Nhà xưởng trong khu dân cư: Hiểm họa cháy nổ

13/04/2019 07:05 GMT+7

Vụ cháy nghiêm trọng ở 4 nhà xưởng làm 8 người chết tại Hà Nội rạng sáng 12.4 một lần nữa cảnh báo các nhà xưởng thiếu an toàn về PCCC vẫn được hoạt động trong khu dân cư đô thị, dẫn đến tai họa với bao cái chết thương tâm.

Các vụ cháy nhà xưởng như thế này không xa lạ với Hà Nội. Năm 2017 đã từng xảy ra vụ cháy nghiêm trọng tại xưởng sản xuất bánh kẹo ở xã Đức Thượng (H.Hoài Đức) khiến 8 người tử vong, 2 người bị bỏng nặng.

"Nên đưa kho xưởng nằm tách biệt khu dân cư"



Tôi mong muốn các ban ngành chức năng quản lý chặt hơn nữa, nên đưa kho xưởng nằm tách biệt khu dân cư

Anh Nguyễn Văn Chương (34 tuổi, trú P.Cầu Diễn)

Trong ngày 12.4, PV Thanh Niên khảo sát một số khu vực quận mới, khu vực giáp ranh của Hà Nội. Ở thôn Triều Khúc (xã Tân Triều, H.Thanh Trì) có rất nhiều nhà xưởng nằm giữa khu dân cư khiến người dân lo ngại. Nhớ lại vụ hỏa hoạn thiêu rụi 6 nhà xưởng hồi tháng 3.2018, ông Nguyễn Văn Tám, chủ hộ kinh doanh nhựa tái chế khu đường mới Tân Triều, còn lo sợ. Theo ông, các nhà xưởng ở đây nằm sâu trong các con ngõ, phần lớn đều cho công nhân ở ngay trong xưởng để tiết kiệm chi phí. Ngoài nguy cơ chập điện từ trong nhà xưởng thì việc công nhân ở tại chỗ cũng là nguy cơ xảy ra hỏa hoạn khi bất cẩn, sơ ý trong nấu nướng, sinh hoạt.
Ông Nguyễn Huy Thắng, trưởng thôn Triều Khúc, cũng bày tỏ nỗi lo hỏa hoạn từ nhà xưởng. Thực tế những năm gần đây, trong thôn cũng đã xảy ra một số vụ cháy nhà xưởng tái chế phế liệu. Với dân số lên tới trên 30.000 người, kể cả học sinh, sinh viên đến thuê trọ; trong khi ngõ phố quanh co, chật chội đầy rẫy những xưởng sản xuất dây thun, nhựa tái chế, chỉ khâu, chỉ cuộn, vật liệu may mặc… toàn vật liệu dễ cháy, chỉ cần một sự cố nhỏ là hậu quả rất khó lường.
“Đường nhỏ, ngõ sâu, nếu xảy ra cháy thì xe chữa cháy chuyên dụng khó có thể tiếp cận. Khi vận động, chúng tôi nói thẳng với chủ xưởng, nếu có hỏa hoạn, thay vì chờ bên ngoài, tự mình phải cứu mình trước”, ông Thắng bày tỏ.
Dọc tuyến đường K2, Phúc Diễn thuộc P.Cầu Diễn (Q.Nam Từ Liêm), nơi có rất nhiều kho, xưởng sản xuất hàng điện tử, sơn, giấy, chế biến gỗ...; người dân không khỏi hoang mang sau vụ cháy kho xưởng mới xảy ra ở P.Trung Văn sáng 12.4 khiến 8 người tử vong.
Các nhà xưởng và cơ sở sản xuất kinh doanh nằm lẫn trong khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao Ảnh: Phạm Hùng - Công Nguyên
Anh Nguyễn Văn Chương (34 tuổi, trú P.Cầu Diễn) chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại vụ cháy xưởng gỗ tại đây khoảng 2 năm và cho rằng, khu dân cư nằm xen giữa 2 bên là kho xưởng khiến nhiều người tại đây luôn sống trong tình trạng bất an, lo lắng. “Tôi mong muốn các ban ngành chức năng quản lý chặt hơn nữa, nên đưa kho xưởng nằm tách biệt khu dân cư”, anh Chương nói.
Theo ông Hồ Trọng Thắng, Chủ tịch UBND P.Cầu Diễn, trên địa bàn có khoảng hơn 200 nhà kho, xưởng sản xuất đan xen với khu dân cư, nỗi lo cháy. Việc quản lý đất kho xưởng được chính quyền phường cho là gặp nhiều khó khăn, bởi hầu hết là đất của các cơ quan doanh nghiệp, các dự án chưa sử dụng đến cho thuê, chứ không phải đất của phường quản lý.

