Nhập nhèm mục đích nuôi thú hoang dã

10/06/2019 07:00 GMT+7

Ngoại trừ Thảo cầm viên, những khu du lịch lớn, không ít cơ sở nuôi hổ, gấu với mục đích nhập nhèm; thậm chí có trường hợp chủ nuôi từng vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự về tội buôn bán động vật hoang dã.

Nuôi thú dữ... theo phong thủy (?!)

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Bình Dương, hiện trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở đang nuôi nhốt thú hoang dã, trong đó có hổ, gồm: Khu du lịch (KDL) Đại Nam (TP.Thủ Dầu Một), Công ty TNHH Bia Thái Bình Dương (TX.Dĩ An) và DNTN Thanh Cảnh (TX.Thuận An) nằm trong KDL sinh thái Thanh Cảnh. Cụ thể, tại DNTN Thanh Cảnh có 3 cá thể hổ (trước đó là 5 nhưng do 2 con đã chết); Công ty TNHH Bia Thái Bình Dương có 14 con hổ, 7 con báo hoa mai; KDL Đại Nam có số lượng lên đến hàng trăm con hổ, báo, sư tử, gấu, voi... Trong 3 khu này chỉ có Đại Nam là phục vụ khách du lịch tham quan, được bố trí chuồng trại kiên cố, biệt lập, cách xa khu dân cư; 2 cơ sở còn lại chuồng trại nuôi nhốt nằm sát với khu dân cư và nhà dân.
[VIDEO] Cận cảnh nơi nuôi con hổ vồ nát 2 tay người đàn ông ở Bình Dương

Có những cơ sở nuôi hổ không rõ mục đích, số lượng cá thể. Trong khi đó, hổ có đặc tính dễ sinh sản như mèo; số lượng hổ con sinh ra bao nhiêu, đã đưa đi đâu thì không ai biết, không quản lý được nhưng vẫn được công nhận là đúng với giấy phép đăng ký

Bà Nguyễn Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên

Sau khi xảy ra vụ việc nhân viên KDL sinh thái Thanh Cảnh (Bình Dương) bị hổ nuôi tấn công, trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên liên quan đến việc quản lý động vật hoang dã tại DNTN Thanh Cảnh và các trang trại trên địa bàn, lãnh đạo Sở NN-PTNT Bình Dương khẳng định việc quản lý được giao cho chi cục kiểm lâm thực hiện và cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi. Giấy chứng nhận có giá trị 1 năm kể từ ngày cấp. Sau đó, chi cục kiểm lâm phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá lại điều kiện an toàn chuồng trại để gia hạn giấy chứng nhận trại nuôi. Thời gian gia hạn cũng có giá trị 1 năm.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Bình Dương, DNTN Thanh Cảnh được cấp giấy chứng nhận lần đầu vào năm 2007. Tuy nhiên, từ năm 2003, doanh nghiệp này đã thực hiện việc nuôi nhốt thú hoang dã dưới hình thức “thí điểm”. Giấy gia hạn gần đây nhất cho DNTN Thanh Cảnh được cấp ngày 30.3.2018, có giá trị đến ngày 30.3.2019, nghĩa là thời điểm xảy ra vụ việc hổ vồ người tại DNTN Thanh Cảnh thì giấy chứng nhận nuôi thú hoang dã ở đây đã hết hạn.
Còn tại TP.HCM, theo ông Lâm Tùng Quế, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, trên địa bàn có 12 con hổ được nuôi nhốt, chủ yếu tại Thảo Cầm Viên (9 con) và công viên nước Củ Chi (3 con). Thảo Cầm Viên cũng đang nuôi nhốt 4 con sư tử. Ngoài ra, có 3 tổ chức và 8 cá nhân đang nuôi tổng cộng 77 con gấu. Tất cả số gấu này đều được chi cục kiểm lâm gắn chíp và lập hồ sơ theo dõi theo quy định. Riêng đối với hổ, sư tử, cơ quan chức năng đang vận động các tổ chức nuôi nhốt gắn chíp để dễ dàng giám sát. Theo ông Quế, việc nuôi hổ, sư tử và gấu chủ yếu phục vụ du lịch trong các công viên; riêng một số cá nhân nuôi gấu có thể lấy mật đem bán.
Tương tự, ông Lê Hữu Lợi, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An, cho biết trên địa bàn tỉnh này hiện có khoảng 30 con gấu và hổ đang được các doanh nghiệp, cá nhân đăng ký nuôi nhốt. Trong đó, khoảng 15 con hổ là của một doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh trên địa bàn H.Đức Hòa, nuôi nhốt với mục đích phục vụ kinh doanh du lịch. Khoảng 15 con gấu phân bổ ở nhiều huyện, người nuôi đăng ký mục đích nuôi để… làm cảnh tại nhà. Ngoài ra, trên địa bàn cũng có nhiều động vật hoang dã khác như trăn, rắn… được nhiều đơn vị nuôi tại cơ sở để phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, hoặc “nuôi theo phong thủy”.
Nhập nhèm mục đích nuôi thú hoang dã1
Một con hổ nuôi nhốt tại Bình Dương

