Trong vấn đề kiểm soát quyền lực, chúng ta hay nói nhiều về
quyền lực chính trị nhưng còn quyền lực về kinh tế thì chưa thấy ai đặt ra vấn đề kiểm soát, dù đôi khi quyền lực về kinh tế đang chi phối nhiều đến việc thực thi các quyền lực chính trị. Bên cạnh đó, thể chế chính trị của chúng ta đang sinh ra loại DN mà nhiều người đã định danh là “chủ nghĩa tư bản thân hữu” và việc kiểm soát loại DN này cực kỳ khó khăn. Câu hỏi không chỉ nhiều người VN mà cả
thế giới cũng đặt ra là vì sao hầu hết DN của VN mạnh nhất hiện nay đều có xuất phát từ đất đai. Đó là vấn đề mà chúng ta cần phải nghiên cứu nhiều thêm nữa thì mới có thể có câu trả lời.
Trong các quy định của pháp luật, tôi cho rằng, vẫn còn một lỗ hổng lớn đó chính là câu chuyện nhà nước đứng ra thu hồi đất sau đó giao cho DN làm dự án rồi bán với giá rất đắt. Chính báo cáo của Ủy ban Tư pháp QH gửi tới QH về công tác phòng chống tham nhũng năm 2018 đã khẳng định là ở đâu nhà nước mua rẻ, bán đắt thì ở đó tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng. Cốt lõi của vấn đề là ở chỗ khi địa phương đứng ra thu hồi đất giao cho DN nói là dự án
phát triển kinh tế xã hội, chỉnh trang đô thị..., nhưng bản chất của nó là dự án
kinh doanh bất động sản. Chính chỗ này mới sinh ra tình trạng DN giàu, quan chức mạnh còn địa phương thì ngày càng nghèo đi. Vì vậy, tôi cho rằng, trong dự án luật Đất đai sửa đổi sắp tới cần phải bịt được “lỗ hổng” này, xác định cho đất thế nào là thu hồi, thế nào là đất mà DN phải thỏa thuận với người dân theo giá thị trường.
ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình)
Lê Hiệp (ghi)