân phẩm con người, làm nhục người khác, được quy định trong Bộ Luật hình sự.
Ông Vũ Phi Long: Thông tin trên Facebook, mạng xã hội đã được pháp luật coi là chứng cứ
|
Nếu ai đó xâm hại lợi ích nhà nước, công dân, tổ chức, vi phạm quyền tự do dân chủ thì bị truy cứu về mặt pháp luật. Vu khống là nói chuyện, đưa tin không có thật, còn hành vị dựa vào một phần sự thật sau đó xuyên tạc để làm hại người khác được xác định là xâm hại, làm nhục người khác.
Hành vi xâm hại, vu khống còn được xác định thông qua tin nhắn; không phải là chủ nhân của Facebook, admin thì mới là xâm hại, mà cả những comment cũng được xác định hành vi.
Kể từ 2018 các dữ liệu đó là dữ liệu điện tử dùng để chứng minh và có thể là bằng chứng xử lý hình sự.
Tội vu khống là bịa đặt hoàn toàn. Còn tội xâm hại là “vẽ” ra thêm sự việc, chỉ có một phần sự thật nhưng được “thêm mắm thêm muối” để làm nhục nạn nhân, có trường hợp dẫn đến tự sát, tội gây ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm người khác. Tuy nhiên, hiện nay mức độ nghiêm trọng thì vẫn chưa được định lượng cụ thể.
Những thông tin trên mạng có phải chứng cứ để xử lý về mặt pháp luật không? Ngay trong điều luật đã có quy định đây là chứng cứ pháp luật và những thông tin đưa lên mạng là tình tiết tăng nặng khi tòa xử lý vụ việc.
Các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiên quyết để định danh đầy đủ người dùng mạng xã hội để chủ thể đó có trách nhiệm với xã hội, thông tin mình đưa ra. Mỗi người phải có trách nhiệm với trang mạng xã hội của mình, với phát biểu, thông tin trên mạng.
4 bước xử lý khi bị vu khống trên mạng xã hội
Thường chủ nhân facebook phải là người có ảnh hưởng lớn thì mới có sức lan tỏa, ảnh hưởng xã hội và người khác, chứ một facebook vô danh thì sẽ không ảnh hưởng như thế. Vì vậy, nạn nhân hoàn toàn có thể xác định người xâm hại và có 4 cách xử lý:
1. Gửi ý kiến đến đơn vị quản lý của người đó để xử lý
2. Xử lý hành chính trong vi phạm hành chính
3. Kiện ra toà dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại
4. Nạn nhân có thể làm đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Trên thực tế đã có vài vụ người bị hại làm đơn yêu cầu khởi tố và được xét xử, hình phạt nhẹ là 6 tháng, nặng là 1-2 năm tù.
Tùy tình hình mà nạn nhân có thể chọn lựa để xử lý sự việc
|