Những mảnh đời ba gác: Lão ba gác 'dị nhân'

Quang Viên
Quang Viên
14/03/2021 07:05 GMT+7

Có người gọi ông là lão ba gác 'dị nhân', 'lạ đời nhứt hành tinh'. Nhưng tôi thấy ông 'đốn tim' vì những điều bình dị.

Trong khi nghề chạy ba gác đạp chở thuê đã lùi vào dĩ vãng, thì hơn 30 năm nay ông Dương Trường Thọ Nam (67 tuổi) vẫn gắn bó với chiếc xe ba gác đạp. Vẻ “lãng tử”, triết lý sống và đặc biệt là hình ảnh ông còng lưng đạp ba gác để kiếm những đồng tiền còm cõi nuôi con thành tài làm “đốn tim” nhiều người.

Nổi tiếng khắp cư xá Đô Thành

Khi những hình ảnh của ông lão đạp xe ba gác do nhiếp ảnh gia có nickname Quỷ Cốc Tử chia sẻ trên Facebook, cộng đồng mạng đã hào hứng, thậm chí “nổi sóng”. Tôi liên lạc với “Quỷ Cốc Tử” thì được biết anh chính là nhiếp ảnh gia nổi tiếng Ngô Trần Hải An. Anh An cho biết: “Đi chụp ảnh ở bùng binh ngã sáu Dân Chủ (Q.3, TP.HCM) thì thấy cụ đạp xe ba gác. Hình ảnh cụ và triết lý cuộc đời viết trên lưng xe cứ khiến tôi bâng khuâng. Tôi quyết định tìm cụ để chụp bộ ảnh. Khi tôi đến ngã ba đường Nguyễn Thượng Hiền đoạn giao với Điện Biên Phủ thì thấy cụ ở đó”. Mấy lần tìm đến khu vực Hải An nói nhưng tôi không thấy ông lão ba gác ở đâu. Cuối cùng hỏi người dân thì biết nhà ông ở cư xá Đô Thành (Q.3, TP.HCM). Ở cư xá này, ông Nam đạp xe ba gác “nổi tiếng” như... diễn viên, nên họ chỉ phát một.
Căn nhà nhỏ của lão ba gác đạp nằm sâu trong khu cư xá. Gặp tôi, ông Nam xởi lởi nói: “Ở khu vực này ai cũng biết tui. Nói Thọ Nam đạp ba gác họ chỉ liền. Vì hơn 30 năm rồi tui mưu sinh trên chiếc ba gác đạp lạ đời nhứt hành tinh. Nhưng tui “nổi tiếng” nhờ mới đây hình ảnh được truyền trên mạng thôi”. Đang hào hứng kể, nhận được điện thoại chở hàng, ông Nam ngại ngần nói: “Xin lỗi chú, tui phải đi chở hàng cho mối quen. Dịch Covid-19 nó hại quá. Mấy ngày rồi không có ai kêu. Giờ phải chạy kiếm chút. Chạy xong tui về kể chú nghe cuộc đời của tui”.
Những mảnh đời ba gác: Lão ba gác 'dị nhân'1

Ở tuổi gần 70 nhưng ông Nam "lãng tử" rất nhanh nhẹn

ẢNH: QUANG VIÊN

Lão ba gác phơi tấm lưng trần hối hả đi lấy xe. Bà Thùy An, vợ ông, nhắc: “Trời nắng quá, ông mặc cái áo mà đi”. Ông Nam lên xe ba gác, cười khà khà: “Tại sợ để mình trần chụp hình lên báo nó kỳ chứ hồi trước tới giờ tui toàn ở trần đạp xe không à”. Lấy chiếc ba gác, ông Nam gò lưng đạp. Mái tóc dài chấm vai bạc trắng bồng bềnh, trông ông rất “lãng tử”. Ở tuổi gần 70 nhưng ông rất nhanh nhẹn. “Tui già rồi nên con cái bảo nghỉ đừng đạp ba gác nữa. Nhưng tui thấy thà cứ thong dong đạp ba gác mà đời nó vui. Ở nhà mấy ngày không đạp buồn thúi ruột và tưởng như xương nó mục dần dần”, ông Nam tâm sự.
Chiếc xe ba gác của ông Nam khiến nhiều người thích thú bởi những câu viết hai bên thành xe. Thấy tôi nhìn chằm chằm vào những dòng chữ này, ông Nam bày tỏ: “Tui ghiền ông Bùi Giáng. Thích đọc báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ. Mê nhạc Trịnh Công Sơn và thấm triết lý nhà Phật. Tôi viết những câu trên này để nhắc nhở mình sống sao cho thiện lương”. Được biết, ông Nam đặt tên cậu con trai út là Dương Hành Thiện, vì muốn con cũng sống theo tư tưởng của mình. Ở thành xe bên phải ông Nam ghi: “Khi tôi chào đời với hai bàn tay trắng. Lúc tôi trở về với cát bụi lại cũng hai bàn trắng tay. Hành trang tôi mang theo là cái ác và thiện mà thôi”. Bên kia thành xe là những câu ông hóm hỉnh “chế từ nhạc Trịnh: “Bao nhiêu năm rồi làm mãi không dư. Loay hoay tính toán cho đời mỏi mệt. Trên đôi vai ta gánh nặng nợ tình. Trả hết cho người còn bộ xương khô”. Chính phong cách “lãng tử”, ở trần phơi mình dưới nắng mưa đạp xe và những câu viết trên chiếc xe ba gác làm ông Nam trở nên nổi tiếng. Có người gọi ông là “dị nhân” là vậy.
Những mảnh đời ba gác: Lão ba gác 'dị nhân'2

