Nhà trọ 0 đồng giúp dân mùa dịch

18/08/2021 04:49 GMT+7

Nhiều chủ nhà trọ tại TP.HCM chung tay hỗ trợ miễn, giảm tiền thuê phòng trọ. Chính quyền cũng vào cuộc để các chủ nhà trọ giúp người dân các tỉnh đang ở trọ vượt qua khó khăn vì dịch Covid-19 .

Thấy thương người nghèo ở trọ

Đã 3 tháng nay, vợ chồng anh Nguyễn Trung Kiên (42 tuổi, quê Cần Thơ) thuê trọ tại số 9/22A đường 898, P.Phú Hữu, TP.Thủ Đức, không thể đi phụ hồ, vì giãn cách xã hội. Trong căn gác trọ chừng 30 m2 của vợ chồng anh Kiên, mấy túi đồ nghề phụ hồ để gọn một góc bám đầy bụi... Mất việc, vợ chồng anh ngưng gửi tiền về quê lo cho con, thiếu thốn tiền nong, thực phẩm... nơi đất khách khiến vợ chồng anh Kiên lo lắng.
Anh Kiên lên TP.HCM từ hồi mới 13 tuổi, đến nay gần 30 năm. Từng lăn lộn đủ nghề để kiếm sống, nhưng chưa bao giờ anh thấy cuộc sống chật vật như lúc này. “Mình có sức khỏe, lại chịu khó mà “đứng hình” vì mấy con cô vít (Covid-19 - PV) hoành hành mấy tháng nay. Cũng may cô chủ nhà trọ thương tụi tôi nên miễn giảm tiền trọ, chứ nếu không thì vợ chồng tôi cũng không biết thế nào”, anh Kiên chia sẻ và nói thêm: “Chủ trọ, hàng xóm cũng hay cho đồ ăn. Ở đây có 10 phòng trọ thì có 3 gia đình được nhận trợ cấp thất nghiệp rồi. Chủ nhà trọ nói đăng ký tạm trú cho tôi trên phường rồi, chỉ cần cho lại thông tin cá nhân để nhận tiền mà tháng rưỡi nay phường thông báo là tiền chưa về”.

Chạy quanh thành phố giao thuốc đến tận nhà cho bệnh nhân Covid-19 có HIV

Gia đình ông Lê Minh Triều (51 tuổi, quê Trà Vinh) cùng làm nghề phụ hồ, thuê trọ số 9/13A đường 898, P.Phú Hữu, chôn chân ở nhà hơn 2 tháng nay vì dịch. Lúc chúng tôi đến (ngày 17.8), bà Lê Thị Yến (51 tuổi, vợ ông Triều) đang trong bếp chiên lại tô cơm nguội vừa phơi nắng để ăn dần. Bà Yến nói: “Đây là cơm nguội phơi khô, đem chiên lại ngào với đường. Món này ngon lắm, để dành ăn. Tui chưa nhận được tiền hỗ trợ thất nghiệp. Tui mừng muốn khóc khi nghe chủ trọ thông báo giảm 100% tiền phòng”.
Mình chung tay với tất cả mọi người ở trọ nơi đây để họ giảm bớt lo lắng. Tiền trọ là 1,8 triệu đồng/tháng và tôi đã giảm 100% trong 2 tháng. Tôi sẽ giảm đến khi nào mọi người đi làm có thu nhập lại
Bà Phạm Thị Thủy Tiên
(chủ khu nhà trọ tại KP.5, P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức)
Hiểu được khó khăn của người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bà Trần Thị Thu Dung (55 tuổi, chủ nhà trọ) đã giảm 100% tiền nhà cho 13 phòng trọ (cho thuê 2 triệu đồng/phòng) ở địa chỉ 9/13A đường 898, P.Phú Hữu (nơi ông Triều thuê). Chia sẻ với chúng tôi, bà Dung nói: “Việc giảm tiền trọ vì tôi thấy thương NLĐ khó khăn nên hỗ trợ, chứ họ khổ mà đâu có dám xin khất tiền nhà trọ”.
Tương tự, chủ nhà trọ 9/22A (nơi anh Kiên thuê) có 10 phòng trọ, giá cho thuê bình quân 1,8 triệu đồng/phòng, nay cũng giảm 100%. Chủ nhà trọ này (xin không nêu tên) cho biết: “Việc giảm tiền phòng trọ xuất phát từ chủ ý cá nhân, việc này đóng góp rất nhỏ trong những gì cả xã hội đang tất bật lo toan”.
Trao đổi với Thanh Niên ngày 17.8, ông Nguyễn Đình Trí, Chủ tịch UBND P.Phú Hữu, cho biết địa phương đã triển khai gói hỗ trợ NLĐ thất nghiệp do Covid-19, phường đã gửi số tiền trợ cấp đợt 1 cho người dân. Hiện nay, một số người dân vẫn chưa nhận được tiền trợ cấp là do nằm trong danh sách bổ sung đang trình UBND TP.HCM xem xét, gửi tiền xuống thì địa phương mới triển khai đến người dân.

