Những người lao động nào được trả lương ngừng việc do dịch Covid-19?

Thu Hằng
Thu Hằng
26/07/2021 15:22 GMT+7

Việc trả lương ngừng việc cho người lao động liên quan đến dịch Covid -19 được căn cứ vào khoản 3 điều 99 của bộ luật Lao động. Cụ thể, sẽ có 4 trường hợp người lao động ngừng việc được trả lương.

Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH) vừa có công văn gửi Sở LĐ-TB-XH các địa phương hướng dẫn về việc trả lương ngừng việc cho người lao động (NLĐ) trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19.
Theo Cục Quản lý lao động tiền lương, trong thời gian qua, do tác động bởi đại dịch Covid-19, sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, có doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, một số NLĐ phải ngừng việc xuất phát từ các tác động của dịch Covid-19.

Bản tin Covid-19 ngày 26.7: Cả nước thêm 7.882 ca, TP.HCM phạt không nương tay với người vi phạm

Để thực hiện chế độ trả lương trong thời gian ngừng việc theo đúng quy định của pháp luật lao động, Cục Quan hệ lao động và tiền lương đề nghị Sở LĐ-TB-XH hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện việc trả lương ngừng việc căn cứ vào quy định tại điều 99 của bộ luật Lao động để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc (do lỗi của người sử dụng lao động, hay NLĐ, hay do nguyên nhân khách quan) để xác định trả lương ngừng việc cho NLĐ.
Đối với trường hợp NLĐ phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 thì tiền lương của NLĐ trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 điều 99 của bộ luật Lao động.
Theo đó, 4 trường hợp được trả lương ngừng việc, gồm:
NLĐ phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
NLĐ phải ngừng việc do nơi làm việc hoặc nơi cư trú bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
NLĐ phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. NLĐ phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa quay trở lại doanh nghiệp làm việc.
Cụ thể, trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Cục Quan hệ lao động và tiền lương đề nghị các Sở LĐ-TB-XH căn cứ nội dung nêu trên để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện, trường hợp có vướng mắc phát sinh khác thì báo cáo về Bộ LĐ-TB-XH hướng dẫn, xử lý kịp thời.
Trước đó, theo Quyết định số 23/2021 ngày 7.7 của Thủ tướng, người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc khi đủ các điều kiện sau: có NLĐ làm việc theo hợp đồng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm người lao động ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định trong thời gian từ ngày 1.5.2021 đến hết ngày 31.3.2022; không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng…
Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng, thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
Trước đó, ngày 22.7, Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tái cấp vốn 7.500 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc cho NLĐ. Lãi suất tái cấp vốn là 0%, lãi suất tái cấp vốn quá hạn là 0%.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, hiện mức lương tối thiểu cho NLĐ được áp dụng trong các loại hình doanh nghiệp theo 4 vùng:
Vùng 1 (khu vực thành phố, đô thị thuộc các quận, thị nội thành) là 4,42 triệu đồng.
Vùng 2 (khu vực huyện, thị thuộc các tỉnh, thành phố) là 3,92 triệu đồng.
Vùng 3 (các huyện, thị xã thuộc các tỉnh) là 3,42 triệu đồng
Vùng 4 (vùng nông thôn, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn) là 3,07 triệu đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.