Nhùng nhằng xử lý tài sản tham nhũng trong đại án ALC II

Thái Sơn
Thái Sơn
25/08/2020 17:03 GMT+7

Vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính 2 (ALC II) đến nay đã kéo dài hơn 9 năm, trải qua 3 cấp toà, nhưng chưa xử lý được dứt điểm và gây ra kháng nghị, kháng cáo kéo dài.

Theo dự kiến, ngày 27.8,, TAND cấp cao tại TP.HCM sẽ mở phiên xét xử lại phần dân sự trong vụ án tham ô tại Công ty cho thuê tài chính 2 (ALC II) thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đây là vụ án đã được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an phát hiện, khởi tố từ năm 2011, sau đó được Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng xác định là một trong những đại án để theo dõi, chỉ đạo.
Từ năm 2013 đến nay, TAND các cấp tại TP.HCM đã nhiều lần đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt mức án tử hình đối với 2 bị cáo đứng đầu là Vũ Quốc Hảo, nguyên Tổng giám đốc ALC II; và Đặng Văn Hai, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Quang Vinh. Dù bản án hình sự đã có hiệu lực nhưng phần dân sự liên tục bị kháng nghị, kháng cáo của cơ quan tố tụng, các bị cáo và người có nghĩa vụ liên quan, nên đến nay vẫn chưa được thi hành.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2008, trong khoảng thời gian từ năm 2007-2009, Vũ Quốc Hảo đã cấu kết với Đặng Văn Hai rồi chỉ đạo thuộc cấp thực hiện các hợp đồng cho thuê tài chính mua bán khống với các doanh nghiệp của Hải, qua đó tham ô tài sản của Nhà nước với số tiền 122,3 tỉ đồng.
Trong khoản tiền tham ô nêu trên, cơ quan tố tụng làm rõ năm 2008, Vũ Quốc Hảo 2 lần vay tiền của ông Lê Đoàn Tám, Giám đốc công ty TNHH đóng tàu Đại Dương tại Hải Phòng, tổng cộng 60 tỉ đồng, rồi chuyển cho Lê Văn Phong, Tổng giám đốc Công ty CP Hàm Rồng, để đầu tư vào Dự án khu căn hộ Trường An ở Bình Dương.
Sau nhiều lần bị ông Đoàn Lê Tám đòi, Vũ Quốc Hảo đã bàn bạc với Đặng Văn Hai ký hợp đồng thuê tài chính và hợp đồng mua bán khống với các công ty của Hai để rút 120 tỉ đồng của ALC II. Đến tháng 4.2009, Hảo yêu cầu Đặng Văn Hai trả nợ cho ông Tám 75 tỉ đồng, số còn lại các bị cáo chiếm đoạt sử dụng cá nhân.
Cuối tháng 11 năm ngoái, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm giải quyết phần trách nhiệm dân sự đã quyết định, bị án Vũ Quốc Hảo buộc phải bồi thường 75 tỉ đồng cho ALC II; bị án Đặng Văn Hai bồi thường 42,5 tỉ đồng cho ALC II; còn ông Lê Đoàn Tám (người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan) phải nộp lại 7 tỉ đồng để đảm bảo cho khoản bồi thường của Vũ Quốc Hảo, bởi khoản tiền ông Hảo trả ông Tám là do phạm tội mà có.

Thu hồi từ bên thứ 3 không khả thi

Phán quyết của TAND TP.HCM ngay sau đó đã bị Viện KSND TP.HCM ra kháng nghị, bởi cho rằng việc buộc “Đoàn Lê Tám nộp 75 tỉ đồng cho ALC II để đảm bảo trách nhiệm thi hành bồi thường của Vũ Quốc Hảo, cấn trừ vào nghĩa vụ bồi thường của Hảo. Đối với quan hệ quan hệ vay mượn tiền giữa ông Tám và ông Hảo, nếu các bên có tranh chấp thì có quyền khởi kiện theo trình tự tố tụng dân sự”, là không có căn cứ vì không có khả năng thu hồi cho Nhà nước”.
Theo kháng nghị, Vũ Quốc Hảo dùng tiền từ ALC II để trả nợ vì trước đó đã vay của Đoàn Lê Tám do khoản vay này Hảo đã dùng để bảo lãnh cho Lê Văn Phong đầu tư vào khu căn hộ Trường An “Đây là quan hệ pháp luật dân sự hợp pháp, ngay tình được pháp luật bảo vệ”, kháng nghị nêu.
Mặt khác, Viện KSND TP.HCM cũng cho rằng, Vũ Quốc Hảo đang có tài sản hiện hữu tại khu căn hộ Trường An, đang được cơ quan tố tụng kê biên để đảm bảo thi hành án. Xét về tính khả thi và ưu tiên thu hồi tài sản cho Nhà nước thì buộc Vũ Quốc Hảo bồi thường bằng tài sản hiện có tại khu căn hộ Trường An mới phù hợp quy định pháp luật và có khả thi.
Từ đó, Viện KSND TP.HCM kháng nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng buộc Vũ Quốc Hảo phải trả cho Công ty ALCII 75 tỉ đồng, không buộc Lê Đoàn Tám phải trả cho ALCII 75 tỉ đồng; tiếp tục kê biên, phát mãi Khu căn hộ Trường An lấy tiền trả cho nhà nước.
Trong khi đó, ông Đoàn Lê Tám cũng đã có đơn kháng cáo, đồng thời gửi đơn tới TAND cấp cao và TAND tối cao yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Theo ông Tám, khoản vay mượn giữa ông và Vũ Quốc Hảo đã được hoàn trả trước thời điểm cơ quan điều tra khởi tố vụ án.
Quá trình điều tra, truy tố, đến xét xử, các cơ quan tố tụng đều xác định dự án khu căn hộ Trường An có một phần tài sản của Vũ Quốc Hảo, được hình thành từ tiền vay ông Tám nên đã có quyết định kê biên để đảm bảo thi hành án. Với khoản tiền 75 tỉ mà ông Tám đã nhận cách đây 10 năm thì không hề bị cơ quan tố tụng phong tỏa hay yêu cầu nộp lại trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
"Vụ án này kéo dài gần chục năm, trải qua rất nhiều phiên xét xử nhưng đều đưa ra những phán quyết chưa đúng bản chất, dẫn đến việc kháng cáo, kháng nghị kéo dài, không kết thúc được vụ án, gây tốn kém về thời gian tiền bạc cho các bên liên quan này”, đơn kháng cáo của ông Tám nêu.
Vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm phạm tội tham ô tài sản là vụ án phức tạp, kể từ khi điều tra khởi tố vụ án đến nay đã kéo dài hơn 9 năm, đã từng 3 lần xử sơ thẩm, 2 lần xử phúc thẩm bởi nhiều lần bị kháng nghị, kháng cáo, trong đó, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã từng ra kháng nghị hủy án để xét xử lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.