Nhiều bức xúc vẫn chưa được tháo gỡ

15/08/2009 23:22 GMT+7

* Đề nghị phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi Tại phiên họp sáng qua, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự án Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Giáo dục chưa "đánh trúng" những mối quan tâm cấp thiết nhất của xã hội.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Thiện Nhân cho biết: "Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục xuất phát từ những đòi hỏi khách quan và tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề thực sự bức xúc trong thực tiễn"...

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật trên của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN & NĐ) nhận xét: "Một số vấn đề vướng mắc trong thực tiễn khi thực hiện Luật Giáo dục năm 2005 chưa được tháo gỡ. Hầu hết các nội dung trong Tờ trình của Chính phủ tuy rất đáng được sửa đổi, bổ sung nhưng chưa thực sự cấp thiết".

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho rằng hai vấn đề bức xúc mà cử tri và ĐBQH "kêu" nhiều là việc quá tải trong chương trình học phổ thông và thi cử lãng phí thì dự luật chưa giải quyết được. "Khi đưa ra chấm chéo, các trường giám sát lẫn nhau là chúng ta đã dạy cho con, cháu một điều là chúng ta không tin nhau" - ông Thuận nói.

Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN & NĐ Đào Trọng Thi bổ sung: "Một trong những vấn đề hết sức quan trọng được dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến trao đổi trong thời gian qua, đó là việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa tạo được sự đồng thuận và tin tưởng trong xã hội. Việc biên soạn, in và phát hành sách giáo khoa còn mang tính độc quyền"... 

Khoản 1 Điều 51 của luật hiện hành quy định: "Thủ tướng Chính phủ quyết định (việc thành lập - PV) đối với trường đại học". Dự thảo luật sửa đổi theo hướng giao thẩm quyền này cho Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN & NĐ Đào Trọng Thi cho biết, đa số các ý kiến trong Thường trực Ủy ban không tán thành với việc sửa đổi này, vì việc thành lập trường đại học liên quan đến chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo quốc gia, nhất là chủ trương xây dựng một số trường đại học trọng điểm đạt trình độ khu vực, quốc tế. Mặt khác, tình trạng phát triển ồ ạt các trường đại học không hội đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo trong thời gian qua, đang làm dư luận xã hội rất lo ngại. Nếu phân cấp mà không có những biện pháp mạnh mẽ, thắt chặt các điều kiện thành lập trường, thì e rằng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng này.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến trong Ủy ban VHGDTNTN & NĐ ủng hộ chủ trương phân cấp mạnh mẽ và giao thẩm quyền thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập, cho phép thành lập các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập cho cấp bộ trưởng. Cũng ủng hộ quan điểm phân cấp mạnh, nhưng Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị phải có quy định về trách nhiệm cụ thể của người được phân cấp.

Một nội dung sửa đổi quan trọng là thay chính sách miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng chính sách vay tín dụng ưu đãi. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền cho rằng, trước khi làm việc này thì cần phải tổng kết xem có bao nhiêu phần trăm học sư phạm ra mà không làm đúng nghề, lúc đó mới thay đổi cơ chế. "Vì một vài trường hợp học sinh ra trường không đi dạy mà thay đổi chính sách thì không nên" - ông Hiền nói.

Luật Giáo dục hiện hành quy định: "Giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở là các cấp học phổ cập". Dự thảo bổ sung thêm "phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi".

Ngoài ra, Ủy ban VHGDTNTN & NĐ cũng đề nghị phải làm rõ hơn khái niệm về "học phí" để khỏi nhầm lẫn giữa học phí, phí dịch vụ và các loại quỹ trong nhà trường, dẫn đến tình trạng thu tùy tiện ở một số cơ sở giáo dục.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.