Những câu chuyện chưa kể về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

26/12/2013 16:45 GMT+7

(TNO) Nhiều câu chuyện chưa kể về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với Cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên - Huế”, diễn ra sáng nay (26.12) tại Hà Nội.

>> Những bức thư tình của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Hội LHTN VN đón nhận tượng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Đây là hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1.1.1914 – 1.1.2014) do Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo T.Ư, Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế và Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

 Những câu chuyện chưa kể về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tình hình chiến sự chiến trường miền Nam (5.7.1967) - Ảnh tư liệu

Người ở những mặt trận khó khăn nhất

Phát biểu khai mạc hội thảo ông Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư khẳng định Hội thảo là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tìm hiểu, nhận thức sâu hơn về cuộc đời hoạt động vẻ vang và những cống hiến to lớn của Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc; sự nghiệp xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, kiêm Bí thư Phân Khu ủy Bình - Trị - Thiên. Khi đó, tình hình chiến sự tại mặt trận Bình - Trị - Thiên vô cùng ác liệt, lực lượng của ta bị tổn thất nghiêm trọng, mặt trận Huế bị địch phá vỡ, nhiều cơ quan, tổ chức Đảng trong tỉnh bị thiệt hại nặng nề, một số cán bộ, đảng viên tỏ ra bi quan, một bộ phận quần chúng hoang mang lo sợ.

Theo ông Đinh Thế Huynh, để động viên tinh thần của nhân dân, củng cố ý chí quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, bộ đội ta, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khẳng định: "Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân. Có lòng tin của dân là có tất cả. Vì vậy chúng ta không được chạy dài. Chúng ta phải trở về với dân, chúng ta nhất định thắng!".

Tư tưởng xây dựng “thế trận lòng dân”, đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh của Đảng, đã được Đại tướng chỉ đạo, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn.

Tư tưởng đó, đường lối đó đã được cán bộ, đảng viên và các lực lượng vũ trang Bình - Trị - Thiên quán triệt, kiên trì bám đất, bám dân, dựa vào dân tổ chức chiến tranh du kích, liên tiếp giành chiến thắng, góp phần cùng nhân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tiến lên giành thắng lợi.

Nhìn lại quá trình hoạt động của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, trung tướng Mai Quang Phấn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị khẳng định: Đại tướng liên tục có mặt ở những mặt trận khó khăn nhất, trong những thời điểm cực kỳ nóng bỏng, đầy thử thách quyết liệt, với nhiều cương vị và trọng trách quan trọng.

Với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, “ở đâu nghèo đói gọi, xung phong; ở đâu tiền tuyến cần, anh đến”, trung tướng Mai Quang Phấn nói.

Cũng theo trung tướng Mai Quang Phấn, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, coi đạo đức của người cộng sản là gốc, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một trong những người tiên phong chống chủ nghĩa cá nhân trong quân đội.

Theo trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, khi đế quốc Mỹ trực tiếp đưa quân vào xâm lược miền Nam Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị cử vào phụ trách Trung ương Cục miền Nam. Ngay từ những ngày tháng đầu, Đại tướng đã đi thực địa chiến trường và sớm đưa ra kết luận, đánh giá rất ngắn gọn, nhưng vô cùng giá trị gửi về Bộ Chính trị: “Đế quốc Mỹ giàu nhưng không mạnh”.

Khai thác điểm yếu cơ bản của địch, Đại tướng đã chỉ thị cho quân dân miền Nam rằng: “Hãy nắm thắt lưng địch mà đánh, để giành thắng lợi”. Một khẩu hiệu chiến lược và rất chiến thuật mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau này nhiều lần tâm đắc nhắc lại: “Chính nhờ khẩu hiệu đó, mà quân dân miền Nam chiến đấu đến giành thắng lợi cuối cùng”.

Nhà lãnh đạo thực tiễn

Những câu chuyện “nhỏ mà không nhỏ” về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mà nhà báo Hữu Thọ chia sẻ tại Hội thảo là những ấn tượng sâu sắc về tư tưởng và phong cách Đại tướng, nhà lãnh đạo mẫu mực có tầm ảnh hưởng lớn tới sự lãnh đạo của Đảng.

Theo nhà báo Hữu Thọ, trong thời kỳ Đại tướng được giao phụ trách lĩnh vực nông nghiệp, ông và nhiều cán bộ khác hay được mời đến nhà Đại tướng ở 34 Lý Nam Đế (sau khi ông mất gia đình đã trả lại nhà cho Bộ Quốc phòng, nay là trụ sở Hội cựu chiến binh). Mặc dù là Ủy viên Bộ Chính trị, giữ trọng trách trong Đảng và Quân đội nhưng Đại tướng không giữ khoảng cách mà thường khơi gợi để các cán bộ ông mời đến mạnh dạn nêu ý kiến thảo luận.

"Anh nói: các cậu cứ tranh cãi thoải mái, mình xuất thân từ nông dân, suốt đời trận mạc, nay được trao phụ trách nông nghiệp có nhiều điều chưa biết, cho nên sẽ cùng tham gia tranh cãi, khi tranh luận có ý đúng có ý chưa đúng là việc bình thường, còn nếu cậu nào nói đúng một nửa cũng đã giữ 50% chân lý, rất “oách” rồi còn gì!”, nhà báo Hữu Thọ kể lại.

