Những 'cột mốc' thúc đẩy dân chủ ở Quốc hội

19/05/2016 07:00 GMT+7

Từ vai trò như “thiết chế để chính thức hóa, thể chế hóa các quyết định” của Đảng, Quốc hội ta đã trải qua những bước tiến dân chủ thể hiện đúng vai trò của mình.

Thanh Niên xin điểm lại những mốc son trong tiến trình đó, với mong muốn cơ quan quyền lực tối cao của nhân dân ngày càng đổi mới mạnh mẽ hoạt động, đáp ứng ngày càng cao những nguyện vọng, đòi hỏi chính đáng của cử tri và nhân dân.
Phủ quyết đề xuất thay Quốc ca
Một trong những ngoại lệ báo hiệu sự chuyển mình trong hoạt động của QH giai đoạn trước Đổi mới, theo ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng QH, được manh nha từ vụ QH phủ quyết đề xuất thay đổi Quốc ca.
Theo báo cáo của Ban Vận động sáng tác Quốc ca mới do ông Cù Huy Cận, Phó trưởng ban, kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, trình bày 23.6.1982 tại QH khóa 7, đề xuất thay đổi Quốc ca được đặt ra từ tháng 2.1981 (QH khóa 6). Yêu cầu thay đổi Quốc ca thời điểm đó được đưa ra với lý do “cách mạng VN đã chuyển sang một giai đoạn mới” và “để cổ vũ đồng bào, chiến sĩ cả nước, thể hiện sâu sắc chí khí hào hùng của toàn dân quyết tâm thực hiện những nhiệm vụ mới của cách mạng cần phải có một Quốc ca mới”.
Theo ông Vũ Mão, đề xuất này do Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) Tố Hữu và Phó chủ tịch Hội Liên hiệp văn học, nghệ thuật VN Cù Huy Cận khởi xướng. Sau khi được Bộ Chính trị chấp thuận, đại diện Bộ Văn hóa, Hội Liên hiệp văn học, nghệ thuật, Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa và Giáo dục của QH... đã được triệu tập để nghe phổ biến quyết định của QH và thảo luận về việc sáng tác Quốc ca mới.
Ngày 28.5.1982, Ban Vận động báo cáo Hội đồng Nhà nước (HĐNN) bằng băng ghi âm 17 bài đã được sơ tuyển. HĐNN đã quyết định kết quả sơ tuyển sẽ được báo cáo trước QH và các bài qua sơ tuyển sẽ được trình bày để QH nghe. Theo dự kiến, các bài hát sẽ được giới thiệu rộng rãi để trưng cầu ý kiến của nhân dân và sẽ bắt đầu được giới thiệu trên báo chí, phát thanh rộng rãi toàn quốc. Các bài hát cũng sẽ gửi tới các địa phương, các ngành, các đoàn thể để lấy ý kiến trước khi lựa chọn ra 5 bài cuối cùng trình HĐNN và QH để lựa chọn 1 bài thành Quốc ca mới.
Mặc dù đã chuẩn bị rất kỹ, rất công phu, tốn kém cho việc sửa Quốc ca, nhưng do việc này không hợp lòng dân, nên đề xuất này đã không được QH đồng tình. “Lúc đó thảo luận rất quyết liệt, rất nhiều đại biểu là các tướng tá quân đội đều nói rằng, hàng triệu con người đã chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc, bài Quốc ca cũng đã ăn vào máu thịt vào tâm hồn, do vậy không nên thay đổi”, ông Vũ Mão nói.
Phá “lệ” kiểm duyệt phát biểu
Một dấu ấn quan trọng khác của QH khóa 7, đó là bài phát biểu chấn động nghị trường của bà Đào Thị Biểu (Sáu Trầu), ĐBQH tỉnh Cửu Long (nay là Vĩnh Long và Trà Vinh) tại kỳ họp thứ 10 (diễn ra vào tháng 10.1985). Sự kiện bà Sáu Trầu gây chấn động là vì lần đầu tiên có một bài phát biểu đi ra ngoài khuôn khổ, tấn công thẳng vào những vấn đề đang gây bức xúc xã hội lúc đó là chuyện đổi tiền và thất bại nặng nề của quyết sách giá - lương - tiền.
