Những người 'vác tù và hàng tổng': Ông tổ trưởng không được nghỉ hưu

Vũ Thơ
Vũ Thơ
09/08/2019 00:00 GMT+7

Với 62 năm “vác tù và hàng tổng”, ông Trần Huy Quang (83 tuổi) đã chăm lo mọi việc lớn nhỏ cho người dân con phố của mình và làm nhiều việc ý nghĩa cho cộng đồng, vì vậy ông không được người dân cho... nghỉ hưu.

Ông Quang làm Tổ trưởng tổ dân phố số 25, P.Hàng Gai, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội, từ năm 19 tuổi và là người hiếm hoi trong những tổ trưởng tổ dân phố đầu tiên của TP.Hà Nội còn làm việc đến nay.

Hóa giải xích mích bằng thơ

Ông Quang kể, năm 19 tuổi, ông tham gia công tác thanh niên và được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ dân phố. Tính đến nay, trừ 2 năm đi nghĩa vụ quân sự, ông Quang đã có thâm niên 62 năm đảm nhận cương vị này. Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn rất minh mẫn, nhanh nhẹn. Ông kể về những năm tháng làm tổ trưởng tổ dân phố thuở trước: “Tuy ngày ấy nhiệm vụ của tổ trưởng tổ dân phố không nhiều việc như bây giờ, chỉ chủ yếu tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách, an ninh trật tự là chính... nhưng cũng lắm khó khăn. Khó khăn nhất là giải quyết những xích mích nhỏ trong khu phố… Đặc biệt, khu vực phố cổ là nơi tập trung nhiều tiểu thương kinh doanh buôn bán, người đến người đi thường xuyên nên rất khó quản lý”.
Sau này xã hội phát triển, những khó khăn đó cũng lớn dần lên. “Vì là phố cổ, đất chật người đông với đủ mọi thành phần… nên phức tạp lắm. Chuyện xích mích thường xuyên xảy ra, nếu không kịp thời ngăn chặn thì sẽ có nhiều chuyện đau lòng”, ông Quang chia sẻ. Rồi ông kể, nhớ nhất là câu chuyện 2 gia đình đánh nhau đến chấn thương chỉ vì một xích mích nhỏ.
“Hai nhà chung nhau một lối đi. Một nhà bán hàng đã căng ri đô lên để che cho khách thử quần áo, nên bị con trai của chủ nhà bên cạnh đánh chấn thương vùng mặt. Cả hai gia đình kéo nhau lên phường giải quyết. Tôi phải phân tích đúng sai để rồi sau đó người đánh đã phải xin lỗi người bị đánh. Tuy nhiên gia đình người bị đánh bức xúc đòi bồi thường. Tôi đã khuyên nhủ họ rằng hai nhà vẫn đi cùng một ngõ, ở cùng một số nhà, nếu lấy tiền đền bù rồi thì sẽ không thể nhìn mặt nhau được nữa. Vậy là họ thôi...”.
Nói về “bí quyết” giữ gìn trật tự khu phố, ông Quang đưa ra hơn 2.000 bài thơ do ông sáng tác với các chủ đề về việc đời, về tình làng nghĩa xóm, về sức khỏe..., đặc biệt là đạo về lý làm người. Ông bảo, có nhiều vụ việc ông phải hóa giải bằng thơ, nhất là những xích mích của nhiều cặp vợ chồng, anh em, hàng xóm… Từ những vần thơ trữ tình và giàu triết lý, ông đã giúp họ bỏ qua những chuyện nhỏ nhặt, giữ gìn đoàn kết. “Công tác hòa giải rất phức tạp. Có những lúc phải giải quyết sao cho thật mềm mỏng và những vần thơ chính là phương thức hóa giải mâu thuẫn nhẹ nhàng nhất”, ông Quang chia sẻ.
Những người 'vác tù và hàng tổng': Ông tổ trưởng không được nghỉ hưu1

