Những người 'lái đò' trên dốc cổng trời

07/02/2018 14:15 GMT+7

Bén duyên và cắm bản ở xã Măng Ri (H.Tu Mơ Rông, Kon Tum) gần 10 năm nay, nhiều thầy cô giáo vẫn miệt mài, đêm đêm thắp đèn gieo chữ cho các bạn học trò nhỏ người Xê Đăng.

Vượt đèo bám bản
Cách TP.Kon Tum hơn 100 km về hướng Bắc, xã Măng Ri (H.Tu Mơ Rông) nằm chênh vênh giữa đỉnh trời. Nơi đây ngăn cách với thế giới bên ngoài bởi con đèo Măng Rơi thăm thẳm dốc.
Chúng tôi đến thăm Măng Ri vào một ngày cuối năm se lạnh. Kéo nhẹ tay ga xe máy ở 1 khúc cua tay áo trên con đèo Măng Rơi, anh đồng nghiệp quay sang hét lớn: “Phải về số 1 mới qua được đèo, đi số 2 thì chỉ có nước tụt xuống dưới chân núi thôi”. Và ì ạch lắm chúng tôi mới vượt qua hàng chục cây số đường đèo quanh co, hung hiểm để đến với Măng Ri.
Là một trong những người đầu tiên vượt đèo Măng Rơi bám bản, rồi bén duyên với nơi đây, thầy Nguyễn Xuân Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học Măng Ri, nhớ mãi ngày chàng sinh viên mới ra trường được phân công về Măng Ri dạy học vào 10 năm trước. Khi đó, con đường từ trung tâm huyện lên Măng Ri chỉ là con đường đất trơn tuột, "leo" được vào đến Măng Ri, thầy Hạnh phát sốt mấy hôm sau mới đi dạy được.
Thời gian đầu về Măng Ri, cái lạnh ở đây khiến thầy Hạnh ốm triền miên. Thêm vào đó, đường xá khó khăn, thực phẩm tươi sống như thịt, cá luôn là những thứ xa xỉ phẩm. Có thời gian, thầy Hạnh cùng nhiều giáo viên khác phải ăn cá khô ròng rã cả tháng trời. 
“Thời gian đầu đi dạy, gặp phải nhiều em học sinh "cứng đầu", gọi mãi không đi học. Vậy là mình nghĩ ra cách một buổi dạy học còn một buổi theo các em ấy đi bắn cá suối. Ban đầu chưa biết bắn các em dạy bắn được một vài con. Sau ít ngày mình bắn được cả dây cá. Từ đó mấy em cứng đầu mới nể phục, xem mình như... thủ lĩnh, nói đến em nào là em đó nghe lời và không chểnh mảng chuyện học hành nữa” , thầy Hạnh tâm sự.
Gia đình thầy Hạnh và cô Huyền Diệu chung một lời thề “cắm bản, gieo chữ” Ảnh: Thiên Ân
Thắp đèn gieo chữ
Ở tuổi 30, cô Phạm Thị Trà My đã hơn 8 năm gắn bó với Măng Ri, nếm đủ khó khăn vất vả, khi thì vắt rừng, khi thì bọ chét đất, khi muỗi rừng bủa vây. Những ngày mưa gió, chạy xe đến nhà vận động học sinh đến trường, cô My cùng chiếc xe trôi tuột xuống con dốc lởm chởm. Đến khi dựng được xe lên, khắp chân tay chỗ nào cũng thâm tím. Những ngày nắng ráo thì cũng chẳng đỡ hơn là mấy khi khắp nơi chỗ nào cũng có sâu róm, chỉ vô tình chạm vào cũng đủ khiến ngứa ran người. “Những ngày mới lên đây mình khóc suốt, nhìn quanh chỉ toàn rừng là rừng. Mỗi lúc buồn, nhớ nhà chẳng biết tâm sự cùng ai. Đến bây giờ khi đã quen với các khúc cua, con dốc, quen với mùa bọ chét đất cắn cho bầm da, đen thịt, mình lại thấy yêu nơi này”, cô My tâm sự.
Buổi tối, khi các nóc nhà ở Măng Ri bắt đầu lên đèn, không khí cũng trở nên lạnh buốt. Đây cũng là lúc hàng chục em học sinh bắt đầu í ới gọi nhau đội đèn pin, cắp sách đến lớp. 18 giờ, khi trời nhá nhem tối là lớp học của cô My bắt đầu tại một phòng học ở điểm trường Măng Ri.
Cô My cho biết khoảng 3 năm trước, trong một đêm nhớ con, cô kéo vài học sinh lại trò chuyện rồi dạy cho các em tập viết, tập đọc. Thấy các em học yếu, cô My nảy ý định mở lớp dạy học vào ban đêm vừa nâng cao chất lượng học tập của các em, vừa khuây khỏa nỗi nhớ con. Vậy là ý tưởng thắp đèn gieo chữ được thực hiện. Thời gian đầu cô My phải vận động phụ huynh học sinh cho các em tới lớp. Nhiều em có sức học yếu nhưng vẫn chưa muốn đến lớp, cô My phải mua bánh kẹo để vận động, ai đến lớp sẽ được... thưởng kẹo. Thế là các em rủ nhau kéo đến chật lớp.