Lúc đó, việc phát biểu trước QH được kiểm soát rất chặt chẽ. Tất cả các bài phát biểu đều phải được gửi trước đến Đoàn Thư ký. Đến phiên phát biểu, các ĐB chỉ việc cầm bài viết đã được kiểm duyệt, chỉnh sửa, để đọc. Bài phát biểu của Đoàn ĐBQH Cửu Long cũng đã được soạn thảo và gửi trước như thông lệ. Tuy nhiên, sau khi nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội do Phó chủ tịch HĐBT Đỗ Mười trình bày trước QH không nói gì đến thất bại, đồng thời phê bình các địa phương không biết sử dụng ưu thế đổi tiền và chính sách giá - lương - tiền, nên Đoàn ĐBQH Cửu Long quyết định nêu chính kiến.
Vì chưa có tiền lệ, nên Đoàn ĐBQH Cửu Long phải tính toán cẩn thận trước những hậu quả có thể xảy đến. Vấn đề nêu ra gay gắt nên cần tìm người có khả năng diễn đạt mềm mại, có thành tích trong kháng chiến... Bà Sáu Trầu đã nhận trách nhiệm này, đồng thời xác định trước những điều xấu nhất có khả năng xảy ra. Bản tham luận mới được xây dựng từ ý kiến của toàn đoàn, và được gửi nhờ đánh máy ở Văn phòng T.Ư Đoàn chứ không gửi đến Văn phòng QH, vì sợ bị lộ.
Trong bài phát biểu đưa ra ngay trước khi kỳ họp bế mạc, bà Sáu Trầu đã trực diện nêu vấn đề, rằng 10 năm qua chưa lần nào dân xôn xao, bất bình, thậm chí phẫn nộ bằng đợt phá giá - lương - tiền. Cũng trong bài phát biểu đanh thép, bà Sáu Trầu thẳng thắn cho rằng, nhận xét của HĐBT là không đúng sự thật và những đánh giá sai, đúng trong đổi tiền chưa đúng mức, còn đổ lỗi cho khách quan và bên dưới. Chưa chỉ rõ ai phải chịu trách nhiệm chính để công khai xử lý trước dân... Cuối cùng nữ ĐB này đưa ra yêu cầu “cần làm rõ đúng sai và xử lý nghiêm minh, không để kẻ sai cứ bám mãi vị trí cũ để tiếp tục hại dân, hại nước nữa”.
Bài phát biểu của bà Sáu Trầu nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cả hội trường. Điều đáng nói là sau đó không có “hậu quả” nào xảy đến với bà và cũng từ đó, thông lệ phải gửi bài phát biểu gửi cho đoàn Thư ký trước khi trình bày tại QH cũng mặc nhiên bị bãi bỏ. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, bài phát biểu đi vào lịch sử này cũng được cho là có góp phần tác động đến chính sách đổi mới sau này.
Đảm bảo an ninh bầu cử
Sáng 18.5, Hội đồng Bầu cử quốc gia họp phiên thứ 5 tại Nhà QH, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân. Theo báo cáo của Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia, công tác bầu cử đã bước vào giai đoạn nước rút, với việc tổ chức vận động bầu cử, hoàn thành việc lập, niêm yết danh sách cử tri, kịp thời giải quyết, xử lý và trả lời đơn, thư khiếu nại tố cáo của công dân về những người tham gia ứng cử...
Hội đồng Bầu cử quốc gia đã thống nhất một nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai từ nay đến ngày bầu cử trong đó có việc tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đề phòng sự phá hoại của các thế lực thù địch, phản động. Giao ban thường xuyên, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng bảo vệ bầu cử. Kiên quyết không để các thế lực thù địch, phản động lôi kéo quần chúng, phá hoại cuộc bầu cử. Bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng của nhân dân trong dịp bầu cử. Việc công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử ĐBQH khóa 14 trong cả nước chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.