Miễn phí thuê, còn tặng thêm tiền

Sáng 17.8, Ủy ban MTTQ TP.Thủ Đức đến thăm hỏi, động viên những trường hợp mắc kẹt lại TP.HCM trong đợt dịch Covid-19 cũng như các dãy nhà trọ thực hiện theo mô hình “nhà trọ 0 đồng”.
Đến khu nhà trọ trên đường số 6 (P.Long Bình, TP.Thủ Đức), chúng tôi gặp ông Đỗ Viết Xâu (55 tuổi, quê Bình Thuận) đang sắp xếp đồ đạc và chuẩn bị nấu ăn. Do vừa chuyển vào khu trọ nên mọi thứ còn mới, ông cùng 2 “bạn cùng phòng” tranh thủ sắp xếp mọi thứ cho ngăn nắp, ráng cầm cự đến khi hết giãn cách.
Bà Phạm Thị Thủy Tiên (chủ trọ tại P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức) đến thông báo giảm 100% tiền trọ cho người thuê ẢNH: TRẦN TIẾN

Bà Phạm Thị Thủy Tiên (chủ trọ tại P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức) đến thông báo giảm 100% tiền trọ cho người thuê

ẢNH: TRẦN TIẾN

Ông Xâu cho biết mình làm bảo vệ tại một công trường ở Q.3 từ trước dịch, sau khi dịch bùng phát, công ty “xù” lương khiến ông điêu đứng chẳng biết bám víu vào đâu. Tiền trong túi vơi vì cầm cự tại TP.HCM đã hơn 2 tháng nên ông quyết định khăn gói về quê.
Ông về quê với ý định đi bộ từ TP.HCM về Bình Thuận với chiếc ba lô đựng vài bộ quần áo, trong túi còn chỉ 600.000 đồng. Từ Q.3 đến khu du lịch Suối Tiên (TP.Thủ Đức) mất gần nửa ngày đi đường, ông Xâu cũng như hàng trăm người dân khác được chính quyền vận động quay về nơi ở để đảm bảo phòng chống dịch và được hứa sẽ có hỗ trợ về nơi ăn chốn ở những ngày tới.
Ông Xâu nói: “Sau đó P.Long Bình hỗ trợ cho tôi cùng 2 người khác ở phòng trọ này vì chúng tôi chẳng có chỗ ở nữa. Họ miễn phí tất cả, từ cái ăn, chỗ ở và cả nồi cơm điện, quạt. Tôi mừng vì được nhận hỗ trợ nhưng cũng mong TP giúp để được về quê”.
Tương tự, anh Nguyễn Đình Hợi (26 tuổi, quê Thanh Hóa) kể lại thời gian chật vật khi thất nghiệp suốt 2 tháng tại tỉnh An Giang và quyết định chạy xe máy về Thanh Hóa khi trong túi chỉ còn vài trăm nghìn đồng đổ xăng. Anh Hợi khi đến khu du lịch Suối Tiên, được cán bộ P.Long Bình hỗ trợ nơi ăn chỗ ở cho đến khi có kế hoạch mới.
Ngoài công tác chăm lo đời sống của những NLĐ bị kẹt tại TP.HCM, Ủy ban MTTQ TP.Thủ Đức còn mở rộng mô hình “nhà trọ 0 đồng” nhằm san sẻ gánh nặng đối với NLĐ, sinh viên.
Điển hình như nhà trọ của bà Phạm Thị Thủy Tiên tại KP.5, P.Hiệp Bình Phước (TP.Thủ Đức) khi suốt nhiều tháng có dịch, bà đã giảm và miễn phí hẳn tiền trọ cho người thuê.
Anh Nguyễn Đình Hợi (quê Thanh Hóa) được hỗ trợ chỗ ở và thức ăn khi bị kẹt tại TP.HCM

