Nhiều bộ, ngành phải vào cuộc

31/05/2018 09:52 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng để xử lý nợ đọng BHXH hàng chục ngàn tỉ đồng, cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều bộ, ngành.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Kim Yến (TP.HCM) cho rằng tình trạng nợ BHXH hiện nay rất nghiêm trọng, tuy nhiên biện pháp xử lý, giải quyết chưa thực sự đủ mạnh.
Theo bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.1.2018, nợ BHXH, chây ì, trốn đóng tùy theo mức độ là một hành vi vi phạm pháp luật. Khi bị khởi tố hình sự sẽ phải chịu những án phạt rất nặng.
"Luật có rồi phải đẩy nhanh, phải làm thật mạnh và công khai tên những DN nợ BHXH lên các phương tiện thông tin đại chúng. Với các DN bỏ trốn, cần phải có giải pháp xử lý dứt điểm, xác định xem họ bỏ trốn vì lý do, nguyên nhân gì... Nhưng tôi vẫn đặt tầm quan trọng của việc phòng, tức giám sát chặt chẽ ngay từ đầu hơn là biện pháp khởi tố sau này", ĐB Yến nói.
ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, cho rằng để giải quyết triệt để vấn đề này, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. 
Đầu tiên, ngành BHXH phải phối hợp thêm với ngành LĐ-TB-XH, tập trung thanh tra kiểm tra, yêu cầu các đơn vị chấp hành đúng theo quy định của pháp luật về BHXH.
Các tổ chức công đoàn là đại diện quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ cũng phải tham gia, giám sát để đối thoại, thương lượng, đấu tranh để đòi hỏi người sử dụng lao động thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về đóng BHXH cho NLĐ.
Thêm nữa, các cơ quan chức năng quản lý nhà nước như cơ quan thuế, Bộ KH-ĐT phải theo dõi nắm chắc số lượng các DN, số lượng NLĐ tham gia sản xuất kinh doanh để có căn cứ thu nộp BHXH một cách đầy đủ.
Hằng tháng, công ty vẫn trừ tiền BHXH, bảo hiểm y tế nhưng không đóng cho công nhân ẢNH: H.N
"Quan trọng hơn, từ năm 2018 khi BLHS có hiệu lực thi hành, trong đó có quy định xử lý hình sự với hành vi gian lận BHXH và trốn đóng BHXH. Việc xử lý nghiêm khắc với một số trường hợp sẽ tạo được tính răn đe. Bên cạnh đó, NLĐ cũng phải tự kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH. Nếu phát hiện DN không thực hiện đúng, vi phạm thì phải đấu tranh, kiện ra tòa hoặc kiến nghị với công đoàn hoặc thanh tra để xử lý", ĐB Lợi nhấn mạnh.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, cho rằng luật BHXH mới đây đã trao thêm quyền thanh tra cho BHXH. Quy định cũng đã cho phép tổ chức công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở khởi kiện DN trốn đóng, nợ đóng BHXH.
“Cái nào khó thì chúng ta nghiên cứu sửa đổi, khắc phục. Làm mạnh để chấn chỉnh tình trạng DN nợ BHXH”, ĐB Phương nói.
5 tháng, gần 300.000 người rút khỏi Quỹ BHXH
Đây là thông tin được BHXH VN cho biết tại buổi họp báo định kỳ tháng 5. Theo số liệu của BHXH VN, trong 5 tháng đầu năm 2018, cơ quan này đã giải quyết hơn 49.700 hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và hơn 3,95 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Đáng chú ý, cơ quan BHXH đã giải quyết cho 296.916 người hưởng trợ cấp BHXH 1 lần, đồng nghĩa với việc có 296.916 người ra khỏi Quỹ BHXH (không có lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu).
Về nợ đọng BHXH, ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng ban Thu (BHXH VN), cho hay tính đến cuối tháng 5, tổng số nợ là 10.450 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm 2017, tỷ lệ nợ đọng giảm 1%, do năm nay tình hình kinh tế khá hơn, cùng với đó, nhiều biện pháp xử lý nợ BHXH được áp dụng đã khắc phục được việc trốn đóng bảo hiểm.
T.Hằng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.