Nhận hối lộ tới 3 triệu USD 'xưa nay chưa từng có'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
04/09/2019 07:21 GMT+7

Ông Nguyễn Đức Sáu, Ủy viên UBTP nói, vụ AVG tới nay bị can thừa nhận nhận hối lộ tới 3 triệu USD thì xưa nay chưa từng có.

Những thông tin về việc hai cựu Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã nhận hơn 3 triệu USD từ doanh nghiệp và cấp dưới đã được đưa ra thảo luận tại phiên họp toàn thể ngày 3.9 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội.

Nhận hối lộ bao nhiêu tiền sẽ phải lãnh án tử hình?

Phát hiện tham nhũng chưa nhiều

Trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm năm 2019 tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết từ ngày 1.10.2018 - 31.7.2019, các lực lượng chức năng phát hiện 14.228 vụ về trật tự quản lý kinh tế, 281 vụ về tham nhũng và chức vụ, ít hơn 0,35% so với cùng kỳ năm 2018.
Báo cáo một số ý kiến của nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp (UBTP) Quốc hội về báo cáo nêu trên, Phó chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Pha đánh giá vi phạm pháp luật tội phạm tham nhũng vẫn rất phức tạp, nhất là “tham nhũng vặt” trong các cơ quan, nhân viên nhà nước và tham nhũng trong cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong nhân dân, công luận. Tuy nhiên, việc phát hiện vẫn chưa được nhiều và giảm (0,35%) so với cùng kỳ.
Tham gia ý kiến sau đó, đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), Ủy viên UBTP, cho rằng báo cáo công tác phòng, chống tội phạm của Chính phủ nhập chung các vụ tham nhũng với một loạt tội phạm kinh tế, buôn lậu thì thấy tội phạm tham nhũng rất ít, trong khi tình hình chung theo nhận định của nhiều cơ quan chức năng và cử tri thì tội phạm tham nhũng còn nhiều.
Bên cạnh đó, theo ĐB Nghĩa, một số vụ án “rất to” nhưng khi đưa ra xét xử thì lại không thấy tội danh về tham nhũng. Theo ông Nghĩa, tới nay chỉ có vụ án mà nhân dân đang chờ đợi là vụ MobiFone mua 95% cổ phần Công ty CP nghe nhìn toàn cầu (AVG) thì thấy khởi tố tội nhận hối lộ, còn nhiều vụ nằm trong diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng chỉ đạo nhưng không thấy hành vi tham nhũng. “Kể cả vụ án đường dây đánh bạc ngàn tỉ liên quan tới 2 tướng công an cũng không thấy yếu tố tham nhũng nổi lên. Thực sự là như vậy, hay khó quá không điều tra ra?”, ông Nghĩa nêu.
Phát biểu sau đó, ông Nguyễn Đức Sáu, Ủy viên UBTP, cũng cho rằng như vụ AVG tới nay bị can thừa nhận nhận hối lộ tới 3 triệu USD thì xưa nay chưa từng có. Trong khi đó, ĐB Hoàng Văn Hùng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp liên quan tới “tham nhũng vặt” vì đây là vấn đề cử tri, người dân phản ánh rất nhiều.

Công khai địa phương không thi hành án hành chính

Tại phiên họp, trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2019, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, cho hay tới 31.7, TAND các cấp đã chuyển giao cho các cơ quan thi hành án dân sự 2.057 bản án hành chính để theo dõi. Tới nay, các cơ quan hành chính đã thi hành xong 215 vụ, đang tiếp tục thi hành 336 vụ. Riêng đối với 50 vụ việc người phải thi hành án là chủ tịch UBND, UBND các cấp đã thi hành xong 32 bản án, quyết định. Bà Oanh cũng cho biết 90% các bản án hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai nên rất phức tạp, cần thời gian rà soát.
Đánh giá về lĩnh vực này, đại diện nhóm nghiên cứu của UBTP, Phó chủ nhiệm UBTP Nguyễn Công Hồng cho rằng Chính phủ đã có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, vi phạm trong giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông Hồng đánh giá tỷ lệ thi hành án hành chính từ ngày 1.10.2018 - 31.7.2019 đạt thấp (chỉ 39%), số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong tăng gấp hơn 2 lần hơn so với cùng kỳ năm 2018. “Đề nghị Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân, nhất là về nguyên nhân chủ quan và có giải pháp quyết liệt”, ông Hồng nói.
Nêu ý kiến về nội dung này, ông Hoàng Văn Hùng cũng bày tỏ rằng ông rất buồn khi chỉ 39% bản án hành chính được thi hành trong khi đáng ra tỷ lệ phải là 100%. “Vậy trách nhiệm người đứng đầu ở đâu? Những bản án có hiệu lực pháp luật là thi hành ngay, bất kể công dân nào nhưng đây là cơ quan công quyền mà để tình trạng này là không ổn”, ông Hùng nói và đề nghị Chính phủ cần phải công khai những tỉnh nào không thi hành các bản án hành chính. Theo Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga, năm ngoái, UBTP cũng đề nghị công khai số liệu thì chắc chắn tỷ lệ thi hành án hành chính năm sau sẽ cao hơn hẳn.

Nhiều vụ án giết người với hành vi dã man, tàn bạo

Báo cáo của nhóm nghiên cứu của UBTP cũng đánh giá mặc dù về tổng thể, tình hình tội phạm năm 2019 giảm, tuy nhiên vẫn xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi dã man, tàn bạo (giết nhiều người, giết người vứt xác, chặt xác, đốt xác, giết người dấu xác trong thùng bê tông...); đặc biệt, có nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích do đối tượng bị ảo giác vì sử dụng ma túy tổng hợp gây ra, gây lo lắng trong nhân dân. Bên cạnh đó, số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý nhiều hơn so với cùng kỳ, nhưng tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra ở nhiều nơi, nhất là tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tiếp tục gia tăng, gây bức xúc trong xã hội. Đáng lưu ý là đối tượng xâm hại phần lớn là người quen, thậm chí là ruột thịt của nạn nhân. Điều này cho thấy đạo đức xã hội, đạo đức gia đình xuống cấp một cách đáng báo động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.