Anh Nguyễn Đình Hợi (quê Thanh Hóa) được hỗ trợ chỗ ở và thức ăn khi bị kẹt tại TP.HCM

Trưa 17.8, bà Tiên đến thăm hỏi, thông báo việc tiếp tục miễn phí tiền trọ cho 21 phòng trọ. Mọi người trong khu trọ mừng rỡ vì được giảm gánh nặng tiền thuê. Anh Lê Long Hồ (quê An Giang, người thuê trọ), đã thất nghiệp từ nhiều tháng nay, cho biết: “Cũng may ở đây có chủ trọ tốt nên mình bớt lo lắng nhiều thứ. Gạo hay bất cứ đồ ăn gì thì chị ấy vận động nhà hảo tâm tới ủng hộ nên chẳng thiếu thốn gì, mình cũng an tâm ở trong phòng trọ cho an toàn đến khi hết dịch”.
Mọi người trong dãy trọ của bà Tiên cũng cho biết không chỉ miễn tiền cho thuê mà tháng 7 vừa qua chủ nhà trọ còn hỗ trợ 1,5 triệu đồng/phòng. Trao đổi với chúng tôi, bà Tiên nói: “Mình chung tay với tất cả mọi người ở trọ nơi đây để họ giảm bớt lo lắng. Tiền trọ là 1,8 triệu đồng/tháng và tôi đã giảm 100% trong 2 tháng nên chỉ mong mọi người sống yên ổn. Tôi sẽ giảm đến khi nào mọi người đi làm có thu nhập lại”.
Trước đó, Ủy ban MTTQ TP.Thủ Đức cho biết TP đang thực hiện gói an sinh thứ 2 với hơn 34.000 phần, trong đó gồm 1,2 triệu đồng tiền mặt và 300.000 đồng tiền nhu yếu phẩm. TP.Thủ Đức cũng đang triển khai mô hình “nhà trọ 0 đồng”, chính quyền phối hợp cùng các chủ nhà trọ miễn, giảm tiền trọ cho người thuê với hơn 59.000 phòng, số tiền miễn, giảm hơn 43 tỉ đồng.

Covid-19 sáng 18.8: Cả nước 293.301 ca nhiễm, 111.308 ca khỏi | TP.HCM kiến nghị hỗ trợ khẩn cấp 28.000 tỉ đồng

Chủ trọ cũng khó khăn

Gia đình chị L.T.H (quê Quảng Ngãi) 4 người thuê trọ tại đường Liên khu 5-6 (P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân) hơn chục năm nay. Chồng chị H. chạy xe ba gác máy thuê, chị mua ve chai dạo. Cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng đủ để gia đình trang trải, nuôi con ăn học.

