Những vụ vỡ nợ chấn động phố núi Gia Lai

02/07/2020 10:06 GMT+7

Nhiều vụ vỡ nợ với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng từ nhiều năm qua ở Gia Lai gây nên hệ lụy lớn. Nhiều gia đình tán gia bại sản, ly tán…

Vụ vỡ nợ mới nhất xảy ra tại TP.Pleiku, Gia Lai với số tiền khoảng 200 tỉ đồng đang khiến nhiều chủ nợ "xất bất xang bang".

Nhân viên thời vụ ngân hàng vỡ nợ

Nhiều người vì tin tưởng đã đưa những món tiền lớn cho Lê Thị Thương (P.Hoa Lư, TP.Pleiku), nhân viên hợp đồng thời vụ tại chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) tại Gia Lai. Chỉ cách đây vài ngày, Thương đến công an phường cầu cứu , nhờ bảo vệ, thông báo mình "mất khả năng thanh toán nợ".
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, một số người chủ nợ khẳng định Thương dùng tiền vay để đáo hạn ngân hàng. Ngoài ra, Thương còn dùng số tiền vay để đầu tư bất động sản. Nhưng do thị trường bất động sản chững lại, dẫn đến khó bán, giá đất xuống, khiến các khoản vay khó thanh toán cho chủ nợ.
Tuy nhiên, một điều lạ là trong mấy ngày qua, vẫn chưa có chủ nợ nào trình báo với cơ quan chức năng.
Cũng theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, Thương đã đưa tiền cho một người tên T. để buôn bán bất động sản. Người này đã mua nhiều lô đất có diện tích lớn, nhưng gặp trục trặc trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất, và việc phân lô bán nền ở TP.Pleiku đang bị cơ quan chức năng tuýt còi, nên việc giao dịch bị chững lại.
Hàng xóm của Lê Thị Thương cho biết gia đình chị này nhiều năm nay có cuộc sống bình thường. Ngoài làm việc ở ngân hàng, thời gian rảnh, Thương có mở một quán bún đậu mắm tôm. Vì thế, thật khó hiểu khi có nhiều chủ nợ tin tưởng cho Thương vay những món tiền lớn đến vậy.
Hiện nguyên nhân chính thức của vụ vỡ nợ vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Dư luận Gia Lai đang đặt vấn đề liệu có ai đứng đằng sau Thương "giật dây" để những chủ nợ tin tưởng cho Thương vay những món tiền lớn như trên mà không có tài sản đảm bảo nào ?.

Từng xảy ra những vụ vợ nợ chấn động Gia Lai

Nhiều vụ vỡ nợ chấn động từng xảy ra ở Gia Lai đã gửi lời cảnh báo về những hình thức huy động, vay mượn "lãi suất cao bất thường". Nhưng tại sao nhiều nạn nhân vẫn vướng vào ?
Cách đây 10 năm, chúng tôi đã trực tiếp chứng kiến nhiều chủ nợ tìm đến căn nhà của Phan Thị Hồng (đường Lê Hồng Phong, TP.Pleiku) xâu xé tài sản khi nghe tin bà này mất khả năng thanh toán khoản nợ nhiều tỉ đồng.
Họ lấy từ nồi cơm điện đến những cánh cửa… Chỉ trong vòng hơn một giờ đồng hồ, căn nhà đã bị các chủ nợ "lột" sạch toàn bộ tài sản có thể mang đi được.
Trước đó, hàng chục nạn nhân vì tin bà Hồng đã huy động tiền, vay tiền ngân hàng, để cho bà Hồng vay lại, bỗng chốc trắng tay.

Căn nhà của bà Lê Thị Hồng ở đường Lê Hồng Phong bị chủ nợ tới dọn sạch Sau khi hay tin bà này mất khả năng thanh toán

Ảnh: Trần Hiếu

Theo điều tra của cơ quan công an, bà Hồng cũng huy động tiền để cho Mai Quý Thọ (50 tuổi, trú tại P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) vay lại. Khi Thọ mất khả năng thanh toán, vụ vỡ nợ dây chuyền xảy ra.
Cụ thể, từ tháng 3.2007 đến 6.2008, Mai Quý Thọ thông qua sự bảo lãnh của Phạm Thị Én (52 tuổi, trú tại TP.Pleiku) đã vay của bà Phan Thị Hồng hơn 211 tỉ đồng. Mai Quý Thọ và Phạm Thị Én sử dụng chính số tiền vay trả lại cho bà Phan Thị Hồng hơn 135 tỉ đồng (tiền gốc là 103,8 tỉ đồng và tiền lãi là 31,856 tỉ đồng).
Do không trả được tiền cho bà Phan Thị Hồng nên ngày 30.6.2008, Mai Quý Thọ và Mai Diêu Kiều Trinh (44 tuổi, thường trú tại Kon Tum) rủ nhau bỏ trốn. Đến ngày 14.2.2009, Thọ và Trinh bị bắt tại khu vực biên giới tây nam.
Toà đã xử Mai Quý Thọ và Phạm Thị Én tù chung thân; Mai Diêu Kiều Trinh 14 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo cáo trạng, Én, Thọ và bạn gái của mình là Mai Diêu Kiều Trinh đã chiếm đoạt hơn 75 tỉ đồng của bà Hồng.

Mai Quý Thọ (hàng đầu, thứ 3 từ phải sang) và đồng phạm tại tòa

Ảnh: Trần Hiếu

Ngoài ra, nhiều năm nay tại Gia Lai còn có những vụ vỡ nợ cà phê lớn, ảnh hưởng đến nhiều nông dân.
Đơn cử, tháng 5.2019, nhiều người dân xã Ia Krái, H.Ia Grai (Gia Lai) ùn ùn kéo đến bao vây gia đình bà Đoàn Thị Niềm, chủ cơ sở thu mua nông sản lớn ở địa phương, để đòi nợ.
Nhiều nông dân cho biết họ đã ký gửi hàng trăm tấn cà phê vào cơ sở này, chờ giá cao sẽ bán nhưng khi nghe tin bà Niềm tuyên bố vỡ nợ, họ thực sự sốc. Trước đó, vợ chồng bà Niềm mang đơn lên Công an xã Ia Krái trình báo "gia đình vỡ nợ". Tổng số cà phê của 47 nông dân trong xã ký gửi vào cơ sở này theo thông tin ban đầu lên đến hơn 200 tấn với số tiền xấp xỉ 8 tỉ đồng.
Vì tin tưởng đại lý, nông dân sau khi thu hái cà phê đã đến gửi tại các đại lý, chờ khi được giá hoặc cần tiền mới ra chốt giá và lấy tiền. Lợi dụng sơ hở này, một số đại lý kinh doanh, ký gửi cà phê đã đem cà phê của nông dân gửi và đem bán. Khi chủ nợ là nông dân biết con nợ tháo chạy thì đã muộn.
Những vụ vỡ nợ hàng chục tỉ đồng khiến công sức một nắng hai sương trên đồng đất của người nông dân bỗng chốc không cánh mà bay...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.