Những bất ngờ qua phiên xét xử hoa hậu Phương Nga: Áp dụng tại ngoại khi nào ?

02/07/2017 08:34 GMT+7

Việc HĐXX thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo từ tạm giam sang được tại ngoại qua vụ án xét xử Hoa hậu Phương Nga, được xem là thể hiện đúng tinh thần cải cách tư pháp.

Trong quá trình xét xử hai bị cáo Trương Hồ Phương Nga (Hoa hậu người Việt tại Nga) và Nguyễn Đức Thùy Dung, qua xem xét, thẩm định các tài liệu, chứng cứ, tình tiết trong vụ án, HĐXX TAND TP.HCM nhận thấy dấu hiệu phạm tội của các bị cáo chưa rõ, không có dấu hiệu bỏ trốn, không gây cản trở quá trình điều tra bổ sung, không tiếp tục phạm tội và thời gian tạm giam cũng khá dài nên đã tạo điều kiện để bị cáo được tại ngoại, thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú.

tin liên quan

Hoa hậu Phương Nga được tại ngoại
Chiều 29.6, HĐXX đã quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với Trương Hồ Phương Nga, Nguyễn Đức Thùy Dung. Hoa hậu Phương Nga và Thùy Dung được tại ngoại để phục vụ công tác điều tra.
Có quy định nhưng rất ít áp dụng
Thông cung
LS Võ Hồng Nam (Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bình Định) giải thích về thông cung: Đó là việc bị can, bị cáo và người có liên quan đến vụ án bí mật, trao đổi, thông báo cho nhau biết những gì đã khai báo trước đó với cơ quan tư pháp và thống nhất nội dung, cách bố trí lời khai, nhằm đối phó với cơ quan điều tra, truy tố và xét xử. Trong vụ án Phương Nga, theo lời khai của bị cáo và nhân chứng cho thấy có dấu hiệu thông cung với sự giúp sức tích cực của cán bộ trại giam. Điều này vi phạm quy định pháp luật (về tạm giữ, tạm giam) nghiêm trọng, mức kỷ luật nặng nhất là cho ra khỏi ngành. Vì vậy cần phải điều tra, giám định các chứng cứ được cho là thông cung, mặc dù chứng cứ là bức thư viết trên túi ni lông rất khó giám định
Luật sư (LS) Võ Hồng Nam (Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bình Định) phân tích: Căn cứ điều 88 bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS năm 2003), việc tạm giam được áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng; đối với trường hợp tuy phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng nhưng có thể bỏ trốn, gây cản trở hoặc có thể tiếp tục phạm tội thì vẫn có thể áp dụng biện pháp tạm giam. Đối với các vụ án kinh tế thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, việc HĐXX thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú (được tại ngoại) là hy hữu xảy ra trong nước. Vụ án Phương Nga được xem là điển hình, thể hiện đúng tinh thần cải cách tư pháp.
LS Hoàng Vinh Kim (Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bình Phước) phân tích: Việc đặt tiền để đảm bảo không chỉ được áp dụng tại nước ngoài mà BLTTHS năm 2003 của VN cũng quy định rõ tại điều 93 về đặt tiền để bảo đảm trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, ở nước ngoài được áp dụng nhiều hơn, còn VN thì cơ quan tiến hành tố tụng vẫn lo sợ nhiều vấn đề không khả thi trong việc thực hiện.
Theo LS Kim, nếu bị cáo đủ điều kiện quy định về biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú” thì HĐXX có thẩm quyền thay đổi biện pháp từ tạm giam sang cho tại ngoại đối với bị can, bị cáo theo quy định.
Đại úy Nguyễn Nam Hào (Cơ quan CSĐT Bộ Công an) phân tích, với trường hợp của bị cáo Phương Nga, ban đầu biện pháp tạm giam được áp dụng vì Phương Nga bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 16,5 tỉ đồng với khung hình phạt cao nhất là chung thân, là trường hợp thuộc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, khi thấy không còn cần thiết phải tạm giam hoặc có căn cứ bị can bị khởi tố oan thì cơ quan tiến hành tố tụng cần ngay lập tức làm thủ tục thay đổi biện pháp ngăn chặn, chứ không nên chờ đến lúc vụ án được đưa ra xét xử.
Cần thay đổi
Theo thạc sĩ Phùng Thị Hòa (nguyên Trưởng khoa Dân sự kinh tế, Trường cao đẳng Kiểm sát TP.HCM): Trong trường hợp các bị can bị truy tố theo khoản 4 điều 139 bộ luật Hình sự, khung hình phạt từ 12 năm, 20 năm đến chung thân, việc tạm giam có thể được áp dụng. Tuy nhiên, với diễn biến tại tòa có những vấn đề, có nhiều chứng cứ mới, chứng cứ buộc tội yếu, có khả năng oan thì biện pháp tốt nhất là HĐXX đề nghị cho bị cáo tại ngoại. Như vụ án Phương Nga, HĐXX cho tại ngoại đúng lúc, cần thiết với những chứng cứ mới mà không thể giải quyết ở tòa.
Theo LS Hoàng Vinh Kim, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, tòa án quyết định mức tiền cụ thể từ 80 triệu đồng đến 200 triệu đồng mà bị can, bị cáo phải đặt tiền để bảo đảm thay thế cho biện pháp tạm giam.
Thạc sĩ Phùng Thị Hòa cho biết, ở các nước phát triển, đa số vụ án kinh tế cho bảo lãnh bằng tiền để được tại ngoại. Ở VN thì tình trạng chung là cứ phạm tội thì việc đầu tiên cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can để tạm giam. Luật của VN chỉ cho tại ngoại khi xét thấy không cần thiết phải tạm giam, nhân thân tốt, vụ án ít nghiêm trọng, không có khả năng bỏ trốn, đang mang thai.

