Nhuộm đen cà phê bằng lõi pin: Đủ căn cứ để xử lý hình sự

19/04/2018 09:00 GMT+7

Công an tỉnh Đắk Nông có đủ căn cứ pháp lý, củng cố hồ sơ xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự vụ nhuộm đen cà phê bằng lõi pin.

Liên quan đến vụ bắt quả tang cơ sở chế biến dùng lõi pin để nhuộm cà phê xay ở Đắk Nông, trao đổi với Thanh Niên chiều 18.4, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), Bộ NN-PTNT, khẳng định đây là hành vi cố tình vi phạm quy định về an toàn thực phẩm có tính chất đặc biệt nguy hiểm mà trước đây chưa từng phát hiện qua các cuộc thanh kiểm tra, giám sát.
Cà phê là ngành hàng chủ lực mang lại thu nhập rất lớn cho người nông dân và đã có quy định chi tiết về tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình sản xuất, chế biến cà phê nhân và cà phê rang xay để các cơ quan chức năng có căn cứ kiểm tra, giám sát.
Ông Nguyễn Như Tiệp cho rằng, đối chiếu với các quy định pháp luật tại khoản 3, điều 5 luật An toàn thực phẩm (ATTP); điều 6, Nghị định 178/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP, Công an tỉnh Đắk Nông có đủ căn cứ pháp lý, củng cố hồ sơ xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự. Trong điều 317, bộ luật Hình sự 2017, người có hành vi sử dụng chất cấm trong quá trình chế biến thực phẩm (như vụ dùng lõi pin nhuộm cà phê này), thì ngoài bị phạt tiền có thể chịu khung hình phạt tù giam từ 1 - 5 năm.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, ngay sau sự việc ở Đắk Nông, Nafiqad yêu cầu các địa phương tăng cường lấy mẫu giám sát sản phẩm trên thị trường, rà soát kiểm tra đột xuất đối với cơ sở sản xuất, chế biến cà phê nếu có dấu hiệu nghi vấn vi phạm quy định về ATTP.
Trong ngày 18.4, chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng sự việc phát hiện tại cơ sở chế biến cà phê tại Đắk Nông dù là cá biệt nhưng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản phẩm cà phê VN khi đây là ngành hàng trọng điểm có giá trị xuất khẩu đạt 3 tỉ USD trong năm 2017 và đạt 1 tỉ USD ngay trong quý đầu tiên năm nay. Ông Trần Thanh Nam khẳng định, Bộ NN-PTNT sẽ có đề xuất cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc hành vi này để tạo sức răn đe.
Cà phê bẩn tiêu thụ ở Bình Phước?
Chiều 18.4, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức họp báo xung quanh vụ việc một cơ sở thu mua nông sản dùng tạp chất để tẩm nhuộm phế phẩm cà phê bán ra thị trường. Ông Ngô Xuân Lộc, Chánh văn phòng UBND tỉnh và đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, chủ trì buổi họp báo.
Theo thông tin từ Công an tỉnh Đắk Nông, từ ngày 15 - 17.4, Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an tỉnh cùng Thanh tra Sở NN-PTNT Đắk Nông và đại diện một số cơ quan phối hợp kiểm tra, bắt quả tang hộ bà Nguyễn Thị Thanh Loan (xã Đắk Wer, H.Đắk R’lấp, Đắk Nông) có hành vi pha trộn, tẩm nhuộm tạp chất, hỗn hợp nước và pin vào phế phẩm cà phê. Tại hiện trường, đoàn liên ngành phát hiện 40 lít dung dịch, 35 kg pin bị đập bẹp, 192 kg lõi, nắp và vỏ pin; đã lập biên bản, niêm phong hơn 21 tấn cà phê "bẩn" đã được đóng bao bì.
Tại cuộc họp báo, đại tá Lê Vinh Quy cho biết cơ quan công an đang triệu tập làm việc với 3 người, trong đó có bà Loan, nhưng những người này quanh co, chưa chịu khai nhận mục đích của việc làm trên. Theo đại tá Quy, bước đầu bà Loan chỉ khai nhận đã bán 3 tấn phế phẩm cà phê trộn tạp chất trên cho một người ở tỉnh Bình Phước. Theo đại tá Quy, cơ quan công an đang phối hợp trưng cầu giám định nguồn nguyên liệu, hóa chất thu giữ tại cơ sở của bà Loan.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Ngô Xuân Lộc cho biết UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh xác minh, làm rõ mục đích việc pha trộn tạp chất, hóa chất từ pin vào phế phẩm cà phê, ngăn chặn các sản phẩm này ra thị trường.
Lõi đen trong pin ảnh hưởng lên thần kinh, sinh sản
Theo chuyên gia hóa học Nguyễn Đình Độ (ở TP.HCM): Trong viên pin, cực âm là kẽm, cực dương là than chì được bọc xung quanh bởi bột manganese dioxide (MnO2). Trong pin, bột manganese dioxide được trộn cùng bột than (C) để tăng tính dẫn điện. Việc nhuộm cà phê bằng lõi pin là dùng hỗn hợp MnO2 và C - hai chất đều có màu đen - để cà phê có màu đen hơn.
Các triệu chứng ngộ độc MnO2 thường xuất hiện sau một thời gian tiếp xúc. Nó có thể làm rối loạn thần kinh vĩnh viễn với các triệu chứng như run, khó đi bộ, co thắt cơ trên khuôn mặt, hung dữ, ảo giác... Hít phải cũng như tiếp xúc với bột MnO2 nồng độ cao còn có thể gây viêm phổi, yếu chức năng phổi, tăng mắc các bệnh nhiễm trùng về phổi.
Ngoài ra, sự bất lực, giảm ham muốn tình dục, giảm khả năng sinh sản ở nam giới có thể là do ảnh hưởng từ việc tiếp xúc một thời gian với MnO2. Duy Tính
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.