Những người dập tắt 'chiến tranh': 'Đánh cược' cả mạng sống vì dân

Vũ Thơ
Vũ Thơ
02/08/2020 07:44 GMT+7

Người xưa thường nói “thấy ăn thì đến thấy đánh thì đi”, thế nhưng công việc của những người làm hòa giải ở cơ sở thì ngược lại, hễ ở đâu có xô xát thì họ lại đến để dập tắt 'chiến tranh'...

Và có những người đã “đánh cược” cả mạng sống của mình để giữ bình yên cho xã hội.
Bà Đỗ Thị Hồng Nhẫn (71 tuổi) ở phố Bích Câu (P.Quốc Tử Giám, Q.Đống Đa, Hà Nội) là một trong những người như thế. Để đấu tranh với những công trình xây dựng lấn chiếm đất công và giải quyết những tranh chấp phức tạp của người dân, bà đã không ít lần gặp nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng hơn 10 năm qua, với vai trò là Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN P.Quốc Tử Giám, Trưởng ban Mặt trận cụm dân cư số 7, kiêm công tác hòa giải, bà đã dành hết tâm huyết của mình để bảo vệ lẽ phải cho người dân.

Đối mặt với tử thần

Chúng tôi tìm đến nhà bà Nhẫn khi bà vừa trải qua một cơn bạo bệnh, nhưng khi nói đến công việc hòa giải, bà quên cả mệt mỏi, hào hứng chia sẻ: “Ở phố Bích Câu này, có rất nhiều chuyện phức tạp, dân cư đông đúc, lại có nhiều hộ gia đình phải ở chung trong một căn biệt thự cũ, nên rất hay xảy ra mâu thuẫn. Chuyện cơi nới, lấn chiếm và tranh chấp quyền sở hữu thường xuyên xảy ra”.
Nhận xét về bà Đỗ Thị Hồng Nhẫn, ông Đỗ Trọng Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN Q.Đống Đa, TP.Hà Nội, nói: “Bà Nhẫn tận tụy với công việc, nhiệt tình hiếm có, luôn dành cả tâm sức của mình cho công tác xã hội; luôn đặt lợi ích tập thể trên lợi ích cá nhân. Vì thế bà Nhẫn đã tạo được uy tín trong nhân dân và là tấm gương để lan tỏa trong xã hội”.
Nổi cộm nhất là vụ việc tranh chấp kéo dài trong nhiều năm giữa nhà số 22 và 24 phố Bích Câu. Tại đây có nhiều hộ sinh sống, một số hộ lấn chiếm lối đi chung, xây bể nước khoảng 4,2 m2 để rửa xe, ảnh hưởng đến không gian chung và lối đi của người dân. Vụ việc gây ra kiện cáo kéo dài, nhiều lần phường tổ chức hòa giải không thành công. Bà đã tìm gặp từng hộ dân, vận động tuyên truyền, yêu cầu các hộ cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng không ai chứng minh được phần lấn chiếm đó là của gia đình mình. Vừa bằng lý, vừa bằng tình, bà đã thuyết phục các hộ dân đồng thuận phá bể nước, dọn sạch lối đi để trả lại không gian chung cho bà con khu phố.
Tuy nhiên, để giải quyết vụ việc này, bà đã phải đối mặt với cả “đầu gấu” do một gia đình thuê đến để hăm dọa, cản trở. “Khi đầu gấu kéo đến, mọi người rất sợ. Tôi cũng run chứ, vì giờ nhiều thanh niên nghiện hút làm liều. Nhưng nghĩ rằng, mình làm nghề hòa giải, nếu không vào cuộc thì ai vào. Vậy là tôi gặp và vừa phân tích vừa cảnh báo về các hành vi vi phạm pháp luật của họ. Tôi bảo, tôi già rồi có làm sao thì cũng không hối tiếc, nhưng họ còn trẻ, nếu họ vi phạm pháp luật xảy ra án mạng thì cuộc đời họ sẽ chấm hết. Với lại, tôi chỉ là người làm công tác hòa giải, để đảm bảo quyền lợi của các bên, chứ có thiên vị ai đâu. Chi bằng chỉ nên giải quyết bằng tình cảm để còn giữ được tình làng nghĩa xóm. Vậy là họ đành rút lui”, bà Nhẫn nhớ lại.
Những người dâp tắt 'chiến tranh'