Thực hiện: Truyền hình Báo Thanh Niên
Bà Hòa phân tích: “Luật quy định như vậy là không có điều kiện cụ thể, xét thấy thì ai xét thấy, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hay tòa án? Vì vậy, những vụ án không gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an toàn xã hội, thiết nghĩ nên cho tại ngoại điều tra”. Bà Hòa cho rằng: “Ở VN, ai được tại ngoại giống như được ban ân huệ. Phải sớm thay đổi tư duy của những người tiến hành tố tụng - nên xem xét việc tại ngoại cho những người có nhân thân tốt, đủ điều kiện, không ảnh hưởng đến quá trình điều tra, xét xử”.
Thạc sĩ Hòa cho rằng vụ án Phương Nga là vụ án có nhiều tình tiết mới phát sinh tại tòa, vụ án điển hình khi bị cáo sử dụng tối đa quyền im lặng. Tuy nhiên, các bị can, bị cáo trong vụ án khác không nên ngộ nhận và… bắt chước im lặng để HĐXX chấp nhận cho tại ngoại và trả hồ sơ điều tra bổ sung. Vì tại ngoại chỉ phụ thuộc vào chứng cứ, nội hàm của vụ án.
Ngụy tạo chứng cứ
Thượng tá Trần Văn Quảng (nguyên Phó trưởng phòng Tệ nạn xã hội, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an) cho rằng: Nếu điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm, thư ký tòa án, nhân viên tư pháp khác, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự nào mà thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy, làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ án, thì bị phạt tù cao nhất là 10 năm căn cứ theo điều 300 bộ luật Hình sự (năm 1999 sửa đổi, bổ sung 2009). Nếu quá trình xét xử bị cáo Phương Nga, HĐXX kết luận, tuyên Nga không phạm tội và cho rằng những thông tin, tài liệu, chứng cứ mà ông Cao Toàn Mỹ và một số người khác phối hợp với ông Mỹ (nếu có) cung cấp để tố cáo Phương Nga đều là ngụy tạo, bịa đặt thì có thể ông Mỹ và một số người khác vướng vào tội vu khống theo điều 122 BLHS năm 1999.   
Có nên cho nhân chứng ngồi phòng kín ?
Theo đại úy Nguyễn Nam Hào (Cơ quan CSĐT Bộ Công an), dù HĐXX cho nhân chứng ngồi ở phòng kín nhưng HĐXX có trách nhiệm thẩm tra lai lịch, nhân thân của nhân chứng, được giải thích về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng. HĐXX có thẩm quyền xem xét cho phép hoặc bố trí cho nhân chứng vào phòng kín để bảo vệ nhân chứng theo điều 55 BLTTHS 2003, nếu xét thấy sự xuất hiện của nhân chứng ảnh hưởng đến nhân thân và một số quyền lợi cá nhân của họ.
Trong phiên tòa xét xử Phương Nga, chủ tọa rất nhanh nhạy, áp dụng đúng quy định pháp luật khi trong phần thẩm vấn đã đề nghị phòng kỹ thuật trích xuất, niêm phong băng ghi âm, ghi hình nhân chứng tại phòng kín với sự chứng kiến của HĐXX, đại diện luật sư, Viện kiểm sát và thông báo băng ghi âm, ghi hình này sẽ là chứng cứ trong quá trình tố tụng tiếp theo.   

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.