Không khí thoải mái đó đã giúp các cán bộ có những ý kiến mạnh dạn, thẳng thắn nhiều khi “nói xong rồi mới thấy run”. Chẳng hạn, lúc đó Đoàn cố vấn về thủy lợi của Trung Quốc do bà Bộ trưởng Tiền Chính Anh dẫn đầu sang đã góp ý kiến về phương châm “ba chính” trong công tác thủy lợi: giữ nước là chính; thủy lợi nhỏ là chính; nhân dân làm là chính.

Theo ông Hữu Thọ, lúc bấy giờ ý kiến của các đoàn cố vấn Trung Quốc có sức nặng ghê gớm, nhưng nghe phổ biến phương châm “ba chính”, một số cán bộ của ta băn khoăn nhưng cũng chỉ xầm xì với nhau.

"Tôi mạnh dạn thưa với anh: “Ở ta có vùng hạn, vùng úng mà chống úng xem ra khó hơn, nhưng nhất loạt “giữ nước là chính” để chống hạn thì không bao quát tình hình; rồi cần làm nhiều thủy lợi nhỏ nhưng phải làm thủy lợi vừa và lớn mới có nguồn để chủ động cấp nước và tiêu nước, cho nên chỉ “thủy lợi nhỏ là chính mà chưa có công trình vừa và lớn thì e chống hạn và chống úng đều không hiệu quả”, nhà báo Hữu Thọ nhớ lại.

"Thực ra, tôi thưa với anh cũng chỉ là nói lại ý kiến của một số cán bộ mà tôi nghe được, nhưng lại động chạm tới ý kiến của cố vấn là chuyện to, buột miệng nói ra rồi chờ nghe phê phán", nhà báo Hữu Thọ cho biết.

Điều ngạc nhiên với ông Hữu Thọ là Đại tướng chỉ ôn tồn nói: “Ta cứ khiêm tốn lắng nghe ý kiến cố vấn nhưng khi làm thì điều chỉnh cho phù hợp với tình hình cụ thể của cả nước và từng vùng”.

Một lần khác, khi chuẩn bị Nghị quyết Hội nghị T.Ư năm 1960, nhà báo Hữu Thọ theo Đại tướng xuống Đồ Sơn (Hải Phòng) để nghe các chuyên gia đến báo cáo, nêu vấn đề, góp ý với Đề cương. Theo ông Hữu Thọ, Đại tướng sáng làm việc, chiều cùng tắm biển, tạo điều kiện tốt và gần gũi cho các chuyên gia để có không khí thoải mái khi trao đổi.

Trong đợt làm việc này, một cán bộ kỹ thuật rất nổi tiếng được mời đến phát biểu về kỹ thuật đối với cây lúa. Có lẽ thấy Đại tướng là Ủy viên Bộ Chính trị cho nên đồng chí cán bộ này nói một lô một hồi đến gần nửa tiếng quan điểm của Mác, Lênin và các nhà kinh điển về sản xuất. Theo ông Hữu Thọ, Đại tướng dường như rất sốt ruột và nói với ông: “Cậu ta nói dông dài về Các Mác thực ra “khác Mác”.

T.Sơn

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (tên thật là Nguyễn Vịnh) sinh ngày 1.1.1914 trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Năm 17 tuổi ông đã cùng một số thanh niên tá điền đấu tranh chống lại bọn cường hào ở địa phương. Ông tham gia phong trào bình dân, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 7.1937 và sau đó được cử làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên.

Tháng 8.1945, ông được Trung ương chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ.

Từ 1947 - 1950, ông lần lượt giữ các chức vụ: Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên, Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên và Bí thư Liên khu ủy Liên khu 4. Năm 1950, ông được điều động vào Quân đội giữ cương vị Phó bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Tại Đại hội II (2.1951) và Đại hội III (9.1960) của Đảng, ông đều được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư và Bộ Chính trị. Từ cuối 1960, ông được giao nhiệm vụ Trưởng ban Nông nghiệp T.Ư.

Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông được điều động trở lại quân đội, đảm nhiệm các chức vụ: Bí thư T.Ư Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam.

Năm 1967, ông đột ngột từ trần do một cơn bạo bệnh trong niềm tiếc thương sâu sắc của cán bộ, chiến sĩ toàn quân và của đồng bào, đồng chí cả nước.

Quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là Đảng phải lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, Đại tướng đã cùng Tổng Quân ủy tập trung mọi nỗ lực vào việc nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân Quân đội.

Từ nắm bắt thực tiễn, Đại tướng đã đề xuất thay thế chế độ chính ủy tối hậu quyết định (được áp dụng từ 8.1949) bằng chế độ Đảng ủy. Vấn đề này đã được Đại hội lần thứ II của Đảng (2.1951) thảo luận, thông qua và ghi rõ trong Điều lệ Đảng.

Sự ra đời của chế độ Đảng ủy là một thành công lớn, ghi dấu ấn đóng góp quan trọng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, góp phần khắc phục được những hạn chế của cơ chế cũ; đồng thời hình thành một cơ chế mới: “Lấy Đảng ủy làm hạt nhân của hạt nhân lãnh đạo, đồng thời xác định chế độ thủ trưởng chính trị và thủ trưởng quân sự phân công phụ trách dưới sự lãnh đạo tập thể của Đảng ủy”.

Cho đến nay, trải qua những giai đoạn khác nhau, chế độ đó vẫn được khẳng định là đúng đắn, khoa học, phù hợp với đặc điểm và bản chất cách mạng của quân đội nhân dân Việt Nam.

(Lược trích theo tham luận của thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam)

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.