"Hồi ấy mình vừa sinh con xong cũng đành bỏ con ở nhà cho bà ngoại trông rồi lên đây dạy lại. Nhiều đêm nhớ con không ngủ được, mình lại đi xuống làng nói chuyện với các em học sinh. Sau đó mình nghĩ ra cách mở lớp dạy thêm vào ban đêm cho các em học sinh có học lực yếu. Đến nay sức học của các em đã được nâng lên. Đêm nào các em không đến lớp là phụ huynh gọi điện cho mình xin phép cho con. Thấy các em càng ngày càng học tốt làm người giáo viên như mình cũng thầy vui lây, nỗi nhớ gia đình cũng phần nào được nguôi ngoai”, cô giáo trẻ tâm tình.
Một chốn bốn quê
Ở cái nơi núi cao, đèo sâu này, hạnh phúc gia đình hay những bữa cơm sum vầy như là điều xa xỉ đối với những thầy cô giáo trường Măng Ri. Vì điều kiện công tác, nhiều thầy cô gạt nước mắt xa gia đình, ở lại cắm bản cho giấc mơ con chữ của những học trò nhỏ.
Tâm sự về gia đình nhỏ của mình, cô My quay đi, che vội nét buồn trên khóe mắt: “Mình với ông xã quen nhau từ thời học đại học, mình quê ở Đăk Lăk, còn ổng quê ở Quảng Nam. Cách đây hơn 3 năm mình với ổng cưới nhau, cưới xong ai về nhà nấy. Ổng về Quảng Nam công tác, mình về Kon Tum dạy học, còn đứa con gửi cho bà ngoại trông bên Đăk Lăk".
"Mấy ngày lễ Tết, lúc thì mình lái xe máy vượt gần 200 km đường đèo qua núi Ngọc Linh về Quảng Nam thăm chồng. Có hôm lại lái xe máy vượt gần 400 km về Đăk Lăk thăm con. Hôm sinh nhật mình, ông xã mua chiếc bánh sinh nhật từ Quảng Nam rồi đèo lên tận trường tặng vợ vì trên bản này làm gì có tiệm bánh kem. Lên đến nơi, mở chiếc hộp ra mặt ổng méo xệch, chiếc bánh đã nát từ lúc nào… mình cũng chỉ biết ôm chồng mà khóc. Có những ngày nhớ chồng, nhớ con mà chả dám khóc, vì ở đây ai cũng thế. Mình mà khóc thì có khi cả trường cùng khóc theo, nghĩ thế thôi rồi lại nín", cô My cho biết thêm.
Kể về chuyện của gia đình mình, thầy Hạnh nhớ lại trong một lần đi công tác ở Quảng Nam, thầy Hạnh tình cờ gặp cô sinh viên ngành sư phạm Trần Thị Huyền Diệu. Thế mà nhờ "duyên gọi", một thời gian sau, cô Diệu ra trường rồi quyết tâm về dạy tại trường Măng Ri. Và một mái ấm nhỏ hình thành. “Lễ cưới được tổ chức ấm cúng giữa sân trường, thế là chúng tôi thành vợ chồng. Giờ đây đã hơn 5 năm, chúng tôi sinh được 2 người con", thầy Hạnh hồ hởi khoe.
Gửi 2 con về Quảng Trị để bà nội chăm sóc, vợ chồng thầy Hạnh, cô Diệu vẫn tiếp tục cắm bản để gieo chữ. "Hai vợ chồng chúng tôi cũng thường động viên nhau, mỗi lúc tết là thay nhau về thăm con…”, thầy Hạnh tâm sự.
Thầy Lê Anh Sơn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Măng Ri, chia sẻ: “Chúng tôi xem nhau như anh em ruột thịt, người này chung thứ này thì người khác giúp thứ khác, đùm bọc nhau mà sống. Dù cuộc sống có khó khăn, thiếu thốn nhưng các thầy cô vẫn động viên nhau cố gắng. Song song với đó, các sở ban ngành cũng luôn ghi nhận những cống hiến, sự hy sinh của các thầy cô. Đồng thời, tạo mọi điều kiện ăn ở, lễ tết giúp các thầy cô được về nhà sum họp với gia đình…”.
Ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND xã Măng Ri, cho biết: "Ở đây 100% là học sinh người đồng bào Xê Đăng nên trình độ dân trí còn thấp. Muốn bà con phát triển kinh tế, xã hội thì trước hết phải làm tốt công tác giáo dục, phải có những người đưa ánh sáng giáo dục đến thì lúc đó nhận thức bà con mới đổi thay. Những người thực hiện nhiệm vụ cao cả ấy không ai khác chính là các thầy cô bám bản ở xã vùng cao này".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.