TP.HCM kiến nghị hỗ trợ khẩn cấp cho hơn 4,7 triệu người lao động nghèo

Chiều 17.8, UBND TP.HCM gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ khẩn cấp cho hơn 4,7 triệu NLĐ nghèo với tổng kinh phí 27.967 tỉ đồng và 142.200 tấn gạo để hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê phòng trọ, lương thực cho NLĐ nghèo. UBND TP.HCM cho biết việc hỗ trợ kịp thời giúp người dân, NLĐ nghèo yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định về phòng chống dịch cũng như tránh tình trạng rời khỏi TP.
Về mức hỗ trợ cụ thể, mỗi người dân được 50.000 đồng tiền ăn/ngày, 15 kg gạo/tháng và 1,5 triệu đồng/hộ/tháng tiền thuê phòng trọ. Thời gian nhận hỗ trợ bao gồm 98 ngày tiền ăn, 2 tháng tiền nhà trọ và 2 tháng lương thực.
Sỹ Đông
Gần đây, chị H. sinh con thứ hai, ở nhà chăm con nhỏ. Dịch bệnh ập đến, chồng chị không thể chạy xe ba gác thuê, cuộc sống gia đình túng thiếu. “Mình chỉ dám ăn gói ghém, mong hết dịch đi làm lại. Lương thực vừa hết, nghe giãn cách thêm 1 tháng nữa cũng không biết sống như thế nào”, chị H. lo lắng.
Theo chị H., dù chủ nhà trọ đã giảm 30% tiền phòng (1,2 triệu đồng/phòng) nhưng hiện tại không thể đi làm, thu nhập khác cũng không có nên cuộc sống của gia đình giờ chỉ trông chờ vào các nhà hảo tâm.
Có 37 phòng trọ (từ 1 - 1,2 triệu đồng/phòng) với 130 người ở trọ, chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, chủ trọ trên đường Liên khu 5-6 (Q.Bình Tân) cho biết cũng đã giảm 30% tiền cho thuê từ tháng 7 và 8, và sẽ cố gắng duy trì giảm đến hết dịch.

Hàng ngàn phòng trọ 0 đồng suốt thời gian giãn cách

Ngày 17.8, bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn lao động Bình Dương, cho biết theo thống kê trên địa bàn tỉnh có 508.247 phòng trọ, trong đó có hàng ngàn phòng được chủ nhà trọ thông báo miễn phí 100% cho người ở trọ suốt thời gian giãn cách xã hội. Số còn lại, hầu hết các chủ nhà trọ đều giảm từ 50 - 70% tiền thuê phòng cho người ở trọ. Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Dương cũng quyết định hỗ trợ tiền nhà trọ cho công nhân ở trọ với mức 300.000 đồng/phòng.
Còn tại Đồng Nai, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên đã ký văn bản gửi đến lãnh đạo 30 phường, xã trên địa bàn yêu cầu làm việc, vận động các chủ trọ giảm tiền trọ cho người thuê có hoàn cảnh khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hưởng ứng lời kêu gọi, nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn đã miễn, giảm tiền phòng, bên cạnh đó còn hỗ trợ thêm tiền, thực phẩm. Bà Hoàng Thị Xuân (chủ một dãy trọ 22 phòng ở P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cho biết, dù vẫn còn nợ ngân hàng, nhưng thấy người ở trọ quá khó khăn nên 2 tháng liền vừa qua đã giảm 50% tiền trọ và mua nhu yếu phẩm mang tặng người ở trọ.
Đỗ Trường - Lê Lâm
Tuy nhiên chị Xuân cũng phải tính toán, cân nhắc chi tiêu của gia đình. Theo chị Xuân, để có được số phòng trọ nói trên, chị phải vay ngân hàng. Dịch bệnh, số phòng thuê cũng bị trả lại nhiều nên thu nhập của chị cũng giảm đi. “Dịch bệnh, mọi người ai cũng khó khăn. Giúp người thuê trọ cũng là giúp mình”, chị Xuân chia sẻ.
Đồng cảm với khó khăn của người dân, ông Đặng Ngọc Liên (48 tuổi), chủ một dãy nhà trọ tại hẻm 330 QL1 (P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân), cho biết ông và nhiều chủ nhà trọ tại đây đã chủ động giảm tiền trọ (20%) trước khi có sự vận động từ chính quyền địa phương. “Không phải chủ trọ nào cũng có điều kiện, dịch ai cũng khó khăn, riêng tôi giúp được ai thì giúp thôi,” ông Liên chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.