'Nhiều vụ giết người với hành vi dã man gây lo lắng trong nhân dân'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
03/09/2019 14:20 GMT+7

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp Quốc hội đánh giá, mặc dù tình hình tội phạm giảm, tuy nhiên vẫn xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi dã man, tàn bạo, gây lo lắng trong nhân dân.

Đạo đức xã hội, gia đình xuống cấp đáng báo động

Sáng 3.9, trình bày một số ý kiến của nhóm nghiên cứu Ủy ban Tư pháp về báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019 của Chính phủ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha đánh giá, mặc dù về tổng thể chung, tình hình tội phạm giảm, tuy nhiên vẫn xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi dã man, tàn bạo (giết nhiều người, giết người vứt xác, chặt xác, đốt xác, giết người dấu xác trong thùng bê tông...); đặc biệt, có nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích do đối tượng bị ảo giác vì sử dụng ma túy tổng hợp "ngáo đá" gây ra, gây lo lắng trong nhân dân.

Ám ảnh vụ anh trai thảm sát gia đình em trai ở Đan Phượng, Hà Nội

Bên cạnh đó, số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý nhiều hơn so với cùng kỳ, nhưng tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra ở nhiều nơi, nhất là tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, tiếp tục gia tăng, gây bức xúc trong xã hội.
Theo ông Pha, đáng lưu ý là đối tượng xâm hại phần lớn là người quen, thậm chí là ruột thịt của nạn nhân, động cơ phạm tội thấp hèn; một số vụ đối tượng phạm tội do sử dụng rượu bia... “Điều này cho thấy đạo đức xã hội, đạo đức gia đình xuống cấp một cách đáng báo động, đồng thời cũng cảnh báo về công tác phòng ngừa xã hội còn chưa tốt”, ông Pha nói.
Ngoài ra, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, công tác quản lý người nước ngoài, nhất là ở cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, nhiều đối tượng người nước ngoài lợi dụng địa bàn nước ta để phạm tội lừa đảo; tổ chức đánh bạc qua mạng, có vụ đông tới hàng trăm người, mua bán, vận chuyển ma túy với khối lượng rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Pha trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp Quốc hội sáng 3.9

Ảnh Hoàng Hải

Việc lợi dụng mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội để làm mất an ninh trật tự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, bán hàng online... vẫn diễn ra tràn lan nhưng chưa được kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả. Trong đó, nổi lên là hiện tượng một số đối tượng có tiền án, tiền sự đã sử dụng mạng xã hội để đăng nhiều video cổ xúy cho lối sống lệch chuẩn, bạo lực, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nhận thức xã hội, nhất là giới trẻ
Dẫn chứng vụ Ngô Bá Khá tức “Khá Bảnh” bị khởi tố về hành vị đánh bạc và tổ chức đánh bạc; vụ Đỗ Văn Quang, tức Quang Rambo, cùng 4 đồng phạm bị khởi tố về tội danh cưỡng đoạt tài sản, ông Pha cho rằng, điều này cho thấy, công tác quản lý mạng xã hội, mạng viễn thông, mạng internet vẫn còn nhiều bất cập.

Làm rõ động cơ việc nhận tiền nâng điểm thi

Về công tác phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, nhóm nghiên cứu đánh giá, tội phạm về tham nhũng vẫn rất phức tạp, nhất là “tham nhũng vặt” trong các cơ quan và nhân viên nhà nước khi thực thi công vụ có liên quan trực tiếp đến người dân, và tham nhũng trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong nhân dân và công luận, tuy nhiên, việc phát hiện vẫn chưa được nhiều và giảm (0,35%) so với cùng kỳ.
Việc phát hiện các hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng còn nhiều hạn chế, có vụ làm xăng giả với quy mô lớn, tiêu thụ trên nhiều địa phương, kéo dài nhiều năm nhưng đến nay mới bị phát hiện xử lý như vụ Trịnh Sướng làm giả 6 triệu lít xăng giả diễn ra từ năm 2017 tại nhiều tỉnh thành nhưng đến năm 2019 mới bị phát hiện.
Việc sử dụng mạng viễn thông, mạng internet để đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bán hàng đa cấp trái pháp luật... vẫn diễn ra tràn lan nhưng số vụ việc bị phát hiện và xử lý chưa nhiều.
Đối với các vụ án liên quan đến tiêu cực trong tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở một số địa phương hiện nay đã được kết luận điều tra, có vụ đã được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, ông Pha cho hay, dư luận và cử tri còn băn khoăn và đề nghị làm rõ động cơ của việc nhận tiền để làm sai lệch kết quả thi.
23 trường hợp bị khởi tố oan
Liên quan tới công tác điều tra xử lý tội phạm, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm. Số người bị tạm giữ hình sự sau phải trả tự do, không xử lý hình sự giảm so với cùng kỳ, nhưng vẫn còn nhiều. Số phạm nhân trốn, chết do tự sát tại trại tạm giam, nhà tạm giữ tăng so với cùng kỳ.
Chất lượng hoạt động điều tra còn một số hạn chế trong thu thập, đánh giá chứng cứ. Số lượng các vụ án, bị can được tạm đình chỉ điều tra vẫn chiếm số lượng rất lớn và gia tăng (12.232 vụ/2.419 bị can, tăng 18,17% số vụ, 24,56% số bị can).
Vẫn còn 23 trường hợp bị khởi tố oan (đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội và hành vi không cấu thành tội phạm là 2 trường hợp; hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm là 21 trường hợp). Một số cán bộ điều tra bị khởi tố về tội xâm phạm hoạt động tư pháp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.