Những đứa trẻ bị bạo hành

06/09/2020 05:46 GMT+7

Trong tháng 8.2020, liên tiếp hai vụ bạo hành trẻ em được TAND cấp quận tại TP.HCM đưa ra xét xử.

Mỗi câu chuyện qua đi, đọng lại không chỉ những trận đòn roi dội vào đứa trẻ hay bản án tù tội với kẻ bạo hành mà còn là một vấn nạn nhức nhối xã hội.

Đòn roi cướp chỗ tình thương

Ngày 19.8, TAND Q.12 (TP.HCM) xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Hà Quốc Việt (37 tuổi, ngụ Q.12) 8 năm tù về tội cố ý gây thương tích. Bị hại là bé C. (7 tuổi), con riêng của người sống chung như vợ chồng với Việt.
Tại tòa, Việt khai sống với D. (mẹ bé C.) từ đầu năm 2019. Đến tháng 8.2019, bé C. tới ở cùng. Trong thời gian chung sống, cả hai đều nghiện ma túy. Những lần Việt đánh bé C., D. đều ở đó nhưng không can ngăn.
Những đứa trẻ bị bạo hành

Bé C. và ông ngoại nuôi (bìa trái) tại phiên tòa xét xử ngày 19.8

ẢNH: NGUYỄN ANH

Lý do bạo hành bé, Việt đổ lỗi do bé C. nằm ngủ tè dầm ra nệm nên “chỉ muốn dọa bé sợ”. Cách “dọa” là bắt bé C. quỳ, dùng cây gỗ đánh, dùng điếu thuốc lá đang cháy châm vào người, vào bộ phận sinh dục của bé. 10 giờ đêm, khi những đứa trẻ khác đang ngon giấc, bé C. lại phải gồng mình, khóc thét và chịu đựng những cơn đau, trận bạo hành. Hậu quả của những hành vi “bạo hành không khác gì thời trung cổ”, như lời một thành viên hội đồng xét xử đánh giá, là tai và môi bé C. bị rách, người chi chít những vết bỏng hình tròn do thuốc lá cháy gí vào nách, ngực..., tỷ lệ thương tật xác định 47%. Khi bị chủ tọa truy vấn, Việt ngụy biện: “Bị cáo nghiện ma túy nên không làm chủ được hành vi”.

Bản án cho cha dượng “hờ” dí thuốc lá đang cháy vào con gái người tình

Tương tự, ngày 28.8, TAND Q.9 (TP.HCM) xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Châu Minh Tiến (24 tuổi, ngụ Q.9) 6 năm 6 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Bị hại chính là con ruột của bị cáo, bé C.M.K, chỉ mới hơn 4 tháng tuổi.
Tiến chung sống như vợ chồng với T., có con chung và thường xuyên cãi vã. Ngày 22.9.2019, T. sinh bé K. Đến ngày 26.12, sau một trận cãi vã, T. ôm con bỏ về nhà ngoại. Ngày 3.2.2020, mẹ của T. bồng cháu sang “trả” cho Tiến kèm lời nhắn: “Con T. ẵm con về rồi bỏ đi, không chăm sóc”. Tiến nhận lại con, bế vào phòng trọ đặt nằm võng, cho uống sữa, dỗ ngủ, nhưng đứa bé vẫn không ngừng khóc. Đang có rượu trong người, lại trong cơn giận vợ, Tiến vung tay tát mạnh vào má, đánh vào mông con nhiều lần. Đứa bé vẫn không nín, Tiến dùng tay đưa võng thật mạnh rồi giật ngược lại đột ngột khiến bé bị té mạnh xuống đất. Thấy con thở nấc, người tím tái, Tiến vội bế chạy sang nhà cha ruột nhờ đưa đi cấp cứu. Theo hồ sơ vụ án, bé K. bị thương tật 37%.

