Nhiều cấp quản lý, mù mờ trách nhiệm

08/11/2014 04:10 GMT+7

Trong phiên thảo luận tại tổ của các đoàn đại biểu Quốc hội về 2 dự án luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương hôm qua (7.11), việc có nên quy định “cứng” số lượng các cấp phó, số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và vấn đề đại diện sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp gây nhiều tranh luận.

ĐB Nguyễn Đình Quyền phát biểu tại phiên thảo luận hôm qua
ĐB Nguyễn Đình Quyền phát biểu tại phiên thảo luận hôm qua - Ảnh: Ngọc Thắng

“Thứ trưởng nhiều quá”

Thảo luận về dự luật Tổ chức Chính phủ, đại biểu (ĐB) Trần Dương Tuấn (Bến Tre) nói: “Hiện nay, ở nhiều bộ số lượng thứ trưởng nhiều quá. Một số bộ có 7 - 8 thứ trưởng, cho nên ở cấp tỉnh, thành phố, số lượng phó giám đốc sở cũng nom theo trung ương nên không nghiêm túc”. Ông đề nghị: “Cơ quan soạn thảo luật nên nghiên cứu, quy định số lượng tối đa theo điều 24 là phó thủ trưởng các cơ quan cấp bộ, ngành là 3 - 6 hay 4 - 6, để tùy theo tình hình thực tế, Thủ tướng sẽ quyết định số thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ cho phù hợp”. Tuy nhiên ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) nêu quan điểm: “Không nên quy định cứng số lượng cấp phó vào dự thảo vì sau muốn bổ sung sẽ khó”.

 

Luật Tổ chức Chính phủ cần phải làm rõ trách nhiệm của từng vị trí trong Chính phủ. Thủ tướng trách nhiệm thế nào? Từng thành viên trách nhiệm thế nào? Hiện luật vẫn chỉ ghi nhiệm vụ, quyền hạn chung chung, nhưng trách nhiệm ra sao thì không thấy nói. Ngay cả bản thân chính quyền địa phương cũng vậy

ĐB Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp

Có khá nhiều ĐB đề nghị quy định luôn về số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ vào dự thảo luật Tổ chức Chính phủ.  ĐB Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) nói: “Hiện nay, mặc dù đã quy định số bộ nhưng qua thực tế, cứ nở thêm ra. Không kiểm soát được thì xử lý lại không nghiêm”. Ông cho rằng để khắc phục và làm cho chặt chẽ, thực hiện nghiêm thì nên ghi rõ tên, số lượng cơ quan ngang bộ “cho rõ luôn”.

Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, nếu quy định cứng số bộ thì hạn chế quyền của QH khóa sau vì nếu QH muốn cơ cấu lại bộ máy chính phủ lại khó. “Để mềm dẻo hơn, theo tôi, không quy định cứng thì phù hợp hơn”, Phó thủ tướng nói.

Mô hình chính quyền địa phương cần linh hoạt

Góp ý cho dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương, ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) cho rằng: “Mô hình chính quyền địa phương mỗi nơi phải phù hợp quy mô, tính chất ở đó, không nên có mô hình thống nhất cho các cấp với những quy mô khác nhau. Chính quyền đô thị phải khác với chính quyền nông thôn”. ĐB này nêu thực tế: “Ở Quảng Ninh, chính quyền các địa phương chênh lệch khác nhau. Có huyện chỉ 5.000 dân nhưng có khi một thị trấn mấy vạn dân. Nếu quy định tổ chức chính quyền địa phương thống nhất thì khó vận dụng trong điều kiện cụ thể”. Theo bà Hoàng, chỉ nên quy định khung, giao cho chính quyền tổ chức cụ thể cho linh hoạt, có mô hình phù hợp với tính chất, quy mô, địa lý từng địa phương. 

Một số ĐB tỏ ý băn khoăn về mô hình đơn vị hành chính đặc biệt. ĐB Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) nói: “Sắp tới, nhiều địa phương như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang sẽ có tổ chức hành chính đặc biệt thì điều hành thế nào, vì dù có luật Đơn vị hành chính đặc biệt thì thường luật này sẽ không ghi nhân sự cụ thể như đặc khu trưởng, đặc khu phó”. ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đề nghị: “Cần phải có một số điều khoản mang tính nguyên tắc về đơn vị hành chính đặc biệt ngay trong dự luật này”.

Còn ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nêu ý kiến: “Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt phải có tiêu chí cụ thể và quy định số lượng cả nước có bao nhiêu đơn vị như thế chứ nay nơi này xin, mai nơi khác lại xin. Sẽ rất khó. Do vậy nên quy định cụ thể càng tốt, không thì sẽ mất thời gian đi xin - cho”.

 

“Mèo ốm thì chuột cũng sợ”

Liên quan đến HĐND cấp xã, ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) nói: “Nếu chúng ta bỏ sẽ làm yếu chức năng của HĐND. Tôi cho rằng, ở đâu có chính quyền, ở đó có sự giám sát thì vai trò của HĐND mới mạnh được, nếu không thì xuân thu nhị kỳ, 6 tháng họp/lần xong rồi lại để đấy”. Còn ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) ví von: “HĐND kể cả có yếu thì cũng như con mèo ốm. Dù mèo ốm nhưng có bóng dáng của nó ngồi đó thì chuột vẫn sợ. Đề nghị QH phải tổ chức riêng một cuộc thăm dò về điều này, tôi nghĩ mãi mà không hiểu tại sao lại bỏ HĐND”.

