Nhiều hồ thủy lợi, thủy điện bất tuân quy trình xả nước

20/11/2020 06:28 GMT+7

Dù có đầy đủ quy định về quy trình vận hành, điều tiết nước trong hồ, nhưng nhiều công trình thủy lợi, thủy điện ở tỉnh Thanh Hóa không tuân thủ khi có yêu cầu xả nước.

Thủy lợi không xả lũ điều tiết theo yêu cầu

Yên Mỹ (xã Yên Mỹ, H.Nông Cống, Thanh Hóa) là hồ thủy lợi lớn ở Thanh Hóa, có dung tích chứa 82 triệu m3 khi ở cao trình 20,36 m và 62 triệu m3 khi ở cao trình 18,50 m. Hồ có nhiệm vụ tưới cho gần 6.000 ha đất canh tác nông nghiệp và cung cấp nước thô cho các nhà máy nước sạch của TX.Nghi Sơn (Thanh Hóa), đặc biệt là nước cho hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp ở Khu kinh tế Nghi Sơn. Trong các đợt mưa do ảnh hưởng của các cơn bão vừa qua, đơn vị quản lý hồ là Công ty TNHH MTV Sông Chu đã chưa thực hiện điều tiết xả lũ theo đúng quy trình vận hành hồ.
Cụ thể, khoảng thời gian từ 28 - 30.10, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa to, có nơi mưa rất to, khiến mực nước hồ Yên Mỹ đo được lúc 7 giờ ngày 30.10 ở cao trình 19,65 m; trong khi theo quy định của quy trình vận hành điều tiết hồ Yên Mỹ do UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành, ngày cuối tháng 10 mực nước tích không vượt quá cao trình 18,30 m. Tiếp đó, khi cơn bão số 13 chuẩn bị đổ bộ vào đất liền, dự báo Thanh Hóa bị ảnh hưởng và có mưa lớn, nhưng đến 7 giờ ngày 12.11 mực nước ở hồ Yên Mỹ vẫn nằm ở cao trình 19,56 m; đến 7 giờ ngày 16.11 là 19,14 m.
Lo lắng cho an toàn hồ đập, liên tục các ngày 30.10, 13.11 và 16.11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thanh Hóa và Sở NN-PTNT Thanh Hóa có công văn đốc thúc, yêu cầu Công ty TNHH MTV Sông Chu thực hiện xả lũ theo quy trình vận hành điều tiết hồ, tức là xả để mực nước về cao trình các ngày cuối tháng 10 là 18,30 m; tháng 11 là 18,50 m. Thế nhưng, theo ghi nhận của PV, lúc hơn 10 giờ ngày 17.11 hồ Yên Mỹ chỉ mở 1 cửa xả và mực nước đang ở cao trình khoảng 19 m.
Không chỉ hồ Yên Mỹ, hồ Đồng Chùa (TX.Nghi Sơn) cũng trong tình trạng tương tự. Sở NN-PTNT Thanh Hóa đã liên tục có văn bản yêu cầu Công ty TNNH MTV Sông Chu đưa mực nước hồ này về mức không quá 8,70 m, nhưng thời điểm 7 giờ ngày 12.11 mực nước hồ này là 9,06 m.
Nhiều hồ thủy lợi, thủy điện bất tuân quy trình xả nước1

Hồ thủy lợi Yên Mỹ có dung tích 82 triệu m3 nếu ở cao trình 20,36 m

Thủy điện “găm” nước mùa hạn

Tình trạng bất tuân quy trình vận hành điều tiết hồ còn xảy ra đối với hồ thủy điện. Cuối tháng 6 vừa qua, là thời điểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang xảy ra hạn hán, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp, nhưng thủy điện Cẩm Thủy 1 (trên sông Mã, thuộc địa phận H.Cẩm Thủy, Thanh Hóa) do Công ty CP đầu tư hạ tầng - giao thông (địa chỉ tại Hà Nội) đầu tư, cũng không thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, theo quy định tại quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã, khi thủy điện Trung Sơn (H.Quan Hóa, Thanh Hóa) xả nước, buộc các thủy điện Thành Sơn, Bá Thước 1, Bá Thước 2 và Cẩm Thủy 1 (các thủy điện hạ du thủy điện Trung Sơn) phải vận hành xả nước với lưu lượng không nhỏ hơn lưu lượng đến hồ. Tuy nhiên, liên tục trong các ngày từ 25 - 28.6, thủy điện Cẩm Thủy 1 không thực hiện đúng quy định. Số liệu ghi nhận cho thấy: từ 1 - 3 giờ ngày 25.6 lưu lượng nước về hồ là 257 m3/giây nhưng chỉ xả 140 m3/giây; từ 14 - 16 giờ ngày 26.6 nước về hồ là 110 m3/giây nhưng chỉ xả 70 m3/giây; từ 1 - 4 giờ ngày 27.6 nước về hồ là 164 m3/giây nhưng chỉ xả 70 m3/giây; từ 3 - 7 giờ ngày 28.6 nước về hồ là 160 m3/giây nhưng chỉ xả 70 m3/giây.
Trước sự việc trên, ngày 30.6, Sở NN-PTNT Thanh Hóa phải có văn bản đề nghị chủ đầu tư thủy điện Cẩm Thủy 1 thực hiện việc vận hành xả nước đúng quy trình, đảm bảo không nhỏ hơn lưu lượng nước đến hồ.

Làm đúng quy trình sẽ gây ngập ?

Ông Lê Văn Thủy, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Chu, cho rằng trong những thời điểm nhất định không thể cứ theo quy trình để xả nước được, vì sẽ ảnh hưởng đến hạ du. “Sau khi nhận được văn bản của Sở NN-PTNT Thanh Hóa, chúng tôi đang cho xả nước trong hồ Yên Mỹ, và cam kết đến ngày 20.11 sẽ đưa mực nước trong hồ về 18,50 m. Việc xả nước cũng có nhiều nan giải, đôi khi không thể áp dụng cứng nhắc vào quy trình được, vì phụ thuộc vào vùng hạ du, nếu xả ồ ạt sẽ gây ngập. Ở hồ Yên Mỹ, khi có mưa lũ nước đổ về lớn, nếu xả một lúc cho về mức 18,50 m theo quy định thì vùng hạ du sẽ bị ngập. Đó là tồn tại nhiều năm nay giữa hạ du và thượng du mà chưa thể giải quyết”, ông Thủy lý giải.
Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa, nhấn mạnh việc vận hành điều tiết nước của các hồ là phải thực hiện theo quy trình, phải bám vào quy trình để làm. “Đối với từng hồ thì có quy trình riêng. Trong quy trình hồ có quy định khi mực nước đến hồ và xả với lưu lượng bao nhiêu. Còn ngoài quy trình là khi lũ về, hoặc những tình huống khẩn cấp, thì Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quyết định về việc xả lũ. Tất cả là phải theo quy trình, cứ phải bám lấy quy trình mà làm”, ông Nam nói.
Tuy nhiên, ông Nam cũng nhìn nhận trong quy trình vận hành điều tiết hồ sở này chỉ có chức năng nhắc nhở, đôn đốc, đề nghị các đơn vị quản lý hồ thực hiện nghiêm quy định. “Khi đã đề nghị, đôn đốc mà các đơn vị quản lý hồ không thực hiện theo quy trình điều tiết hồ, thì cao hơn là báo cáo và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý trách nhiệm”, ông Nam nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.