300.000 nhà ở kết hợp SXKD ở TP.HCM

Trưa 12.4, có mặt tại khu vực đường Nguyễn Duy, Ba Đình (P.10, Q.8, TP.HCM), chúng tôi ghi nhận nhiều cơ sở làm vàng mã gia công ngay trong ngôi nhà chật hẹp. Trời oi bức, vàng mã chất thành đống, nhìn thôi cũng muốn ngợp thở. Trên đường Trang Tử (Q.5), nhiều cơ sở kinh doanh bao bì hàng hóa nhưng diện tích quá nhỏ. Tại khu vực chợ vải Soái Kình Lâm trên đường Trần Hưng Đạo (P.14, Q.5), nhiều cửa hàng chất kín vải từ trong ra ngoài. Trưa nắng, một phụ nữ thản nhiên đốt giấy rồi huơ huơ như đang "đốt phong long". Đường Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Trãi (Q.5) cũng là khu vực có nguy cơ xảy ra hỏa hoạn rất cao. Ngoài kinh doanh các mặt hàng dễ cháy như: quần áo; lồng đèn giấy; vàng mã... thì nhà cửa rất chật hẹp.
Thực trạng nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh (SXKD) tại TP.HCM có nguy cơ dẫn đến cháy nổ gây thiệt hại về người, tài sản. Trên thực tế tại TP.HCM đã xảy ra nhiều vụ cháy nhà ở, kết hợp với SXKD, gây thiệt hại nhiều nhân mạng.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC TP.HCM, trên địa bàn có khoảng 300.000 hộ gia đình kết hợp với SXKD. Các nhà này chủ yếu ở nội đô, xung quanh các chợ, các tuyến phố kinh doanh mua bán các loại hàng hóa dễ cháy như: quần áo, giày dép, vải, vàng mã, hóa chất, thu mua phế liệu... Những căn nhà này không đảm bảo an toàn về PCCC. Nhà có diện tích nhỏ từ 20 - 100 m2, thường tận dụng mặt bằng tầng trệt làm khu vực SXKD, phần còn lại làm khu sinh hoạt của gia đình. Bên cạnh đó những căn nhà ở kết hợp sản xuất đều không bảo đảm an toàn PCCC như: nhà ống xây dựng liền kề, không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp ngăn cháy... Các chủ hộ thiếu ý thức trong công tác PCCC. Chính vì những điều trên, nhiều căn nhà ở kết hợp SXKD luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.
 

Trách nhiệm, giải pháp

Trước thực trạng đáng báo động về nguy cơ cháy nổ trong các căn nhà ở kết hợp SXKD, Cảnh sát PCCC TP.HCM có một số kiến nghị: Khẩn trương tiến hành các công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình toàn bộ công tác an toàn PCCC đối với hộ gia đình và căn hộ kết hợp SXKD trên địa bàn; xác định trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về PCCC...
Theo Cảnh sát PCCC TP, trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC đối với nhà ở hộ gia đình kết hợp SXKD đã được quy định cụ thể, rõ ràng tại luật PCCC, Nghị định 79/2014 là trách nhiệm của UBND các cấp. Tuy nhiên trong thực tế việc quản ý nhà nước về PCCC và hướng dẫn, kiểm tra an toàn về PCCC đối với nhà ở kết hợp SXKD của UBND các cấp trên địa bàn TP còn buông lỏng. Chính quyền địa phương ở một số nơi chưa thực sự thực hiện trách nhiệm của mình đối với các đối tượng này; chưa có các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn PCCC, cũng như các chế tài xử lý, các giải pháp khắc phục cụ thể, nên việc thực hiện còn gặp rất nhiều lúng túng, không đồng bộ, không hiệu quả. Đây chính là tồn tại, bất cập lớn nhất, là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến các vụ cháy, nổ xảy ra nhiều ở hộ gia đình kết hợp với SXKD trên địa bàn TP và cả nước.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.