Những khu vực nào ở TP.HCM sẽ áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường?

21/07/2021 20:56 GMT+7

Một số khu vực nguy cơ cao, đông dân cư như nhà trọ của công nhân, người lao động đông đúc và chưa thực hiện giãn cách đảm bảo yêu cầu thì TP.HCM sẽ áp dụng biện pháp mạnh hơn Chỉ thị 16 để giảm tiếp xúc.

Tối 21.7, trao đổi với báo chí về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi thông tin số ca dương tính hằng ngày tăng cao nên thành phố đánh giá dịch có thể sẽ diễn biến phức tạp trong vài ngày tới.
Trong 3 tình huống mà TP.HCM đề ra trước đây thì đến thời điểm này phù hợp với tình huống 2, đó là tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 và tăng cường một số biện pháp. Hôm qua, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã đề cập đến vấn đề này. Hiện Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM đang chuẩn bị các biện pháp áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường.
Cụ thể, sẽ tuyên truyền, vận động, giám sát người dân và tổ chức thực hiện giãn cách xã hội triệt để hơn; đảm bảo triệt để giữa nhà với nhà, người với người trong gia đình để hạn chế việc tiếp xúc và lây lan mầm bệnh. Bởi hiện nay, theo ngành y tế thành phố, mầm bệnh rất nhiều trong cộng đồng.

Cần đánh giá về mức độ tuân thủ trong thực hiện Chỉ thị 16

Áp dụng khu vực đông dân cư, không tuân thủ giãn cách

Đối với một số khu nguy cơ cao, đông dân cư như nhà trọ của công nhân, người lao động đông đúc nên chưa thực hiện giãn cách đảm bảo yêu cầu thì TP.HCM sẽ áp dụng biện giãn dân phù hợp để giảm mật độ, mọi người ít tiếp xúc. “Cần thực hiện thật sự triệt để trong 7 - 10 ngày tới, chúng ta ngăn chặn mầm bệnh lây lan, có thể đạt đỉnh trong thời gian này để sau đó triển khai các biện pháp kiểm soát”, ông Mãi nói.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM thông tin về các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới

Ảnh: HMC

Bên cạnh đó, TP.HCM tập trung cho phân tầng, quản lý, chăm sóc điều trị F0, hiện ngành y tế đã đề ra mô hình 4 tầng. Tầng thứ nhất là người vừa test nhanh kháng nguyên dương tính sẽ tạm chờ ở phường, xã, thị trấn, sau đó lấy mẫu đơn PCR và có kết quả dương tính. Khi đó, những người không triệu chứng, không có bệnh nền thì cách ly tại cơ sở cách ly ở quận, huyện.
Tầng 2 có triệu chứng cần điều trị, chủ yếu ở các bệnh viện quận; tầng 3 là triệu chứng và bệnh nền cần điều trị ở tuyến cao hơn, có thể điều trị một phần bệnh viện tuyến quận hoặc tuyến cao hơn. Tầng 4 là bệnh nhân rất nặng cần hồi sức, hiện thành phố có 4 bệnh viện, tập trung điều trị để hạn chế tử vong. Mô hình phân tầng của thành phố sẽ giúp giảm tải, không cần thiết đưa người chưa có triệu chứng vào cơ sở điều trị mà chỉ đưa vào các cơ sở cách ly để quản lý, chăm sóc, điều trị tốt hơn.

TP.HCM ghi nhận tới 5.480 ca nhiễm Covid-19 chỉ trong 24 giờ

Thu hẹp vùng đỏ, mở rộng vùng xanh

Một giải pháp khác được Phó bí thư Thường trực Thành ủy nêu ra tại buổi họp báo là đảm bảo hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhất là khu phong tỏa, gia đình khó khăn cần tăng cường hơn để đảm bảo.
Song song đó, TP.HCM tập trung bảo vệ và mở rộng vùng xanh (vùng an toàn dịch bệnh) trên bản đồ Covid-19. Như H.Củ Chi, lúc đầu có 2 xã vùng xanh nhưng khi triển khai đồng bộ nhiều biện pháp thì giờ có nhiều vùng xanh hơn; tương tự là H.Nhà Bè, H.Cần Giờ và cả một số quận trung tâm sẽ cố gắng làm sạch địa bàn thông qua giãn cách, xét nghiệm. “Đây là bước chuyển trọng tâm của thành phố, bên cạnh bao vây thu hẹp vùng đỏ thì việc mở rộng vùng xanh cũng rất cần thiết”, ông Mãi cho hay.
Sau 13 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng với nhiều nỗ lực nhưng chưa thể đạt được tình huống 1 – kiểm soát dịch bệnh, ông Mãi cho biết TP.HCM phải đối mặt tình huống 2 là tiếp tục Chỉ thị 16; đồng thời tăng cường một số biện pháp với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh giống như 18 tỉnh thành khu vực phía nam.

TP.HCM có hơn 3.000 điểm bị phong tỏa, cách ly y tế

Ảnh: Độc Lập

Về phương án sản xuất an toàn, ông Mãi nói đây là vấn đề rất quan trọng, không chỉ giải quyết công ăn việc làm của hàng triệu công nhân mà còn ảnh hưởng đến cả chuỗi cung ứng hàng hóa, mà nếu đứt gãy sản xuất, mất thị trường thì sau này rất khó để chiếm lĩnh lại.
Thời gian qua, TP.HCM đưa 2 phương án sản xuất an toàn nhưng quá trình chuẩn bị còn gấp nên cả 2 phương án khi triển khai xuống các doanh nghiệp có những điểm không an toàn. TP.HCM đã làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp và thống nhất trong thời điểm này thì an toàn là trước hết; đồng thời sẽ có những điều chỉnh trong thời gian tới nhằm tìm biện pháp an toàn nhất để sản xuất, trong đó tính đến phương án sản xuất an toàn trong thời gian dài, có thể phải đến hết năm 2021.
Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ quan tâm đến vấn đề cung ứng hàng hóa đảm bảo an toàn, có thể mở lại các chợ truyền thống, điều chỉnh phương thức hoạt động của chợ truyền thống…

TP.HCM dùng biện pháp mạnh hơn cả Chỉ thị 16 với khu đông dân để chặn Covid-19

Vấn đề ứng xử với các ca tử vong do mắc bệnh Covid-19 cũng được đặt ra để đảm bảo an toàn vệ sinh phòng dịch và trang nghiêm khi tổ chức nghi lễ với người đã khuất. Ông Mãi cho biết lãnh đạo thành phố đã giao các sở ngành liên quan phối hợp, nghiên cứu kinh nghiệm từ các nước trên thế giới để triển khai tại TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.