Nhiều bất bình đẳng từ quản lý theo hộ khẩu

26/10/2017 08:00 GMT+7

Quy định bắt buộc phải có hộ khẩu là 'nỗi ám ảnh' với hàng triệu người dân sinh sống, làm việc ở TP.HCM, bởi nếu không có sẽ bị 'kẹt cứng'rất nhiều quyền lợi liên quan đến việc làm, bảo hiểm y tế...

Cách đây 4 năm, Bích Ngọc, quê Quảng Ngãi, tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng. Do ở miền Trung không kiếm được việc làm nên Ngọc “nam tiến”, vào TP.HCM mong muốn được xin vào dạy ngoại ngữ ở một trường tiểu học. Ước muốn của Ngọc bị thu hẹp khi chỉ có thể xin đi dạy trường ngoài công lập bởi quy định “không có hộ khẩu TP.HCM thì không được tham gia thi tuyển viên chức” đã khép lại ngả vào các trường công. Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hoài Trung, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết bình quân mỗi năm có khoảng 5.000 - 6.000 giáo viên, bác sĩ từ các tỉnh chuyển về các trường học, cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, để chuyển được thì những người đó bắt buộc phải đáp ứng điều kiện về hộ khẩu ở TP.HCM. “Để có hộ khẩu TP.HCM, một trong những yêu cầu cần và đủ là phải có nhà ở. Nhiều người gặp khó khăn trong khâu này vì giá nhà ở TP.HCM không hề rẻ”, ông Trung nói và cho biết để giải tỏa “nút thắt” này, TP.HCM đã bỏ quy định hộ khẩu khi tham gia thi tuyển công chức, viên chức, bắt đầu áp dụng từ ngày 1.11.2017.


PGS-TS Võ Trí Hảo cho biết, qua cuộc khảo sát do Ngân hàng Thế giới và Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN thực hiện tại 5 tỉnh, thành là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương và Đắk Nông cách đây 2 năm, ghi nhận có hàng triệu người không có hộ khẩu thường trú ở nơi cư trú, trong đó tỷ lệ ở TP.HCM theo khảo sát này lên tới 36% dân cư, còn tại Hà Nội là 18%. 70% người dân được khảo sát cho rằng, sổ hộ khẩu làm hạn chế quyền lợi, khiến họ không bình đẳng với người có hộ khẩu thường trú.

Theo ông Đỗ Văn Thuyên, Trưởng phòng Tuyên truyền, Bảo hiểm xã hội TP.HCM, quy định hộ khẩu cũng khiến nhiều công dân không tham gia được bảo hiểm y tế (BHYT). Ông Thuyên cho biết, cư dân “chính quy” sống trên địa bàn TP.HCM khoảng 8,2 triệu người, tuy nhiên chỉ có khoảng 6,6 triệu người thuộc diện được tham gia BHYT. “Khoảng 1,6 triệu người không tham gia BHYT có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân không có hộ khẩu thì không được quyền tham gia. Quy định như vậy gây ra tình trạng bất bình đẳng với rất nhiều người. Nếu bây giờ chúng ta quy định sổ hộ khẩu chỉ để quản lý cư trú, không ràng buộc đó là điều kiện cần và đủ cho những thủ tục khác thì hợp lý hơn”, ông Thuyên nói.
Trong nhiều hội thảo về lập pháp, cải cách thủ tục hành chính, PGS-TS Võ Trí Hảo, Phó trưởng khoa Luật Trường đại học Kinh tế TP.HCM, luôn nhất quán đề xuất “nên bỏ hộ khẩu”. Theo ông Hảo, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã bỏ hộ khẩu, thay vào đó là quy định “sống ở đâu đăng ký ở đó”. “Công dân có quyền tự do cư trú, vì vậy công dân hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn nơi sinh sống. Để thuận tiện cho việc quản lý thì khi đến cư trú tại một địa phương nhất định quá một khoảng thời hạn nhất định (thường khoảng 3 tháng), người dân phải đăng ký với nhà chức trách địa phương. Khi đó cũng không còn phân biệt khái niệm thường trú hay tạm trú nữa. Thay đổi quy định hiện nay để thuận lợi trong việc đăng ký cư trú, không chỉ bảo đảm quyền hiến định của công dân, mà còn góp phần hạn chế hiện tượng người nhập cư sống không đăng ký, giảm bớt khó khăn cho các cơ quan điều tra khi xác định nhân thân của những người vi phạm pháp luật”, ông Hảo phân tích.
“Thực tế, bỏ quy định hộ khẩu không có nghĩa là bỏ quản lý cư trú mà ngược lại phản ánh đúng hơn thực trạng sinh sống ở đâu thì đăng ký ở đó, chứ quy định hộ khẩu dẫn đến phân biệt đối xử giữa người có hộ khẩu và không có hộ khẩu. Điều này cũng dẫn đến một bộ phận không nhỏ cư dân ở các đô thị bị thiệt thòi và gặp nhiều khó khăn”, ông Hảo nói thêm.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.