Những địa phương nào được đề xuất sáp nhập?

Thu Hằng
Thu Hằng
17/07/2021 23:39 GMT+7

Bộ Nội vụ sẽ lựa chọn sắp xếp một số tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số đông, có khó khăn về quỹ đất dành cho không gian phát triển hoặc theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Bộ Nội vụ vừa có dự thảo báo cáo, tờ trình và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân.
Tại dự thảo, Bộ Nội vụ đề xuất quy định tiêu chuẩn mới cho đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố, huyện, thị xã.
Với tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp tỉnh, Bộ Nội vụ chia thành 2 loại: tỉnh miền núi, vùng cao và còn lại.
Về quy mô dân số, đối với tỉnh miền núi, vùng cao, có quy mô dân số từ 900.000 người trở lên, diện tích tự nhiêm từ 8.000 km2 trở lên. Trường hợp tỉnh có diện tích tự nhiên rộng từ 150% trở lên so với mức tiêu chuẩn được quy định thì quy mô dân số từ 700.000 người trở lên.
Đối với những tỉnh không phải miền núi, có quy mô dân số từ 1,4 triệu người và diện tích tự nhiên từ 5.000 km2 trở lên.
Với các tỉnh khác, dân số từ 1,4 triệu người trở lên và diện tích tự nhiên trên 5.000 km2.
Việc sửa đổi lần này sẽ theo hướng, đơn vị hành chính nào có diện tích tự nhiên rộng hơn từ 150% trở lên so với mức tiêu chuẩn chung thì quy mô dân số được giảm 25% so với quy định, để phù hợp với đặc thù đơn vị hành chính miền núi, vùng cao có diện tích tự nhiên lớn, địa hình phức tạp, dân số ít.
Điều này nhằm phù hợp với đặc thù của đơn vị hành chính miền núi, vùng cao có diện tích tự nhiên lớn, địa hình phức tạp, dân số ít. Với đơn vị hành chính thành phố trực thuộc tỉnh thì quy mô dân số ít nhất là 180.000 người.
Riêng với thành phố thuộc thành phố, quy mô dân số được quy định từ 250.000 người trở lên. Diện tích tự nhiên từ 150 km2 trở lên. Số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc có ít nhất 10 đơn vị. Số phường đạt từ 70% trở lên so với tổng số đơn vị hành chính cấp xã.
Theo Bộ Nội vụ, các đơn vị hành chính được rà soát, đánh giá theo từng tiêu chuẩn. Trường hợp không đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên thì tiến hành sáp nhập theo quy định.
Bộ Nội vụ cho biết, sẽ lựa chọn sắp xếp một số tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số đông, có khó khăn về quỹ đất dành cho không gian phát triển hoặc theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Đối với các tỉnh làm điểm sẽ trình T.Ư, Bộ Chính trị, Quốc hội, xem xét cụ thể từng trường hợp.
Theo Bộ Nội vụ, khi nghị quyết sửa đổi, bổ sung được thông qua, từ năm 2022 - 2026 sẽ thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và làm điểm sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp tỉnh chưa đạt 50% một trong 2 tiêu chuẩn (tiêu chuẩn còn lại chưa đạt 100%) về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định.
Theo lộ trình, giai đoạn 2026 - 2030 sẽ hoàn thành việc sắp xếp với các cấp không đạt tiêu chuẩn, bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn đơn vị hành chính đã được sửa đổi, bổ sung và phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính của cả nước.
Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019 của Tổng cục Thống kê, có 5 tỉnh ít dân nhất là các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc và Tây nguyên, gồm: Bắc Kạn (314.000 người), Lai Châu (460.000 người),  Cao Bằng (530.000 người) Kon Tum (540.000 người) và Đắk Nông (622.000 người).
Về diện tích tự nhiên, những tỉnh có diện tích nhỏ là: Bắc Ninh (822,7 km2), Hà Nam (860,9 km2), Hưng Yên (930,2 km2), Vĩnh Phúc và Đà Nẵng (1.284,9 km2).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.