Nhớ chú Hai Nghĩa - Trương Vĩnh Trọng

20/02/2021 06:27 GMT+7

Vừa là thủ trưởng, vừa là đàn anh nhưng ba tôi rất quý mến và nể trọng chú Hai Nghĩa từ đạo đức, phẩm chất đến phong cách sống, đặc biệt là năng lực làm việc.

Đức độ, tài năng và đóng góp của chú Trương Vĩnh Trọng (người dân Bến Tre thân thương gọi ông là Hai Nghĩa), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, cho sự phát triển của đất nước nói chung và cho quê hương Đồng Khởi Bến Tre nói riêng đã được Đảng, Nhà nước, sách, báo ghi nhận nên tôi không nhắc lại. Tôi chỉ mạo muội ghi lại những kỷ niệm nhỏ, những cảm nhận chân thành của mình về chú mà thôi.

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng từ trần

Ngày tôi ra trường, đi làm nhà nước năm 1988 thì chú Hai Nghĩa cũng chuẩn bị chuyển công tác về T.Ư. Ba tôi (học giả Huy Khanh, thường gọi ông Hai Châu Nguyễn, tức ông Nguyễn Văn Châu, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn - nay là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre) và chú Hai biết nhau từ những năm 1960, cùng công tác trong ngành tuyên huấn.
Đến tháng 3.1977, sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ 1, ba tôi làm Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, còn chú Hai là Phó trưởng ban thường trực. Thời điểm đó, ngẫu nhiên thím Hai (bà Hồ Công Cẩn, 75 tuổi, phu nhân ông Trương Vĩnh Trọng) cũng công tác chung với má tôi trong Trạm bảo vệ bà mẹ, trẻ em và sinh đẻ kế hoạch trực thuộc Sở Y tế Bến Tre.
Vừa là thủ trưởng, vừa là đàn anh nhưng ba tôi rất quý mến và nể trọng chú Hai Nghĩa từ đạo đức, phẩm chất đến phong cách sống, đặc biệt là năng lực làm việc.
Ấn tượng sâu đậm nhất của tôi đối với chú Hai là sự chân tình, gần gũi, yêu thương mọi người, trước sau như một. Từ khi chú công tác ở Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bến Tre đến khi chú làm lãnh đạo ở T.Ư, chú thím đều dành thời gian đến thăm gia đình tôi, kể cả khi ba tôi đã nghỉ hưu, đã mất. Mỗi lần đến thăm nhà, chú thường đi từ trước ra sau, thăm nhà bếp, xem ở nhà cơm nước ra sao. Chú thường hỏi thăm cặn kẽ từng người trong nhà, hỏi chị em tôi học hành, làm việc ra sao và thường động viên chúng tôi ráng học hành, làm việc, cống hiến theo gương ba tôi. Nhắc đến các chi tiết này, tôi càng nhớ da diết về chú Hai.

Phải giữ vững ngọn cờ, hướng đến một quê hương giàu mạnh

Lúc tôi được Tỉnh ủy phân công làm Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam, chú Hai Nghĩa đã nghỉ hưu. Năm đó, kỷ niệm ngày Nhà giáo VN 20.11, tôi bàn với Huyện ủy đến thăm và mời chú về dự lễ. Chú vui vẻ nhận lời. Có lẽ đó là lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo VN vui và ý nghĩa nhất ở Mỏ Cày thời đó. Nghe tin có chú Hai về dự, Hội trường UBND huyện năm đó có đến mấy trăm người về dự nên chật kín chỗ. Cùng với nội dung nghi thức, điểm nhấn của lễ kỷ niệm là cuộc nói chuyện của chú Hai về nghề giáo, về những kỷ niệm không bao giờ quên của thầy và trò trong bom đạn chiến tranh, về những đau thương mất mát để giữ vững nền giáo dục cách mạng non trẻ ở quê hương, mà chú là một trong những người thầy dạy học lúc chiến tranh. Lắng đọng lại câu chuyện của chú chia sẻ là sự lan tỏa, lan truyền cảm hứng từ chú đến cử tọa, những cán bộ, thầy cô giáo, các em học sinh phải tiếp tục giữ vững ngọn cờ, phát huy truyền thống hiếu học hướng đến một quê hương giàu mạnh.
Cũng trong dịp đó, chúng tôi đã đưa chú Hai về thăm lại mảnh đất Định Thủy anh hùng (Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh, H.Mỏ Cày là 3 xã đầu tiên nổ ra phong trào Đồng Khởi Bến Tre năm 1960) - nơi chú từng sống, hoạt động cách mạng, dạy học. Những gia đình cơ sở thời kháng chiến, những học trò cũ, những kỷ niệm của một thời đáng sống làm chú rất vui, xúc động; khiến chúng tôi mến mộ, cảm phục. Đi trên con đường từ TT.Mỏ Cày về xã Định Thủy, qua cầu 17.1, cầu Ông Bồng lúc đó còn xấu và xuống cấp, chú dặn dò chúng tôi phải nỗ lực hết mình để xây dựng lại quê hương, sớm hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng địa phương. Mừng là mong muốn của chú nay đã gần như thành hiện thực.
Có người biết chuyện, lúc trước có hỏi tôi sao có mối quan hệ với chú Hai như vậy mà không tới lui, “cầu cạnh” để được “đỡ đầu”, thăng quan tiến chức. Tôi cũng không biết nói sao, chỉ hỏi lại rằng chứ chú Hai hồi đó có cầu cạnh ai đâu, chỉ nhờ đức độ, tài năng mà được tín nhiệm đó thôi.
Ai sống rồi cũng tới lúc ra đi về cõi vĩnh hằng. Nhưng có những người mà sự ra đi của họ để lại nhiều tiếc thương, luyến nhớ cho người đời. Chú Hai Nghĩa - Trương Vĩnh Trọng là một người như vậy. Không biết tôi có chủ quan không, khi khái quát chú Hai là người đàn ông Nam bộ chân chất, hào hiệp - nhân ái, nghĩa tình - thủy chung.
Ông Trương Vĩnh Trọng sinh năm 1942 tại H.Giồng Trôm, Bến Tre. Năm 1962, ông thoát ly gia đình, tham gia cách mạng. Ông từng kinh qua các chức vụ: Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ T.Ư, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Trưởng ban Nội chính T.Ư. Tại Đại hội Đảng lần thứ 10 (năm 2006), ông Trương Vĩnh Trọng được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tháng 6.2006, ông được bổ nhiệm Phó thủ tướng Chính phủ. Năm 2011, ông về nghỉ hưu tại quê nhà Bến Tre.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa, song do tuổi cao, sức yếu, ông đã từ trần hồi 3 giờ 25 ngày 19.2.2021 tại nhà riêng.
Ban Bí thư T.Ư Đảng đã quyết định Ban Lễ tang nhà nước gồm 21 thành viên; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, làm Trưởng ban.
Linh cữu ông Trương Vĩnh Trọng quàn tại Hội trường lớn UBND tỉnh Bến Tre.
Để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định của Chính phủ, lễ viếng ông Trương Vĩnh Trọng được tổ chức đồng thời tại 2 địa điểm:
- Tại tỉnh Bến Tre: Tổ chức tại Hội trường lớn UBND tỉnh Bến Tre từ 8 - 19 giờ ngày 21.2.
- Tại Hà Nội: Tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, TP.Hà Nội từ 8 - 11 giờ ngày 21.2.
Lễ truy điệu vào lúc 9 giờ ngày 22.2 tại Hội trường lớn UBND tỉnh Bến Tre; lễ an táng lúc 11 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bến Tre.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.