Những giấy tờ nào cần sửa đổi khi chuyển từ CMND sang CCCD gắn chíp?

Bích Ngân
Bích Ngân
08/05/2021 19:02 GMT+7

Chuyên gia pháp lý cho rằng khi chuyển CMND sang CCCD gắn chíp thì người dân cần điều chỉnh thông tin trên một số loại giấy tờ.

Số CMND có liên quan đến hầu hết tất cả các giấy tờ cá nhân của công dân, vì vậy, chuyên gia pháp lý cho rằng khi chuyển CMND sang CCCD gắn chíp thì người dân cần điều chỉnh thông tin trên một số loại giấy tờ.

Công an Quảng Trị chong đèn, suốt đêm làm căn cước công dân gắn chip

4 lưu ý khi sử dụng CCCD gắn chíp

Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, luật sư (LS) Trần Minh Cường (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, theo quy định tại Điều 38 luật Căn cước công dân, CMND đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực (1.1.2016) vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ CCCD. Những người đang sử dụng CMND 9 số, nếu còn hạn sử dụng vẫn được tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn 15 năm theo quy định. Người dân có nhu cầu đổi hoặc thẻ bị sai sót, mất, hỏng… thì mới phải đổi sang CCCD.
Đồng thời, LS Minh Cường cũng cho biết thêm, theo quy định tại Khoản 2, Điều 19 luật Căn cước công dân, số thẻ CCCD là số định danh cá nhân. Còn Điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP hướng dẫn luật Căn cước công dân quy định, số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, còn CMND 9 số chỉ có 9 số và không phải mã định danh cá nhân.
Vì vậy, LS Minh Cường nhấn mạnh: “Khi chuyển từ CMND 9 số sang CCCD 12 số, người dân cần điều chỉnh một số hồ sơ, giấy tờ, như: Cập nhật thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các loại tài sản khác có đăng ký; Cập nhật thông tin tài khoản ngân hàng; Bảo hiểm xã hội, Sửa đổi thông tin trên hộ chiếu; Thông báo với cơ quan thuế để tránh việc bị từ chối, khó khăn khi thực hiện các thủ tục có liên quan”.
Đồng ý kiến với LS Minh Cường, LS Lê Trung Phát (Đoàn LS TP.HCM) cho biết thêm, theo tiêu chuẩn thì CCCD gắn chip sẽ lưu trữ được những đặc điểm nhận dạng bằng hình ảnh, vân tay và sinh trắc học của người được cấp. Vì vậy, CCCC gắn chip được xem như một loại giấy tờ vừa có tính bảo mật vừa có tính xác thực rất cao, tránh và làm giảm thiểu vấn nạn các giấy tờ giả được sử dụng khi giao dịch hàng ngày. Tuy nhiên, CCCD gắn chíp cũng để lại một vài sự rắc rối cho người dân, như: việc chứng minh hai người là vợ chồng (mà trước đó trong giấy đăng ký kết hôn có ghi số CMND của hai vợ chồng, giờ thành số CCCD).
Do đó, theo Thông tư 40/2019/TT-BCA, khi công dân làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD thì cơ quan quản lý CCCD nơi tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số CMND đối với tất cả các trường hợp chuyển từ CMND 9 số sang thẻ CCCD 12 số, LS Minh Cường nói.

Chuyển sang dùng CCCD gắn chíp có gặp rắc rối không ?

Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, LS Trần Minh Cường cho biết, hiện nay đang có trường hợp người dân đổi từ CCCD có mã vạch (12 số) sang CCCD có gắn chip, khi quét mã QR thì không hiện ra thông tin số CMND 9 số khi người này thực hiện chuyển đổi từ CMND 9 số sang CCCD mã vạch.
Điều này đồng nghĩa với việc người dân buộc phải cần thêm Giấy xác nhận số CMND 9 số và số CCCD 12 số do cơ quan chức năng cấp. Trường hợp chuyển từ CMND 9 số sang CCCD gắn chip luôn mà không cấp đổi sang CCCD mã vạch thì được tích hợp luôn ngay khi quét mã mà không cần cung cấp Giấy xác nhận số CMND.
Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, LS Lê Trung Phát lại cho rằng CCCD gắn chip có thể tích hợp các thông tin của công dân như: BHYT, BHXH, bằng lái xe hoặc các thông tin khác. Như vậy, khi thực hiện các giao dịch có liên quan, người dân không cần phải mang các loại giấy tờ trên. Tránh đi sự phiền phức trong việc lưu trữ, bảo quản của người dân hay phải tốn tiền, thời gian để sao y các loại giấy tờ này. Đồng thời, người dân vẫn phải lưu trữ các Giấy xác nhận của cơ quan công an. Nếu làm thất lạc các giấy này, thì phải đi xin cấp lại.
Ngoài ra, “khi chuyển từ CMND 9 số sang CCCD 12 số, người dân cần điều chỉnh một số hồ sơ, giấy tờ. Đó không phải là rắc rối khi dùng CCCD gắn chip, mà rắc rối này vốn dĩ cũng đã tồn tại từ trước đó nếu đổi CMND 9 số sang CCCD mã vạch. Nhưng những rắc rối này vẫn có thể khắc phục được, nếu người dân chủ động liên hệ cập nhật thông tin với các tổ chức có liên quan. Còn nếu không, thì khi phát sinh giao dịch, sẽ cập nhật sau. Do đó, xét về tính tiện lợi và bất cập, thì tính tiện lợi vẫn chiếm ưu thế và cần thiết. Nên việc người dân đi làm CCCD gắn chip là điều nên làm”, LS Lê Trung Phát phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.