Nhiều chất vấn 'nóng' về Formosa chưa được trả lời

15/11/2016 20:36 GMT+7

Hàng loạt câu hỏi liên quan đến vụ Formosa và các sự cố môi trường xảy ra thời gian qua đã được các đại biểu đặt ra với Bộ trưởng TN - MT Trần Hồng Hà tại phiên chất vấn chiều 15.11.

Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành liên quan trong việc giải quyết hậu quả sự cố do Formosa gây ra, nhưng đại biểu (ĐB) Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thẳng thắn cho biết cử tri và nhân dân Quảng Bình thiếu niềm tin, băn khoăn không chỉ cho thế hệ hiện tại mà trong cả thế hệ tương lai với sự cố Formosa.
“Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng hãy cho biết cơ sở nào để đảm bảo tính vững chắc của việc Formosa sắp tới sẽ không gây ô nhiễm môi trường, để tạo niềm tin cho nhân dân trong thời gian tới?”, ông Phương chất vấn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định đối với vụ Formosa, Bộ TN - MT là cơ quan chịu hoàn toàn trách nhiệm, trong giai đoạn sau khi xác định được các vi phạm của Formosa.
Ông Trần Hồng Hà cho biết các cơ quan chức năng đã chỉ ra các nguyên nhân cũng như các nguồn gây ô nhiễm và có tiềm năng gây ra sự cố môi trường, đặc biệt tập trung vào ba nhóm: nhóm liên quan đến nước thải, khí thải và chất thải rắn, cũng như các vi phạm liên quan đến vấn đề công nghệ sản xuất, quy trình và công nghệ xử lý...
Theo Bộ trưởng, Bộ TN - MT đã thành lập một Hội đồng liên ngành gồm các nhà khoa học có uy tín trong cả nước để cùng nhau xem xét và đánh giá kế hoạch để yêu cầu Formosa phải có các biện pháp khắc phục và lộ trình xử lý cụ thể.
“Trong quá trình Formosa khắc phục, thực hiện kế hoạch này, chúng ta có một tổ công tác do Viện hàn lâm khoa học công nghệ trực tiếp phối hợp với Bộ TN - MT thành một ban theo dõi và giám sát 24/24 giờ, giám sát liên tục về chất lượng nước thải, khí thải cũng như giám sát và quản lý lượng chất thải rắn và chất thải nguy hại của Formosa thải ra”, ông Trần Hồng Hà thông tin.
Về biện pháp xử lý, Bộ trưởng cho biết đã đặt ra các yêu cầu và quy định phải đáp ứng. Nếu tiêu chuẩn Việt Nam chưa có thì áp dụng tiêu chuẩn cao nhất và thông lệ quốc tế. Các yêu cầu này tập trung vào công nghệ xử lý đối với nước thải, tất cả khâu, từ nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và nước thải sinh hóa phát sinh ra từ nguồn thải của nhà máy điện và luyện cốc, hoặc khu vực khác như cảng của Formosa.
Đồng thời, luôn luôn tính toán nếu xảy ra sự cố thì có các biện pháp để phòng ngừa thế nào, có hồ để ứng phó ra sao. Tất cả các nguồn thải, các thông số thải được kiểm soát chặt chẽ bằng các thiết bị tự động, quan trắc đầy đủ thông số và chuyển thẳng về cho cơ quan quản lý nhà nước ở Sở TN-MT Hà Tĩnh và Bộ TN - MT.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chất vấn về vấn đề Formosa Ảnh Ngọc Thắng
Để đáp ứng được các yêu cầu đó, Bộ trưởng TN-MT cho biết đã tính toán có một số tồn tại về công nghệ sản xuất trong giai đoạn từ nay đến 2018 Formosa mới hoàn thành, đã yêu cầu các nguồn có khả năng gây ra ô nhiễm môi trường như khí thải phải tái tuần hoàn và xử lý nước dập cốc kèm theo chất nguy hại.
Ông Trần Hồng Hà thông tin thêm: Phía cuối đường ống có một hồ chỉ thị sinh học rộng trên 10 ha, tại đó được giám sát chất lượng để đáp ứng được quy chuẩn về môi trường, kèm theo các quy chuẩn được đặt ra với yêu cầu nghiêm ngặt hơn...
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ TN-MT đang thực hiện việc thiết kế hệ thống giám sát một cách toàn diện vấn đề môi trường biển đối với các địa phương này. Hệ thống này sẽ giám sát tự động tất cả các thông số và có thể hoàn toàn kiểm soát được các nguồn thải của Formosa, từ khi thải đến nước thải.
