Những 'chuyện khó hiểu' trong sử dụng vốn nước ngoài

16/08/2016 15:57 GMT+7

Cho ý kiến Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 tại phiên họp sáng nay (16.8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề "khó hiểu" trong sử dụng vốn nước ngoài.

Luật không có điều khoản “hy vọng”
Trước đó, tại Nghị quyết số 101/2015/QH13, Quốc hội đã thông qua 50.000 nghìn tỉ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài (vốn ODA và vốn vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài) nguồn ngân sách T.Ư năm 2016 (gọi tắt là kế hoạch vốn nước ngoài).
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2016, Chính phủ đã phân bổ chi tiết cho các bộ, ngành T.Ư và địa phương 48.700 tỉ đồng, còn lại 1.300 tỉ đồng để lại dự phòng chưa phân bổ. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 5.2016, đã giải ngân được 17.297,746 tỉ đồng, đạt 36,1% kế hoạch vốn đã giao.

tin liên quan

Rà soát 17 dự án ODA 'có vấn đề' giải ngân
Bộ KH-ĐT vừa có văn bản đề nghị các bộ, địa phương là chủ đầu tư của 17 dự án ODA báo cáo tình hình triển khai, tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân các dự án; dự kiến phần vốn không sử dụng hết và kiến nghị kế hoạch hành động để cải thiện tình hình giải ngân đối với nguồn vốn cam kết.
Do số vốn giải ngân quá chênh lệch, ông Phương cho biết Chính phủ đang giao các bộ, ngành T.Ư và địa phương rà soát xác định chính xác khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án trong năm 2016, nên chưa có căn cứ báo cáo Ủy ban TVQH điều hòa kế hoạch vốn nước ngoài giữa các bộ, ngành T.Ư, địa phương.
Trình Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay, đang nổi lên một số bất cập trong quản lý sử dụng vốn nước ngoài của Chính phủ.
Vấn đề thứ nhất mà cơ quan giám sát chỉ ra là tiến độ giải ngân trong 5 tháng đầu năm 2016 quá chậm, tiến độ giải ngân của các dự án rất khác nhau, một số dự án giải ngân hết số vốn kế hoạch nhưng nhiều dự án giải ngân rất thấp, thậm chí có tình trạng chưa giải ngân theo kế hoạch.
Vấn đề khác là chuyện một số bộ, ngành, địa phương mới nhận kế hoạch giao dự toán nhưng tháng 7.2016 Chính phủ đã đề nghị thu hồi.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư trình Tờ trình tại phiên họp Ảnh Trường Sơn
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, việc giải ngân chậm có thể điều chỉnh nhưng đáng ngạc nhiên là Chính phủ lại nói là “đang rà soát” và “chưa có căn cứ báo cáo Ủy ban TVQH điều hòa vốn giải ngân cho bộ, ngành, địa phương”. “Tại sao đang rà soát, chưa có căn cứ mà lại báo cáo?”, ông Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi.
Ông Phùng Quốc Hiển hỏi Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Thế Phương lý do nhiều dự án chưa có đủ thủ tục nhưng vẫn được trình ra Quốc hội để bố trí vốn là vì lý do gì? Ông Phương cho biết: “Khi đấy chúng tôi hy vọng là trong thời gian đấy sẽ hoàn thành thủ tục”.
“Sao lại hy vọng? Luật không có điều nào là hy vọng cả. Luật rất cứng. Phải có đầy đủ thủ tục mới đưa vào dự toán. Anh đưa vào phân bổ mà chưa có thủ tục, thậm chí là phân bổ cho các những bộ, ngành, địa phương không có nhu cầu”, ông Hiển chất vấn.
Yêu cầu Chính phủ lập lại kỷ cương trong sử dụng vốn nước ngoài
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng với Tờ trình trên của Chính phủ, chưa đủ cơ sở để Ủy ban TVQH cho ý kiến và yêu cầu Chính phủ phải làm rõ những vấn đề "khó hiểu" trong việc sử dụng vốn nước ngoài để trình lại.
Bà Ngân đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để lập lại trật tự kỉ cương và thực hiện nghiêm việc quản lý sử dụng các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong đó có nguồn vốn nước ngoài. "Ủy ban TVQH yêu cầu tất cả các chủ trương, thẩm quyền quyết định, phân bổ, điều chỉnh phải đúng thẩm quyền và đúng đối tượng", Chủ tịch Quốc hội nói.
Đối với đề nghị về 1.300 tỉ vốn nước ngoài chưa phân bổ và khoảng gần 700 tỉ cần điều chỉnh giữa các bộ, ngành, địa phương mà Chính phủ báo cáo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị lãnh đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư báo cáo trình Chính phủ tiếp tục rà soát và Ủy ban TVQH sẽ nghe lại nếu thấy cần thiết và nếu cần sẽ báo cáo Quốc hội điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước 2016.
“Kể cả phân bố các bộ, ngành 300 tỉ; cắt giảm 78,5 tỉ của 3 địa phương (Bắc Ninh, Đồng Nai và Khánh Hòa) đúng hay không phải giải trình. Tại sao 3 địa phương không có nhu cầu mà vẫn được bố trí vốn? Vì sao Bộ Tư pháp chưa được giao kế hoạch vốn? Vì sao Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch có quyết đinh đầu tư từ 2014 thì không đưa vào bố trí và đến 2016 cũng không đưa vào? Rồi giờ lại đề nghị điều chỉnh?", bà Kim Ngân phát biểu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.