Ông Quang (giữa) trò chuyện với các cư dân lâu năm trong ngôi nhà nhỏ của mình

Cần mẫn làm việc không tên

Bà con trong khu phố cổ còn yêu quý ông Quang vì ông luôn gần gũi và giúp đỡ mọi người như người thân của mình. Trong tổ có gia đình nghèo cần tiền chữa bệnh, đóng tiền điện... ông luôn sẵn sàng cho vay. Người già cô đơn đau yếu không đi lĩnh tiền trợ cấp xã hội được, ông đi lĩnh giúp họ suốt nhiều năm. Có tháng ông bỏ ra đến một nửa tiền lương của mình để giúp những người khó khăn.
Ông Quang vốn học Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Hồi còn trẻ ông làm thiết kế mỹ thuật cho công ty giày da xuất khẩu. Năm 1960, ông vào quân ngũ nhưng bị bệnh tim, phải về mất sức nên giờ chỉ hưởng lương 2,5 triệu đồng/tháng. Dù cuộc sống gia đình cũng không dư dả nhưng ông vẫn cần mẫn làm những việc không tên mà có ích cho cộng đồng.
Đặc biệt, do hiểu từng người, biết từng nhà nên ông cũng là người có những bài điếu văn xúc động để đưa tiễn những cư dân của khu phố về nơi yên nghỉ cuối cùng. Trong những năm qua, ông viết hơn 200 bài điếu văn trong các tang lễ của khu phố. Ai cần ông viết di chúc ông cũng viết giúp. Ông luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để giải quyết kịp thời các khúc mắc. Nhờ đó, nhiều năm liền, Tổ dân phố số 25 P.Hàng Gai đều đạt chỉ tiêu “Tổ dân phố văn hóa”. Ông còn có nhiều sáng kiến, đề xuất hay trong việc giữ gìn và bảo tồn cảnh quan, văn hóa cho các tuyến phố cổ trên địa bàn Q.Hoàn Kiếm.
Tâm sự về việc giữ “kỷ lục” tới 62 năm làm cái nghề “vác tù và hàng tổng” và được người dân tín nhiệm mãi, ông Quang nói: “Khi nhận trách nhiệm, tôi luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ: Dân là gốc. Mỗi hộ dân trong tổ dân phố là tế bào của xã hội. Tổ trưởng là "cánh tay nối dài" của chính quyền đến với dân. Làm công việc này là phải gần dân, sát dân, vì dân, phải là người có đạo đức, sống gương mẫu, lại phải công tâm, được dân yêu quý thì mọi công việc mới thành công”.
Những người 'vác tù và hàng tổng': Ông tổ trưởng không được nghỉ hưu2

Ông Quang hướng dẫn học viên tập dưỡng sinh trong CLB dưỡng sinh Bắc Sơn

25 năm dạy tập dưỡng sinh miễn phí

Tuy đã ở cái tuổi cần được nghỉ ngơi nhưng lúc nào ông Quang cũng tất bật với những công việc “bao đồng”. Đã 25 năm nay ông còn kiêm cả cái “nghề” dạy tập dưỡng sinh miễn phí cho người dân. Nhà ở phố Hàng Nón (Q.Hoàn Kiếm), nhưng đều đặn vào sáng sớm và chiều muộn hằng ngày, ông Quang ra khu vực Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Bắc Sơn (đường Hoàng Diệu, Q.Ba Đình) dạy tập dưỡng sinh cho những thành viên CLB dưỡng sinh Bắc Sơn do ông thành lập.
Tôi tìm gặp ông Quang vào một buổi chiều hè trên đường Hoàng Diệu. Trong cái nắng oi ả, đường phố thưa vắng người nhưng ông vẫn đến đây để dạy tập dưỡng sinh, dù học viên hôm đó chỉ đến có 2 người. Đồ nghề của ông là một cái đài được ghi âm bài giảng “700 khuỷu khớp” do chính ông biên soạn và đọc. Bài giảng này cũng được nhiều CLB dưỡng sinh trên toàn TP.Hà Nội sử dụng và nhờ nó, nhiều người bệnh đã khỏe mạnh hơn.
Là người đã theo ông Quang tập dưỡng sinh, ông Nguyễn Văn Thiện ở ngõ Tạm Thương (P.Hàng Gai, Q.Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Tôi bị đau khớp từ 7 năm nay, đến mức phải vào viện phẫu thuật thay khớp, cứ tưởng sẽ phải nằm một chỗ. Nhờ có ông Quang hướng dẫn tập các bài thể dục dưỡng sinh mà tôi đi lại bình thường được”. Bà Trần Phương Mai, thành viên CLB dưỡng sinh Bắc Sơn, nói: “Ông Quang giúp chúng tôi thấy trẻ, khỏe lên. Tuổi của chúng tôi hay bị các bệnh mạn tính, như xương khớp, tim mạch... Đến CLB, được ông Quang hướng dẫn tập dưỡng sinh mà sức khỏe của tôi ổn hẳn”.
Để có những bài tập này, ông Quang cho biết đã nghiên cứu học hỏi các bác sĩ và đọc sách báo, tài liệu. Sau 25 năm đã có hàng trăm người được ông dạy miễn phí ở CLB này. Cũng nhờ tập luyện mà giờ đây ở tuổi 83 ông vẫn giữ được sự dẻo dai, minh mẫn để tham gia các hoạt động xã hội. Không chỉ làm tổ trưởng tổ dân phố, ông còn từng tham gia các công tác khác như: Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi của phường, Ban Thanh tra nhân dân, Tổ trưởng Tổ hòa giải khu dân cư…
Với những đóng góp ý nghĩa và lớn lao cho cộng đồng, ông Quang được chọn là công dân ưu tú của TP.Hà Nội, được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt năm 2018.
Nhận xét về ông Quang, Phó chủ tịch UBND P.Hàng Gai Phùng Thị Phi Nga nói: “Ông Quang đã công tác trong nhiều năm, có trách nhiệm, nhiệt tình, gắn bó với chính quyền. Ông có khả năng làm thơ, nhiều lúc ông đã sử dụng thơ để giải quyết công việc. Đặc biệt, trong công tác hòa giải, ông cũng tặng cho những người trong quá trình hòa giải những câu thơ để họ tự giải quyết công việc của mình”.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.