Ngày mai của những đứa trẻ

Những phiên tòa khép lại, bị cáo phải lãnh án. Nhưng ngày mai của những đứa trẻ sẽ ra sao khi những kẻ bạo hành lại chính là người thân, người gần gũi, còn mẹ của chúng lại vô tâm bỏ con ngoài đời?
Với bé C., từ khi xảy ra vụ việc, mẹ bé bỏ đi, bố dượng phải đi tù. May mắn, bé được ông Đ.C.H, cha dượng của D. (mẹ cháu bé), lần nữa nhận về bảo bọc. Cuộc sống của hai ông cháu gói ghém trong đồng lương đi làm bảo vệ của ông.
Ngày đến tòa để tham dự phiên xử, khi cầm trên tay chú gấu bông vừa được tặng, cô bé chạy nhanh về phía ông ngoại, nép vào chân ông.
Tại tòa, ông H. nhớ lại lúc C. mới 4 tháng tuổi, bé bị mẹ ruột bỏ cho người khác chăm sóc. Biết chuyện, ông bán đi chiếc xe máy là phương tiện để chạy xe ôm mưu sinh hằng ngày, lấy tiền từ Trà Vinh đến Bạc Liêu tìm đưa cháu về nuôi nấng.
Mặc dù không có công việc ổn định, ông vẫn cố gắng chăm lo, dành hết tình yêu thương cho đứa bé. Khi bé lên 6 tuổi, vì phải nuôi người cậu ruột bị tai biến, ông đành đưa cháu lên TP.HCM để cho mẹ nó chăm sóc. Nào ngờ, chỉ hơn một tháng sau đó, vào ngày 24.10.2019, khi ông đang ở nhà thì một thanh niên đưa bé về giao lại với hàng loạt vết thương trên cơ thể.
Hai tuần sau phiên xử, bé C. được Hội Bảo vệ quyền lợi trẻ em TP.HCM hỗ trợ và đưa đến ở tại ngôi nhà Nhịp cầu hạnh phúc, nơi chăm sóc nuôi dưỡng và điều trị tâm lý miễn phí cho các bé gái là nạn nhân xâm hại tình dục. Để đưa được bé vào ngôi nhà Nhịp cầu hạnh phúc, ngay trong phiên xét xử sơ thẩm, HĐXX và luật sư bảo vệ cho bé đã thuyết phục ông ngoại nuôi của bé rất nhiều lần, phân tích thiệt hơn về tương lai của bé khi cháu lớn thêm, ông lại về già, gánh nặng phải chăm lo cái ăn, cái mặc, chuyện học hành...
Chị Nguyễn Yên Thảo, Chi hội trưởng Chi hội Nhịp cầu hạnh phúc, chia sẻ việc đưa bé C. vào ngôi nhà Nhịp cầu hạnh phúc là phù hợp với bé. “Dù bé không phải là nạn nhân của xâm hại tình dục, nhưng về hoàn cảnh, khoản thu nhập 3,2 triệu đồng của ông ngoại nuôi không thể đủ trang trải cho cuộc sống của hai ông cháu. Mặt khác, ông ngoại nuôi cũng không có quan hệ huyết thống với bé C. nên chúng tôi muốn tiếp nhận và chăm sóc, để phần nào xoa dịu những tổn thương tâm lý cho bé”, chị Thảo nói.
Còn bé K., sau sự việc bị cha ruột bạo hành đến gãy chân, bố bị bắt, mẹ vẫn bỏ đi nên bà ngoại nhận về nuôi dưỡng. Hôm tôi đến thăm hai bà cháu đúng lúc bà chuẩn bị đi vác gạch thuê cho hàng xóm. Ngoài bé K., bà đang nuôi dưỡng thêm đứa con đầu 3 tuổi của T. Ba bà cháu ở trong một căn phòng trọ chật hẹp tại Q.9 (TP.HCM).
Bà ngoại bé K. kể, sau hôm xét xử Châu Minh Tiến, T. có về nhà hai đêm, mỗi lần về chỉ lấy một ít quần áo rồi bỏ đi tiếp. Hay tin con về, bà tìm cách giữ lại, nhưng T. luôn tìm cách trốn đi. Bà cũng không biết T. đang ở đâu. “Thỉnh thoảng nó có gọi về nhà, hỏi thăm con rồi khóa máy. Tôi không còn hy vọng để khuyên con mình quay về lo cho các cháu nữa. Năm sau tôi sẽ chuyển về quê ở Cà Mau sinh sống. Dưới quê còn mấy vuông tôm cho thuê, năm sau người ta trả lại. Về quê thì tiết kiệm chi phí, bà cháu không phải khổ cực như trên thành phố”, bà ngoại bé K. buồn bã chia sẻ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.