'Hộ chiếu vắc xin': Nhiều rủi ro cần cân nhắc

15/03/2021 04:51 GMT+7

“ Hộ chiếu vắc xin ” trên thế giới hiện nay đang tồn tại dưới dạng một ứng dụng miễn phí trên điện thoại, nơi mọi người có thể tải lên giấy chứng nhận đã được tiêm vắc xin của mình để sử dụng như một “giấy thông hành” khi di chuyển trong nước và quốc tế.

Không thể đứng ngoài cuộc chơi, Chính phủ và Bộ Ngoại giao cho biết hiện Việt Nam đang nghiên cứu việc áp dụng “hộ chiếu vắc xin” này. Thông tin tiêm chủng của công dân Việt Nam cũng được lưu giữ trong hồ sơ sức khỏe toàn dân, là “hộ chiếu vắc xin” Covid-19 liên thông quốc tế, quản lý bằng QR code. Tuy vậy, có thể thấy thái độ của Việt Nam là thận trọng, thể hiện ở việc đến nay, những người nước ngoài đã có “hộ chiếu vắc xin” nhập cảnh Việt Nam vẫn phải cách ly tập trung 14 ngày.

Sáng 15.3: Không có ca mắc Covid-19, hơn 11.000 người đã được tiêm vắc xin

Còn nhiều tranh cãi

Theo PGS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế công cộng khẩn cấp Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), “hộ chiếu vắc xin” được nhắc đến nhiều sau khi nhiều nước đã triển khai chiến dịch tiêm chủng. Gần đây, trong số những trường hợp nhập cảnh về Việt Nam, đã có những người có “hộ chiếu vắc xin” này, nhưng Việt Nam vẫn chưa có thay đổi trong chính sách phòng dịch.
“Nhiều người kỳ vọng “hộ chiếu vắc xin” là một giải pháp để thế giới sống chung với đại dịch, để mở cửa lại nền du lịch. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn nhiều tranh cãi. Sự thành công của “hộ chiếu vắc xin” phụ thuộc vào hiệu quả của vắc xin - thứ mà hiện nay chúng ta vẫn còn biết chưa thật đầy đủ”, ông Phu cho biết.
Với các chuyên gia dịch tễ, có nhiều rủi ro cần cân nhắc. Thứ nhất, vắc xin phòng Covid-19 được nghiên cứu, cấp phép trong điều kiện khẩn cấp, với nhiều loại khác nhau, nên còn những vấn đề ngay cả các nhà khoa học cũng chưa lường hết, như: các vắc xin khác nhau có hiệu lực bảo vệ khác nhau; cũng chưa biết kháng thể bảo vệ tồn tại trong cơ thể bao lâu; hoặc người mới tiêm vắc xin cũng chưa có miễn dịch bảo vệ… Thứ hai, do vấn đề biến đổi của vi rút, vắc xin có thể không còn tác dụng. Thứ ba là, nguy cơ hộ chiếu giả.

Covid-19 khác nhiều dịch trước đây

Theo PGS Phu, trước đây, các nước cũng đã áp dụng chứng nhận việc tiêm vắc xin khi đi lại với một số dịch như: tả, dịch hạch, bệnh sốt vàng (lưu hành ở châu Phi). Việc không chỉ Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới, một mặt coi “hộ chiếu vắc xin” là một lối thoát, một mặt vẫn hết sức cảnh giác, là bởi Covid-19 đã tạo ra quá nhiều tiền lệ chưa từng có.
Ông Trần Đắc Phu cho rằng mỗi quốc gia căn cứ vào đánh giá rủi ro, lợi ích, sự hợp tác giữa các bên để có thể có hình thức áp dụng phù hợp, như có thể kết hợp “hộ chiếu vắc xin” với xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính, giảm thời gian cách ly, hoặc có thể không bắt cách ly tập trung mà cách ly tại nhà...
Hôm 11.3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nghiên cứu tìm hiểu và sẽ kiến nghị điều chỉnh quy định xuất nhập cảnh phù hợp với diễn biến tình hình.
Mới đây, một nhóm nhà khoa học của Đại học Oxford (Anh) cũng công bố nghiên cứu của mình cho rằng “hộ chiếu vắc xin” chỉ hiệu quả nếu nó đáp ứng được 12 tiêu chí: đạt mốc nhất định về miễn dịch, giải quyết được vấn đề hiệu quả khác nhau giữa các loại vắc xin và hiệu quả của vắc xin trước các biến thể vi rút, được chuẩn hóa trên phạm vi toàn cầu, xác định được phạm vi áp dụng, đảm bảo an toàn thông tin cá nhân, đáp ứng được các tiêu chuẩn về đạo đức và pháp lý..., nghĩa là vẫn còn một chặng đường không ngắn để thế giới có thể tự do đi lại. Trước mắt, có còn hơn không, “hộ chiếu vắc xin” vẫn hữu ích trong một phạm vi nhỏ hơn, giúp giải quyết các trường hợp cần kíp, vì một số nước đã nới lỏng yêu cầu với những người có “hộ chiếu” này.

Giấy thông hành y tế

Đầu tháng 3, Trung Quốc chính thức khởi động chương trình cấp giấy chứng nhận y tế để tạo điều kiện đi lại trong nước và quốc tế cho người dân. Theo đó, chứng nhận này bao gồm thông tin về việc đã tiêm chủng vắc xin Covid-19, thông tin xét nghiệm và tình trạng y tế sau khi hồi phục của người sở hữu. Chưa rõ nước nào sẽ chấp nhận chứng nhận trên ngoài Trung Quốc.
Ở Mỹ, các hiệp hội doanh nghiệp và hàng không đang gây sức ép để chính quyền phát triển hệ thống “hộ chiếu vắc xin”. Tổng thống Joe Biden hồi tháng 1 ký sắc lệnh chỉ thị một ủy ban nghiên cứu tính khả thi của “hộ chiếu vắc xin”, nhưng đến nay Nhà Trắng chưa công bố kết quả hay công khai ủng hộ ý tưởng này, theo Fortune.
Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) hôm 12.3 công bố một số khuyến cáo mới liên quan giao thông hàng không. Theo đó, các nước thành viên ICAO có thể miễn xét nghiệm hoặc cách ly những hành khách quốc tế đã được tiêm vắc xin, tùy theo tình hình dịch và ngưỡng chấp nhận nguy cơ tại nước đó. Tuy nhiên, cơ quan này nhấn mạnh việc tiêm chủng không nên là điều kiện tiên quyết cho việc di chuyển quốc tế.
Bảo Vinh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.