Hai bên thành xe ông Nam ghi những câu vui vui hoặc triết lý

ẢNH: QUANG VIÊN

Còng lưng đạp ba gác vì con

Ông Nam kể ông sinh ra ở Đà Nẵng, nhưng theo bố mẹ di cư vào Sài Gòn từ lúc ông còn nhỏ. Ông từng làm đủ thứ nghề để mưu sinh nhưng thất bại rồi cuối cùng thì đạp ba gác và gắn bó luôn. “Hồi trai trẻ vất vả lắm. Một mình tui bươn chải đủ thứ nghề như sửa xe, bán phụ tùng xe máy xe đạp, đạp xích lô... nuôi 3 đứa con ăn học. Có thời gian vợ chồng tui phải thường xuyên ăn cháo để dành dụm tiền cho con ăn học. Tui ghi câu “30 năm rồi làm mãi không dư” là vì có được bao nhiêu tiền cũng dồn hết cho 3 đứa con rồi. Nghèo khổ nên có còng lưng đạp xe nuôi con ăn học thành tài tui cũng vui”, ông Nam trải lòng. Hàng xóm phục ông Nam bởi chỉ nhờ chiếc xe ba gác mà 3 đứa con ông đã học thành tài. Cô con gái đầu tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đang định cư tại Phần Lan. Cô con gái thứ hai dạy mầm non. Cậu út Hành Thiện tốt nghiệp ĐH về viễn thông đang làm việc cho một công ty lớn.
Từ khi vào nghề ba gác, ông Nam cho rằng mình luôn được nhiều người gọi chở hàng vì quý sự hiền từ, chân thật và hiểu sự hy sinh của người cha nghèo đối với con cái. Mỗi ngày nếu có những cuốc hàng để chở, ông Nam có thể kiếm được từ 300.000 - 400.000 đồng. Thời gian gần đây do dịch Covid-19 nên ông ít có hàng. Song, nghề đạp ba gác với ông bây giờ như cái nghiệp. “Tôi sẽ còn hành nghề cho đến khi không còn khách hàng nào gọi nữa”, ông Nam nói.
Theo chân ông Nam đến một nơi để chở hàng, bà chủ cửa hàng cho biết: “Xe ba gác máy chở nhanh hơn, nhưng tôi vẫn kêu bác Nam vì bác thật thà, vui tính. Chẳng bao giờ kì kèo hàng nặng nhẹ, cước nhiều hay ít”. Lão ba gác nói thêm: “Tui biết phận tui mà. Vừa già vừa đi ba gác đạp, đâu dám kén chọn. Ai thuê chở gì, đi gần hay đi xa cũng vui vẻ nhận lời”. Được biết, ông Nam từng đạp xe chở những cuốc hàng xa đến 15 km, đi hết hơn 2 giờ đồng hồ.
Niềm vui của ông Nam khi mỗi ngày gò lưng đạp ba gác không chỉ là kiếm được tiền trang trải cuộc sống gia đình mà ông còn đón nhận những tình cảm chân tình của mọi người dành cho mình. “Không chỉ những người láng giềng mà cả những người không quen gặp trên đường hỏi mình ngày nay có cuốc hàng nào chưa, tiền vô khá không... làm tui cảm động lắm”, ông Nam tâm sự. (còn tiếp)
Ở khu cư xá Đô Thành, không ai là không biết ông Nam “lãng tử” đạp xe ba gác. “Nghèo cho sạch, rách cho thơm” đúng với cách sống của ông Nam. Ổng hiền khô, sống nghĩa tình lắm. Hôm trước, có một chị ve chai xin ông đi quá giang. Ông chở chị đến nơi nhưng không lấy tiền. Ổng còn nuôi dạy các con không chỉ ăn học đến nơi đến chốn, có nghề nghiệp ổn định mà còn biết tôn trọng mọi người, nhất là những người lao động nghèo khổ. Ở đây ai cũng lấy đó làm gương. 
(Chia sẻ của người hàng xóm ông Thọ Nam)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.