Đối với vấn đề chất thải rắn và các bùn thải nguy hại, Tư lệnh ngành TN-MT cho biết đã yêu cầu Formosa trong thời gian chưa ký hợp đồng để chuyển các loại chất thải này đối với các doanh nghiệp có đầy đủ năng lực và điều kiện xử lý, thì được lưu giữ trong kho theo đúng các quy định hiện nay về quản lý chất thải công nghiệp cũng như đối với chất thải nguy hại.
Đồng thời, Bộ TN-MT đã phối hợp với Hà Tĩnh để thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy xử lý chất thải công nghiệp cũng như chất thải nguy hại ở đây.
Về quy trình cũng như cách thức quản lý, vận hành của Formosa đối với các hệ thống xử lý chất thải, Bộ trưởng cho biết phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 14000 để đảm bảo tất cả các khâu trong quá trình hoạt động luôn được kiểm tra, kiểm soát một cách chặt chẽ.
Yêu cầu này đặt ra để trong thời gian tới, hoạt động Formosa có thể đảm bảo không gây ô nhiễm và giảm tối đa tất cả những khả năng có thể gây ra sự cố môi trường”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà lý giải.
Hàng loạt câu hỏi chờ Bộ trưởng trả lời
Do hết thời gian nên Bộ trưởng Trần Hồng Hà chưa trả lời được một loạt các chất vấn khác liên quan đến Formosa. Dự kiến sáng mai, 16.11, Bộ trưởng sẽ tiếp tục trả lời các câu hỏi này.
ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội): Việc ô nhiễm môi trường Formosa được kết luận xảy ra trong giai đoạn vận hành thử nghiệm dự án đầu tư và trách nhiệm kiểm tra giám sát được giao cho Tổng Cục môi trường. Tháng 1.2016, Tổng Cục môi trường có kết luận thanh tra xác định không có vấn đề về vi phạm nhưng sau này kiểm tra lại có sai phạm. Bộ trưởng đã kết luận có 53 sai phạm nhưng hiện nay mới chỉ xử lý hơn 20 sai phạm. Những sai phạm khác có hay không vì liên quan đến trách nhiệm bồi thường cũng như biện pháp xử lý những sai phạm còn lại?
ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh): Với trách nhiệm của Bộ trưởng đã tham mưu cho Chính phủ, nếu để Formosa tiếp tục vi phạm xả thải ảnh hưởng đến môi trường thì cần phải xử lý dứt điểm như thế nào? Ngoài sự tự phục hồi môi trường sinh thái của biển, vừa qua Bộ trưởng có giải pháp gì để cùng các bộ, các nhà khoa học có tác động tích cực nhất để trả lại môi trường sinh thái cho biển miền Trung thời gian và nguồn lực để thực hiện vấn đề này? 
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội): Ngay khi phát lộ sự cố Formosa chỉ vài ngày, Bộ trưởng đã có chuyến thị sát tận nơi và tại Hà Tĩnh, Bộ trưởng đã nói lời xin lỗi nhân dân. Cử tri rất cảm động và đánh giá cao lời xin lỗi đó. Với tư cách là người quản lý của Bộ TN - MT, Bộ trưởng đã thấy lỗi của cá nhân, của bộ mình trong việc này là gì? Từ đó đến nay, cá nhân Bộ trưởng và Chính phủ đang rất tích cực tìm cách khắc phục hậu quả Formosa. Theo Bộ trưởng thì chúng ta đã sửa lỗi với nhân dân trọn vẹn chưa, cần làm gì không? 
ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu): Sau hàng loạt sự cố môi trường gần đây, đặc biệt là sự cố nghiêm trọng do Formosa gây ra xin Bộ trưởng cho biết, đến nay đã có tổ chức và cá nhân nào được xem xét trách nhiệm và xử lý sai phạm trong thẩm quyền của Bộ? Hay vẫn chờ kết luận của thanh tra Chính phủ và Ủy ban kiểm tra TƯ. Bộ trưởng có giải pháp gì trong quản lý và điều hành để những sự cố môi trường tương tự sẽ không xảy ra trong thời gian tới. 
ĐB Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM): Liên quan đến sự cố môi trường do Formosa gây ra, xin Bộ trưởng cho biết khi nào có kết luận cụ thể về an toàn của nước biển, hải sản và môi trường biển các tỉnh Bắc Trung Bộ và vùng lân cận?
ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau): Vừa qua Formosa đã bồi thường thiệt hại là 500 triệu USD, tương đương 11.000 tỉ. Xin Bộ trưởng cho biết cơ sở nào để tính toán ra con số đó và nếu trường hợp chúng ta bồi thường cho dân các tỉnh miền Trung không đủ thì có lấy ngân sách để tiếp tục bồi thường cho ngư dân hay không?



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.