Phải rõ trách nhiệm

Một vấn đề băn khoăn chung của nhiều ĐB khi góp ý cho 2 dự án luật trên là xác định trách nhiệm quản lý.

ĐB Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) cho rằng trong quan hệ bộ trưởng và bộ hiện nay, cần có một chương quy định về trách nhiệm, quyền hạn bộ trưởng và bộ, vì “đôi khi chúng ta thấy, có sự lẫn lộn về trách nhiệm giữa bộ và bộ trưởng”. Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền đề nghị: “Luật Tổ chức Chính phủ cần phải làm rõ trách nhiệm của từng vị trí trong Chính phủ. Thủ tướng trách nhiệm thế nào? Từng thành viên trách nhiệm thế nào? Hiện luật vẫn chỉ ghi nhiệm vụ, quyền hạn chung chung, nhưng trách nhiệm ra sao thì không thấy nói. Ngay cả bản thân chính quyền địa phương cũng vậy”. “Ví dụ, vụ Tiên Lãng xảy ra, chính quyền địa phương có ba cấp nhưng không thấy trách nhiệm chính thuộc về ai, để rồi sau đó Thủ tướng vẫn phải đứng ra để xử lý. Đây là điều khó chấp nhận và dường như chỉ có ở VN”, ông dẫn chứng.

Cũng theo ĐB Nguyễn Đình Quyền: “Hiện nay, chế độ phân cấp về quản lý, trách nhiệm giữa bộ, ngành và địa phương không rành mạch. Như vụ Cát Tường ở Hà Nội, không rõ bộ nào, chịu trách nhiệm đến đâu, sở chịu trách nhiệm đến đâu, cấp quận, phường chịu trách nhiệm đến đâu. Cho nên khi vụ việc xảy ra cứ phải đi mò trách nhiệm”.

Một số ĐB đề nghị làm rõ mô hình Văn phòng Chính phủ, hiện nay như một “siêu bộ” vì nhiều việc lên đến “siêu bộ” này thì gặp ách tắc. Khá nhiều ĐB đề nghị chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ gọi là Chủ nhiệm thôi, không gọi là Bộ trưởng để thống nhất với các chức danh Chủ nhiệm Văn phòng T.Ư Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước vì chức vụ này cũng chỉ làm các công việc hành chính, không điều hành kinh tế, xã hội như các bộ, ngành khác.

Ai sẽ đại diện vốn nhà nước?

ĐB Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) nói: “Theo tôi, không nên để bộ, cơ quan ngang bộ làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để đảm bảo sự độc lập, tự chủ của DN, không để can thiệp hành chính vào hoạt động DN nữa”. 

ĐB Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) đồng tình: “Hiện nay, vốn cấp cho DN qua ngân sách càng teo đi, gần như không cấp nữa mà chủ yếu giải quyết cái tồn tại. Quan điểm là không để các bộ làm đại diện chủ sở hữu ở DN nữa nhưng vẫn cần có cơ quan đứng ra làm, để có tổ chức tập hợp để quản lý được vốn nhà nước”.

ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) nêu ý kiến: “Đề án tái cơ cấu DNNN sẽ không đạt được nếu cứ duy trì chế độ chủ quản như hiện nay”. ĐB này phân tích: “Nếu theo kinh tế thị trường mà vẫn coi DNNN là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô, phải lệ thuộc vào Bộ chủ quản, để các bộ can thiệp sâu vào hoạt động thì DN hoạt động rất khó, cản trở sáng tạo”.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: “Hiện nay số DNNN còn khá lớn, khoảng 1.000 DN. Để quản lý cũng vẫn phải giao cho ai làm đại diện chủ sở hữu. Chính phủ đang bàn bạc xây dựng mô hình. Hoặc là Bộ mới, hoặc một tổng cục. Nhưng dù giao cho cơ quan nào mà để quy mô lớn như hiện nay cũng chết. Vì có giao cho một tổng cục, riêng nhớ tên đã không hết”.

“Như vừa rồi, giao cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý số lượng DNNN lớn quá cũng không có tác dụng quản lý. Cho nên cần phải nghiên cứu mô hình khác”, Phó thủ tướng nói. Theo ông, ở nhiều quốc gia, họ phải giảm số lượng DNNN xuống rồi giao cho một cơ quan thuộc Chính phủ, không phải bộ, ngành mà một tổ chức có chức năng kinh doanh như mô hình Temasek (Singapore) làm. “Mô hình nào cũng không tốt bằng điều hành như DN. Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu các mô hình ở các nước để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”, ông nói.

Mạnh Quân - Trường Sơn - Tuyết Mai

>> Quốc hội sẽ bàn để giảm thêm 200 giờ nộp thuế
>> Quốc hội hiến kế giảm chi
>> Quốc hội và quyền giám sát của dân
>> Quốc hội sẽ nghe báo cáo thẩm tra về dự án sân bay Long Thành 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.