Những người xử lý bom mìn

01/04/2015 09:00 GMT+7

Đã tròn 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, nhưng ngày ngày, những người lính công binh vẫn âm thầm lội ngược dòng sinh tử, xử lý bom mìn góp phần ngăn chặn nỗi đau thời hậu chiến.

Đã tròn 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, nhưng ngày ngày, những người lính công binh vẫn âm thầm lội ngược dòng sinh tử, xử lý bom mìn góp phần ngăn chặn nỗi đau thời hậu chiến.

 
Những người lính thuộc Trung tâm xử lý bom mìn và môi trường Quân khu 5 làm nhiệm vụ trên thực địa - Ảnh: TTXLBM-MT QK5 cung cấp
Cõng “thần chết” trên lưng
Những ngày đầu tháng 2.2015, trong khi làm rẫy trên triền núi cách Cầu số 6, đường tránh phía nam hầm Hải Vân (P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) gần 400 m, người dân phát hiện một quả bom rất lớn lộ ra dưới 1,5 m đất. Ngay sau khi nhận được tin báo, cán bộ kỹ thuật của trung tâm lập tức đến hiện trường, phối hợp với lực lượng địa phương phong tỏa trong vòng bán kính 1 km và lên kế hoạch xử lý.
Phải mất 300 năm nữa mới xong
Không có con số thống kê chính xác, chỉ biết rằng hiện cả nước còn hơn 6 triệu ha đất đang bị ô nhiễm bởi bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Bằng nỗ lực của những người lính công binh, đã có hàng trăm tấn bom mìn được dò tìm và xử lý mỗi năm. Nhưng, như trung tá Mai Văn Lập, Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật - Trung tâm xử lý bom mìn và môi trường Quân khu 5 chia sẻ: “Với nhân lực, trang thiết bị và tốc độ xử lý bom mìn như hiện nay, thì phải đến 300 năm nữa VN mới có thể triệt tiêu hết được số bom mìn còn chôn vùi sâu trong lòng đất”.
Ngay khi tiếp cận hiện trường, trung tá Mai Văn Lập, người trực tiếp chỉ huy lực lượng xử lý xác định quả MK-81 (nặng 500 cân Anh, tương đương 230 kg) đang trong tình trạng ngòi nổ đuôi còn nguyên, nhưng ngòi nổ ở đầu đã mục nát bộ phận bảo vệ, chỉ còn kíp nổ. Trong suốt hơn 3 giờ đồng hồ tập trung xử lý với độ chính xác tuyệt đối, ngòi nổ đã được các chiến sĩ xử lý sơ bộ, tuy nhiên quả bom vẫn còn trong tình trạng nguy hiểm. Sau đó, 20 cán bộ chiến sĩ của trung tâm đã thay nhau cõng “thần chết” trên lưng, vượt qua hơn 1 km đường núi và khoảng 100 km đường trường mới đến được nơi hủy nổ an toàn. “Với tình trạng của quả MK-81 lúc đó, nếu không xử lý kịp thì sức công phá sẽ rất khủng khiếp trong khoảng 1.500 - 2.000 m khi không có vật chắn, chắc chắn ảnh hưởng đến khu vực hầm đường bộ Hải Vân, khu dân cư...”, trung tá Lập cho biết.
Nhưng vẫn may là quả MK-81 trên vẫn có thể dùng phương pháp hủy nổ thông thường và an toàn. Còn với những quả bom nằm trong khu vực không thể di chuyển, bất khả kháng phải dùng phương pháp hủy tháo thì lúc ấy, những người lính công binh mới thực sự đứng giữa lằn ranh sinh tử. Nhớ lại lần xử lý 2 quả bom (mỗi quả nặng hơn 1.000 kg) ở khu vực A Lưới (Thừa Thiên-Huế) cách đây không lâu, người có thâm niên rà phá bom mìn trên 15 năm như trung tá Lập vẫn còn thấy “ngán”. Khi Bộ Tư lệnh công binh (Bộ Quốc phòng) quyết định xử lý với quy trình tháo ngòi nổ, đầu nổ tại chỗ, phạm vi cảnh giới đã được nâng lên trong vòng bán kính 4 km.
“Công tác xử lý trên thực địa kéo dài cả tháng, trong đó có 6 ngày ròng rã lắp ngòi nổ chống tháo vô cùng nguy hiểm, với sự tập trung cao độ và tính chính xác tuyệt đối. Những chiến sĩ trẻ phải thực sự có thần kinh thép mới có thể trụ vững được trước những tình huống cam go”, trung tá Lập nhớ lại.
Gỡ bom mìn như... ăn cơm mỗi ngày
