Nhiều lỗ hổng trong bảo vệ an ninh nguồn nước

23/10/2019 08:31 GMT+7

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục thừa nhận, bảo vệ an ninh nguồn nước mặt khó hơn rất nhiều so với nước ngầm trước kia.

Chiều 22.10, tại buổi giao ban Thành ủy thường kỳ, UBND TP.Hà Nội thừa nhận những điểm yếu trong việc sản xuất và cung cấp nguồn nước sạch cho người dân.

Sẽ có cơ chế quy định rõ hơn về trách nhiệm

Tại cuộc họp lần này, nhiều phóng viên truy hỏi vấn đề bảo vệ an ninh nguồn nước khi khai thác nước mặt. Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục thừa nhận, bảo vệ an ninh nguồn nước mặt khó hơn rất nhiều so với nước ngầm trước kia. “Thành phố sẽ tăng cường bảo vệ nguồn nước, từ nguồn nước mặt sông Đà, đến kênh dẫn, đến hồ Đầm Bài cũng như suối Bằng… Các cấp chính quyền đã có công văn gửi UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị bảo vệ nguồn nước và tỉnh Hòa Bình cũng đã khoanh vùng được khu vực phải bảo vệ”, Giám đốc Sở Xây dựng nói.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Dục, hiện Hà Nội có đến 4 nguồn cấp nước mặt, gồm nguồn từ nhà máy nước sạch sông Đà, nguồn từ Ba Vì về (cũng là nước sông Đà), nguồn sông Đuống, và nguồn sông Hồng (sắp tới có thêm nguồn từ hợp phần Xuân Mai), nên việc bảo vệ an ninh nguồn nước thì chỉ Hà Nội không làm được. Hà Nội cũng đã báo cáo Thủ tướng về vấn đề này.
Ông Dục cũng “hứa” sau sự kiện này sẽ tiếp tục đi kiểm tra để rà soát các điểm còn yếu, còn hở và quy rõ trách nhiệm chỗ nào là của chính quyền, chỗ nào của nhà máy sản xuất, chỗ nào của đơn vị truyền dẫn, chỗ nào của đơn vị phân phối, chỗ nào bể nhà dân.
Trước thực trạng công nghệ của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) qua 11 năm vận hành đã quá cũ, ông Dục cho biết: “Chúng tôi sẽ kiểm tra và thống nhất (về việc thay đổi thiết bị, dây chuyền - PV), khả năng thay được tối đa với nhà máy này”. Riêng về câu hỏi “có để Viwasupco tiếp tục cấp nước”, ông Dục trả lời: “Dự án này 5, 7 lần được Chính phủ phê duyệt, là công trình cấp đặc biệt. Sau 11 năm vận hành thì có sự cố này, phải cố gắng khắc phục không để xảy ra sự cố tương tự. Như các đồng chí nói: chất độc hơn (đổ vào nguồn nước) thì sao? Bây giờ mới có tí thế này thôi mà đã thế. Ta sẽ có cơ chế quy định rõ hơn về trách nhiệm”.
Theo ông Dục, một trong những giải pháp quan trọng là lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, để những tiêu chuẩn bất thường phải quan trắc được, báo về Trung tâm kiểm nghiệm môi trường của Sở TN-MT Hà Nội hằng ngày. “Thời buổi khoa học công nghệ rồi, ngành nước trên thế giới có cái gì, chúng ta sẽ mua áp dụng tối đa, trừ khi bằng kim cương, giá nước không thể đáp ứng được thì chịu. Còn bây giờ, chắc chắn cái gì hiện đại nhất về cảnh báo ta sẽ yêu cầu các đơn vị lắp đặt”, Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định.

Chúng ta thường nói đến an ninh chính trị nhưng không nghĩ đến an ninh nguồn nước

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải

Ông Vũ Đăng Định, Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND TP.Hà Nội, cho hay đến thời điểm này Hà Nội chính thức công bố nguồn nước sạch sông Đà đã an toàn, đảm bảo các tiêu chí theo quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT để người dân sử dụng vào mục đích sinh hoạt, ăn uống. UBND TP.Hà Nội đề nghị người dân trong vùng cấp nước của sông Đà khi phát hiện bất kỳ hiện tượng bất thường nào, điện thoại ngay đến số 0903461980 của Tổng giám đốc Công ty nước sạch Hà Nội Trần Quốc Hùng.