“Nếu nói nuôi phi lợi nhuận thì không hợp lý”

Khó giám sát việc nuôi gấu lấy mật
Có nhiều năm theo dõi về nuôi nhốt gấu tại VN, ông Nguyễn Mạnh Hiệp, cán bộ Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ
NN-PTNT), cho biết cả nước hiện còn 842 con gấu bị nuôi nhốt tại 268 cơ sở (16 tổ chức và 252 hộ gia đình) trên 42 tỉnh. Các cá thể gấu nuôi nhốt này hiện đều được gắn chíp và lập hồ sơ đăng ký để giám sát, theo dõi. Khu vực nuôi nhốt gấu phải đáp ứng đầy đủ quy định pháp luật về đảm bảo an toàn cho người chăm nuôi, cộng đồng dân cư xung quanh. “Người nuôi gấu cũng bị nghiêm cấm có hành vi hút, chích mật gấu nhưng thực tế việc giám sát rất khó khăn, chỉ khi nào bắt gặp được họ có hành vi chích, hút mật thì mới có bằng chứng để xử phạt, tịch thu”, ông Hiệp nói. 
Phan Hậu
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), cho rằng vụ việc vừa xảy ra tại Bình Dương tiếp tục là hồi chuông cảnh báo cơ quan chức năng phải siết chặt quản lý và giám sát việc nuôi nhốt các động vật hoang dã như hổ, gấu.
Cũng theo bà Dung, luật Đa dạng sinh học hiện nay quy định, mọi đơn vị đều có thể đăng ký cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học (sau đây gọi tắt là cơ sở bảo tồn) nếu đáp ứng các tiêu chuẩn, nhưng chưa phân loại cụ thể điều kiện đối với nuôi nhốt trong KDL, nuôi nhốt trong cơ sở tư nhân hay nuôi nhốt ở các trung tâm cứu hộ, dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý. Trên thực tế, ở nhiều địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Dương..., chủ nuôi từng vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự về tội buôn bán động vật hoang dã, cụ thể là hổ, nhưng vẫn được cấp phép nuôi nhốt hổ. “Có những cơ sở nuôi hổ không rõ mục đích, số lượng cá thể. Trong khi đó, hổ có đặc tính dễ sinh sản như mèo; số lượng hổ con sinh ra bao nhiêu, đã đưa đi đâu thì không ai biết, không quản lý được nhưng vẫn được công nhận là đúng với giấy phép đăng ký”, bà Dung nói và nhấn mạnh: “Chi phí nuôi hổ rất tốn kém. Nếu nói nuôi phi lợi nhuận thì không hợp lý”.
Theo bà Dung, qua điều tra của ENV, đến tháng 5.2019, cả nước hiện có 16 cơ sở đăng ký nuôi nhốt hổ với 243 cá thể, nhưng công tác quản lý còn nhiều bất cập. ENV sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện quy định phân loại các giấy phép gắn với từng mục tiêu hoạt động; quy định chặt chẽ về nguyên tắc hoạt động của cơ sở bảo tồn, biện pháp xử lý các cơ sở vi phạm. Trường hợp có vi phạm liên quan tới các loài động vật được nuôi nhốt, cơ sở bảo tồn sẽ bị thu hồi giấy phép, chấm dứt hoạt động và tịch thu toàn bộ động vật có trong cơ sở. Chủ cơ sở, người góp vốn, quản lý, người thân của chủ cơ sở, người quản lý và tất cả người lao động trong cơ sở bảo tồn không được có tiền án, tiền sự liên quan tới tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm... (còn tiếp)
Chủ KDL Thanh Cảnh từng bị phạt tù
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Bình Dương, trang trại nuôi thí điểm động vật hoang dã DNTN Thanh Cảnh và KDL Thanh Cảnh do vợ chồng ông Huỳnh Văn Hai và Huỳnh Thị Mỹ làm chủ. Theo tư liệu mà PV Thanh Niên có được, năm 2000 DNTN Thanh Cảnh mua 2 con hổ (không có nguồn gốc hợp pháp) và gửi nuôi trong một KDL ở TP.HCM. Đến năm 2003, DNTN Thanh Cảnh tiếp tục mua 10 con hổ khác cũng không có nguồn gốc hợp pháp đưa về KDL Thanh Cảnh để nuôi nhốt. Từ năm 2003 - 2006, KDL Thanh Cảnh đã bán 5 con hổ với lý do bị chết cho những người nấu cao. Năm 2006, TAND TX.Thuận An đã tuyên phạt ông Huỳnh Văn Hai 3 năm tù về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm; 14 người khác đã mua và nấu cao hổ cũng bị tuyên mức án từ 18 - 30 tháng tù treo. Đến nay, theo báo cáo của Sở NN-PTNT Bình Dương, trên giấy tờ có 5 con hổ đang được nuôi nhốt ở DNTN Thanh Cảnh nhưng thực tế kiểm tra ngày 4.6 khi xảy ra vụ việc hổ vồ, cắn đứt 2 cánh tay ông Võ Thành Quới, cơ quan chức năng ghi nhận tại đây chỉ nuôi nhốt 3 con hổ. 
Đỗ Trường
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.