>> MAI THANH HẢI

Thiếu úy Nguyễn Long Phi cao 1,75 m, nặng 72 kg, nhưng tính vẫn… trẻ con. Phi kể, trong trường, khi đã hoàn tất huấn luyện trên máy bay Yak-52, chuẩn bị tham gia tuyển chọn vào chuyên ngành phi công, cậu chỉ sợ không đủ tiêu chuẩn sức khỏe vào phản lực nên ròng rã mấy tháng trời luyện tập, chiều nào cũng xỏ giày chạy bộ dọc đường băng sân bay. Chuyến đầu tiên được bay với thầy giáo là phi đội phó đúng hôm mây mù, nhiều gió. Thầy giáo yêu cầu bay bằng nhưng gió to làm máy bay chao đảo, Phi phải gồng người giữ cần lái, mồ hôi ướt đẫm đồ bay. Khi hạ cánh, phải lựa chiều gió hạ máy bay xuống cuối đường băng. Thầy hỏi: “Sợ không?”. Phi thú thực: “Khi chao đảo cũng thấy nhột nhột” và mạnh dạn: “Nhưng phấn khích và tự hào vì chính thức được lái máy bay. Xin thầy cho bay lần nữa”.

Thiếu úy phi công Nguyễn Long Phi chuẩn bị thực hiện ban bay huấn luyện

Tôi tò mò: “Hồi ấy bố đã là đại tá, trung đoàn trưởng 937 có được ưu ái chút nào không?”. Phi lắc đầu: “Chỉ các bác trong ban giám hiệu biết. Bố và tụi em không nói, nên có khi bố công tác qua tranh thủ ghé thăm, các anh chỉ huy trung - đại đội còn từ chối không cho gặp” và cười: “Tụi em khi học năm thứ 4 về Trung đoàn bay 910 (thuộc Trường Sĩ quan không quân) mới biết trung đoàn trưởng như bố là rất to và oai”.

Giữa năm 2018 về Trung đoàn 935 bay chuyển loại tiêm kích Su-30MK2, thiếu úy Phi được phi công đầu tiên kèm cặp là trung tá Nguyễn Đình Thi, Chủ nhiệm chính trị trung đoàn. Tiếp đó, các phi công kỳ cựu của 935 thay nhau hướng dẫn, bay kèm cậu thiếu úy, nên qua 3 tháng, thiếu úy Phi cũng đã tích lũy gần 10 giờ bay.

Ba bố con phi công Nguyễn Ngọc Hiển trên sân bay Biên Hòa

Mỗi tuần chỉ vài giờ bay trên trời, nhưng việc chuẩn bị, rèn luyện, rút kinh nghiệm lên đến cả trăm giờ, ngoài ra là các hoạt động huấn luyện, nâng cao và học tập… nên các phi công quân sự chỉ được nghỉ ngơi từ trưa thứ bảy đến chiều chủ nhật. Thường thì thiếu úy Phi và các phi công trẻ khác háo hức nhất tối thứ bảy, các cậu mặc quần áo dân sự sành điệu như bao bạn cùng trang lứa, chở nhau trên xe máy ra ngoài chơi.

“Ngoài được bay và bay tốt, còn thích gì nữa?”. Nghe tôi hỏi vậy, Phi cười lỏn lẻn: “Ước được đi du lịch mọi miền Tổ quốc. Từ bé đến giờ em chỉ biết đền Hùng khi về quê nội và biển Ninh Chữ hồi ở đơn vị bố, nên xem phim thấy cột cờ Lũng Cú, lúa vàng Mù Căng Chải, cát trắng Phú Quốc… mê lắm. 4 năm ở Nha Trang, cũng chỉ thấy Vinpearl từ trên máy bay huấn luyện”. “Nhiệm vụ của mình là canh giữ cho mọi người yên ấm hạnh phúc, nên xem qua phim ảnh, sách báo cũng được, anh nhỉ”, Phi lại cười, hàm răng trắng bóc, mắt sáng trong trẻo, như một cậu bé chứ không phải một sĩ quan, đảng viên.

Trung úy Nguyễn Phi Long bật mí: “Em cao 1,74 m, Phi hơn 1 cm, phân biệt thế là dễ nhất” và nhớ lại: Hồi học tiểu học, nghỉ hè ra sân bay Phan Rang ở với bố, mỗi sáng bố đi bay đều chạy theo ngắm máy bay phản lực to lớn, tua tủa tên lửa, gầm gào tiếng động cơ và dần ý thức “phi công lái máy bay phản lực giỏi nhất, đàn ông nhất”.