Hà Nội rút ra nhiều kinh nghiệm về quản lý nguồn nước

Nhiều lỗ hổng trong bảo vệ an ninh nguồn nước1

Bể chứa tại chung cư Golden Land (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) ghi nhận nước có màu nâu, bốc mùi khét nồng nặc trong quá trình rửa bể

Ảnh: Kiến Trần

Trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội hôm qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, qua sự việc này, TP đã “rút ra rất nhiều kinh nghiệm về quản lý nguồn nước”, bởi theo ông Hải, “chúng ta thường nói đến an ninh chính trị nhưng không nghĩ đến an ninh nguồn nước”.
Về giải pháp, ông Hải cho biết, phải chia trách nhiệm cho từng công đoạn, chứ không thể để toàn bộ hệ thống quan trắc mà không phát hiện ra, hoặc phát hiện ra nhưng xử lý lúng túng. “Không thể như ông Tốn (Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Viwasupco - PV) nói là tôi không biết nên dừng hay không. Cái đó là cái nhất định phải chấn chỉnh”, ông Hải nói. Đối với những nơi phân phối nước, ông Hải cũng cho rằng, cần phải có hệ thống quan trắc để phát hiện.
“Đầu tiên, khi anh cấp nước thì anh phải chịu trách nhiệm về chất lượng nước. Vậy anh chịu trách nhiệm bằng cách nào thì phải giải trình với cơ quan nhà nước”, ông Hải nhấn mạnh và cho rằng cơ quan nhà nước có trách nhiệm ra các quy định chặt chẽ, yêu cầu cụ thể muốn xây dựng nhà máy cấp nước thì cần phải có những công nghệ, điều kiện tối thiểu như thế nào. “Thành phố mình 10 triệu dân. Đấy là cái rất đáng tiếc. Thành phố phải rút kinh nghiệm để chỉ đạo khắc phục và không để xảy ra những việc tương tự”, ông Hải cho hay.
“Làm thuốc giả có thể đi tù thì nước bẩn cũng có thể đi tù”
Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội chiều 22.10, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng, sự cố nước sông Đà vừa qua là hy hữu và hết sức nghiêm trọng, cho thấy nhiều điều phải đánh giá trong bảo vệ an toàn nguồn nước.
“Hiện nay chúng ta vẫn chưa có quy định rõ ràng. Mặc dù giao cho tư nhân nhưng trách nhiệm nhà nước cũng phải rà soát lại. Vụ việc này là cảnh báo đỏ cho bảo vệ an ninh nguồn nước, đặc biệt là nước cấp cho mục đích sinh hoạt của người dân”, ông Hà nói và cho rằng nếu để tình trạng quản lý lỏng lẻo thì có thể xảy ra những vụ việc nguy hiểm tương tự. Cũng theo Bộ trưởng TN-MT, “làm thuốc giả có thể đi tù thì nước bẩn cũng có thể đi tù. Việc đó chờ cơ quan pháp luật kết luận. Những đối tượng tham gia đổ dầu và cung cấp nước bẩn thì pháp luật phải xử lý nghiêm khắc”.
Lê Hiệp
Người dân khởi kiện như thế nào ?
Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, xét về quyền thì người dân chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm nguồn nước sông Đà có quyền khiếu nại, khởi kiện theo luật Dân sự. Tuy nhiên, ở góc độ pháp lý cho thấy, việc khởi kiện của người dân khá mông lung, vì pháp luật hiện hành chưa đủ các quy định để xử lý trường hợp này, trước nay chưa có án lệ.
“Ô nhiễm nguồn nước sông Đà có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, của người tiêu dùng. Thế nhưng kiện thế nào, kiện ai, kiện ở đâu? Có thể trả lời ngay là ví dụ như ở Thanh Xuân, bà con ở đó có thể kiện lên TAND Q.Thanh Xuân, hay người dân ở Q.Nam Từ Liêm có thể kiện lên TAND Q.Nam Từ Liêm. Trong trường hợp này, người dân có thể kiện Viwasupco. Nhưng phải xác định với nhau là người dân sẽ rất khó đi kiện, bởi không dễ chứng minh các chứng cứ thiệt hại, cũng như xác định những tính chất của nước, người dân có làm được không?”, luật sư Tú nói và cho rằng, trong tương lai cần có thêm quy định pháp luật về bảo vệ người dân trong những trường hợp như sự cố nước sạch sông Đà.
GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ NN-PTNT), cho rằng: “Luật pháp hiện hành không rõ ràng các điều khoản bảo vệ người dân trong trường hợp nước sông Đà bị ô nhiễm. Đây là lỗi của cơ quan chức năng làm luật, cần phải xem lại để lấp lỗ hổng. Luật pháp hở nên người dân muốn kiện cũng không dễ”, GS Hồng nói.
Lê Quân - Trần Cường
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.