Hơn ai hết, những người lính xử lý bom mìn hiểu thấu công việc đặc thù và vô cùng nguy hiểm của họ, nhưng khi nghe hỏi có thấy sợ không thì ai cũng cười lắc đầu. “Lính công binh chúng tôi gặp bom mìn đều đặn như người ta ăn cơm mỗi ngày. Gì mà phải sợ”, thượng úy Huỳnh Văn Khẩn (38 tuổi), người có thâm niên hơn 10 năm trong công tác rà phá, xử lý bom mìn vui vẻ chia sẻ. Còn trung tá Lập thì trầm tư: “Với nghề này, đã sợ thì không thể làm được vì nó đòi hỏi sự tỉnh táo, tập trung, bảo đảm an toàn cho đồng đội. Cán bộ kỹ thuật ở đây cũng như người chỉ huy một trận đánh lớn, phải tuyệt đối chính xác. Một cuộc chiến đánh đổi sinh mạng bao nhiêu người thì không được phép thất bại. Đừng nói đến chuyện sợ hãi”.
Cũng có những người lính tuổi đời còn rất trẻ, vừa bước ra khỏi cánh cổng của Trường Sĩ quan công binh là ngay lập tức họ “làm bạn” với bom mìn, nhưng không phải là những quả bom, trái mìn còn nguyên vẹn hình dáng, đường khối như khi huấn luyện. Số bom mìn mà họ tiếp cận bị chôn vùi trên dưới nửa thế kỷ trong lòng đất, nên rất khó nhận dạng chủng loại, các thông số kỹ thuật và ký hiệu cũng đã bị ăn mòn, biến dạng, kíp nổ, ngòi nổ đều có thể hoạt động bất kỳ lúc nào. Nhưng cũng chính từ “áp lực” này mà kinh nghiệm, bản lĩnh nghề nghiệp của họ dần được trui rèn.
“Lần đầu tiên tôi chỉ huy xử lý bom mìn là ở khu vực xây dựng làng thanh niên lập nghiệp A Sờ ở H.Đông Giang, Quảng Nam, khi ấy tôi mới chỉ 25 tuổi. Sau 2 ngày tập trung giải quyết gọn quả bom nặng gần 114 kg và một lượng đạn rất lớn, cái mà tôi có được đó là sự tự tin, tinh thần sẵn sàng ra thực địa”, trung tá Lập nói.
Để những vùng đất chết được hồi sinh
Chính thức thành lập năm 2007, với nhiệm vụ tư vấn giám sát, khảo sát, dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ và bom đạn hóa học, chất độc đảm bảo cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - quốc phòng và dân sinh trên địa bàn Quân khu 5 và nhiều địa phương trong cả nước, kể cả nước bạn Lào, Campuchia, bình quân mỗi năm, trung tâm xử lý trên dưới 100 tấn bom mìn các loại. Riêng từ năm 2011 đến nay, do xử lý tập trung ở những khu vực đặc biệt (từ Đà Nẵng vào đến Đồng Nai) như kho bom, khu vực chôn bom đạn... nên mật độ xử lý của trung tâm trở nên dày đặc. Có năm lượng bom mìn hủy nổ tăng gấp 7 - 8 lần so với con số trung bình.
Thượng úy Huỳnh Văn Khẩn (trái) và trung tá Mai Văn Lập bên vỏ của 2 quả bom được trung tâm xử lý ở khu vực A Lưới (Thừa Thiên-Huế)
Thượng úy Huỳnh Văn Khẩn (trái) và trung tá Mai Văn Lập bên vỏ của 2 quả bom được trung tâm xử lý ở khu vực A Lưới (Thừa Thiên-Huế) - Ảnh: An Dy
Được đầu tư những thiết bị dò tìm, xử lý hiện đại như máy dò sâu trên mặt đất, dưới biển, hệ thống xử lý bằng hơi nước... cả những công nghệ rất riêng, gọn nhẹ và hiệu quả do ngành công binh VN nghiên cứu, thiết kế và làm chủ, những người lính của trung tâm luôn có mặt kịp thời ở các điểm nóng bom mìn. Từ dải đất miền Trung nắng gió khắc nghiệt, lên bạt ngàn Tây nguyên, lần sâu xuyên qua dải Trường Sơn thăm thẳm, sang tận những khu vực đồi núi hiểm trở bên kia đất bạn Campuchia... có những điểm phải vác thiết bị lội bộ băng rừng 4 - 5 ngày liền mới đến nơi, và sống trong các lán trại giữa rừng cả tháng trời, nhưng với nhiệm vụ hồi sinh những vùng đất chết, nên nơi đâu có bom mìn là họ lại tìm đến, bất chấp hiểm nguy.
Cũng chính vì nhiệm vụ đặc biệt này mà chúng tôi đã gọi họ là những người lội ngược dòng sinh tử.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.