Trung úy phi công Nguyễn Phi Long (khoang trước) điều khiển máy bay Su-30MK2 hạ cánh dưới sự kèm cặp của thượng tá, phi công Đỗ Mạnh Hùng, phó trung đoàn trưởng 935 (khoang sau)

Năm học 2011 - 2012, hai anh em trúng tuyển sĩ quan không quân. Nhập học, cùng ở tiểu đoàn học viên nhưng khác trung đội và nhà ở. Sinh trước em chỉ ít phút nhưng Long luôn ý thức vai trò người anh, hằng ngày đều tìm gặp em hỏi han chỉ bảo. Năm học thứ 4, Nguyễn Phi Long ra Tuy Hòa (Phú Yên) bay huấn luyện tại trung đoàn 910, Nguyễn Long Phi ở lại tiểu đoàn học viên, cứ vài ngày anh lại gọi điện động viên em học tập. Trở lại trường, việc đầu tiên là chạy bộ sang em.

Cuối năm 2015, Nguyễn Phi Long ra trường, nhận nhiệm vụ tại Sư đoàn không quân 370. Tháng 4.2017, ra Hà Nội học tiếng Nga chuyên ngành và từ tháng 2.2018 về lại Trung đoàn không quân 935 chuyển loại lái tiêm kích Su-30MK2. Đến thời điểm này, trung úy Nguyễn Phi Long đã có gần 300 giờ bay trên các loại máy bay Yak-52, L-39, Su-30MK2 và đảm nhận nhiệm vụ trực chiến đấu trên máy bay Su-30MK2.

“Rất vất vả áp lực và có thể hy sinh, nhưng em được thỏa ước mơ làm chủ bầu trời. Trước mỗi ban bay, được mặc đồ kháng áp, đội mũ bay, đeo vòi thở và ngồi trong buồng lái của chiếc máy bay hàng triệu đô la, thấy mình được trao gửi quá nhiều, nên phải làm tròn nhiệm vụ của phi công quân sự”, Nguyễn Phi Long thành thực.

Mấy năm con học, đại tá Nguyễn Ngọc Hiển cho tiền tiêu vặt nhưng đều bị từ chối: “Có vất vả mới là bộ đội”. Anh trai Nguyễn Phi Long điềm đạm già dặn hơn Nguyễn Long Phi xởi lởi trẻ con, thi thoảng mách bố: “Nó không ngoan, con uýnh” khiến đại tá Hiển giãy nảy: “Ở nhà khác. Giờ 2 đứa là đồng chí, đồng đội đấy”.

Xét nét vậy nhưng anh Long chăm em Phi lắm. Thiếu tá Lại Thanh Phương, chính trị viên phi đội 2 (Trung đoàn 935) kể: Anh Long ở phi đội 1 nhà gần bên nhưng cứ cuối ngày là chạy sang kiểm tra em ăn ở, sinh hoạt. Gặp nói chuyện, quanh đi quẩn lại vẫn là: “Em cháu bay ra sao? Học hành tu dưỡng tốt không? Nó còn bé, các chú giúp đỡ”…

Khi về Trung đoàn 935 làm phi công Su-30MK2, trung úy Nguyễn Phi Long chỉ xin chiếc xe Future cũ của bố làm phương tiện đi lại. Thiếu úy Nguyễn Long Phi chuyển công tác về sau, được mua chiếc xe gắn máy mới. Một hôm, đại tá Hiển thấy anh Long đi chiếc xe của em Phi về sư đoàn, bảo: “Con mượn em vì xe con hỏng” và xuýt xoa: “Đi xe mới thích bố nhỉ?”. Thương con, anh Hiển định mua thêm chiếc nữa nhưng Long nhất mực từ chối: “Tiền của bố là tiền xương máu. Khi nào con dành dụm được, sẽ tự mua”.

Những lúc đại tá Hiển gặp 2 phi công trẻ, câu chuyện có khi kéo dài đến gần sáng và loanh quanh cũng lại 2 anh em hỏi kinh nghiệm bay, bố truyền đạt - giải thích thuật ngữ kỹ thuật, thao tác trên không, kể lại các kỷ niệm, tình huống bay hơn 30 năm qua.

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Hải An, Độc Lập

Báo Thanh Niên
14.11.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.