Bà Đỗ Thị Hồng Nhẫn phát biểu khi tham gia một buổi tiếp xúc cử tri trên địa bàn

Ảnh: Vũ Thơ

Kịp thời ngăn án mạng

Không chỉ một lần đối mặt với tử thần, có lần bà Nhẫn bảo vệ người dân khi họ đấu tranh quyết liệt với các công trình xây dựng sai phép trên địa bàn, lấn chiếm đất công; trong lúc đi qua công trình đó, không biết vô tình hay cố ý, mà một mảng bê tông rơi xuống, suýt trúng đầu bà. Đó cũng là công trình mà bà phải mất rất nhiều công hòa giải, để chủ đầu tư phải trả lại vỉa hè cho người dân. “Trong lúc giải quyết vụ việc, nhà đầu tư đã đến tận nhà tôi “biếu xén” nhằm mua chuộc, nhưng tôi kiên quyết không nhận, nên họ rất ngại tôi”, bà Nhẫn tự hào kể.
Có lẽ, chính vì sự cương trực đó, mà bà có được uy tín suốt bao nhiêu năm qua ở con phố này và đã góp phần hòa giải thành công rất nhiều vụ việc. “Trên địa bàn có rất nhiều mâu thuẫn, nếu không hòa giải kịp thời thì xảy ra án mạng. Đó là hai gia đình hàng xóm, một nhà trồng cây xanh lấn sang đất của nhà kia. Nhà kia bức xúc mang dầu đổ vào gốc để cây chết. Vậy là hai bên đánh cãi nhau căng thẳng và cầm dao dọa giết nhau”, bà Nhẫn kể.
“Tôi đã gặp hai gia đình phân tích rằng cả hai bên đều có lỗi, người thì lấn chiếm trồng cây, người thì đổ phế thải làm chết cây, nên mỗi bên đều phải xin lỗi. Người ta nói bán anh em xa, mua láng giềng gần, nếu chỉ vì xích mích nhỏ mà xảy ra án mạng lớn thì ai cũng thiệt thòi”, bà Nhẫn kể và cho biết sau những phân tích có lý, có tình đó, hai bên gia đình đã đến nhà bà để bắt tay hòa giải.
Rồi nhiều trường hợp khác khi các gia đình mua đi bán lại nhà ở, chủ mới đến lại xây dựng cơi nới, lấn chiếm làm ảnh hưởng các hộ xung quanh gây ra kiện cáo. Thậm chí, có những hộ gia đình cho người vào ở nhờ trong những căn biệt thự diện nhà nước cho thuê trước đây, rồi không đòi lại được. Đơn từ được gửi đi nhiều nơi, lên tới tận TP. Tuy nhiên, có lúc việc giải quyết còn chậm, dẫn đến những mâu thuẫn căng thẳng trong dân, nhà nọ dọa giết nhà kia…; nhưng bằng tình cảm, trách nhiệm bà Nhẫn đã phân tích đúng sai, thuyết phục người dân để họ không vi phạm pháp luật.

Hết lòng vì dân

Không chỉ làm tốt công tác hòa giải, là Tổ trưởng Tổ dân phố, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 7, bà Nhẫn luôn quan tâm giúp đỡ người dân nên được mọi người tin yêu, kính trọng. Gặp chúng tôi, ông Trần Xuân Cương (65 tuổi), một người dân sống tại phố Bích Câu, đã hết lời khen bà Nhẫn: “Khi ở phố xảy ra những vụ việc phức tạp, nhiều người đến đe dọa, bà Nhẫn kết hợp với các cán bộ của phường giải quyết tốt các mâu thuẫn, nên không xảy ra đánh nhau. Bà đã làm hết trách nhiệm của mình, giữ gìn đoàn kết trong dân, quan tâm đến đời sống của dân, nên chúng tôi rất kính nể bà”.
Ông Phạm Văn Luẩn, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN P.Quốc Tử Giám, người có nhiều năm làm việc với bà Nhẫn, cũng cho biết: “Bà Nhẫn luôn gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân; tận tụy tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; quy tụ, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân thành khối đại đoàn kết. Không chỉ được người dân tin yêu, bà còn được lãnh đạo phường và thành viên khối mặt trận đánh giá cao vai trò và những cống hiến đóng góp của bà trong thành tích chung của Ủy ban MTTQ VN P.Quốc Tử Giám”.
Chia sẻ về bản thân, bà Nhẫn kể, bà tốt nghiệp Trường đại học Thương mại, trước khi nghỉ hưu, bà từng làm Giám đốc Công ty CP thương mại hợp tác quốc tế, thuộc Sở Thương mại Hà Nội (cũ). Trong quá trình công tác, bà từng làm Bí thư Đoàn thanh niên cơ quan, nên cái máu lửa nhiệt huyết đã đưa bà đến với công tác xã hội và dấn thân vì cộng đồng. Giờ tuổi cao sức yếu, chồng bà là thương binh đã mất mấy năm rồi; hai người con, một trai một gái đã thành đạt, nên muốn bà nghỉ ngơi dưỡng già, nhưng bà vẫn được tín nhiệm làm cán bộ mặt trận, kiêm công tác hòa giải. “Tôi rất vui khi xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân. Có lúc mệt vì tuổi già, cũng muốn nghỉ, nhưng được người dân tin tưởng, tôi lại vẫn cố gắng để làm được những việc có ích cho cộng đồng”, bà chia sẻ.
Với những tâm huyết và cống hiến của mình, bà Nhẫn đã nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của UBND, Ủy ban MTTQ VN cấp quận và TP.Hà Nội. Năm 2018, bà được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” do Chủ tịch UBND TP.Hà Nội trao tặng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.