Nguyễn Xuân Sơn khai chi 180 tỉ đồng cho PVN 'đối ngoại'

Thái Sơn
Thái Sơn
22/03/2018 04:31 GMT+7

Những lời khai trong phần xét hỏi tại phiên tòa cho thấy ngoài tiền mặt còn có cả bất động sản được lãnh đạo OceanBank chi cho người của PVN để “đối ngoại”.

Hôm qua (21.3), phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ án Tập đoàn dầu khí VN (PVN) mất 800 tỉ đồng khi đầu tư vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) tiếp tục với phần tham gia xét hỏi của các luật sư (LS) nhằm làm rõ các hành vi của các bị cáo.
“Tôi có ăn được tiền này hết đâu”
Trả lời các LS, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó tổng giám đốc PVN, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, khẳng định đã đưa cho Ninh Văn Quỳnh, nguyên kế toán trưởng PVN, số tiền khoảng 180 tỉ đồng, lần đưa nhiều nhất là 5 tỉ đồng, lần ít 2 - 3 tỉ đồng, không có lần nào khoảng 500 triệu đến 1 tỉ đồng như lời khai của Quỳnh. “Tiền này là OceanBank chi chăm sóc khách hàng, thực ra là chi hỗ trợ lãnh đạo PVN thực hiện các khoản chi đối ngoại. Tôi chỉ đưa cho anh thôi, anh phải sử dụng thế nào để đẹp mặt ngân hàng, chứ không lại bảo tập đoàn giúp đỡ rất nhiều mà ngân hàng chẳng quan tâm gì. Tôi nhiều lần nhắc anh Quỳnh như thế. Anh Quỳnh còn nói tôi cứ yên tâm, tôi có ăn được tiền này hết đâu”, bị cáo Sơn khai.
Đáng chú ý, bị cáo này còn cho biết đã từng mua cho Ninh Văn Quỳnh một căn hộ cao cấp trị giá khoảng 5 tỉ đồng tại dự án Star City trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) do Tập đoàn Đại Dương làm chủ đầu tư, đứng tên con trai của bị cáo Quỳnh.
Khi được hỏi thêm về tình tiết này, ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch OceanBank, với tư cách là nhân chứng, cũng xác nhận có lần được Nguyễn Xuân Sơn trao đổi và thực hiện hợp đồng mua căn hộ tại dự án nêu trên nhưng không nhớ rõ là mua cho ai. “Việc này hoàn toàn có thể xác minh được thông qua chủ đầu tư, quản lý dự án”, ông Thắm nói.
Trong khi đó, bị cáo Ninh Văn Quỳnh cho rằng chỉ nhận khoảng 20 tỉ đồng từ Nguyễn Xuân Sơn. Khoản tiền này được hiểu là tiền “cảm ơn” vì Quỳnh là kế toán trưởng có vai trò quan trọng trong việc PVN gửi tiền tại OceanBank. Bị cáo cũng phủ nhận lời khai của Nguyễn Xuân Sơn khi cho rằng không có căn hộ nào tại dự án Star City.
Trả lời thêm việc lời khai giữa 2 bị cáo vênh nhau lớn về khoản tiền đưa - nhận, Ninh Văn Quỳnh cho biết mối quan hệ với Nguyễn Xuân Sơn không được “xuôi chèo mát mái” nên Sơn đã cố tình đổ tội cho mình. Bị cáo này cũng đề nghị HĐXX xem xét lời khai của Sơn có nhiều thay đổi, rất phức tạp.
Ngược lại, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khẳng định mình chỉ khai đúng sự thật và không đổ lỗi cho bất cứ ai, vu oan cho ai. “Tôi cam đoan, cũng như lương tâm của mình không bao giờ khai sai, khai láo cho ai nhằm giảm tội cho mình. Thực tế, tôi đã cố gắng chịu đựng để khỏi ảnh hưởng đến bất cứ ai trong PVN cũng như ảnh hưởng đến uy tín của tập đoàn”, bị cáo này nói.
Trước tòa, bị cáo Quỳnh khẳng định trong khoản tiền đã nhận từ Nguyễn Xuân Sơn, bản thân không có trách nhiệm phải cho những người khác ở PVN. Đồng thời các khoản chi cho đối ngoại tại PVN được thực hiện đúng theo chế độ nhà nước quy định. Bị cáo Đinh La Thăng, khi được hỏi thêm về các khoản chi đối ngoại, cũng nói trong giai đoạn làm Chủ tịch HĐTV PVN đến hết tháng 7.2011, những hoạt động chi lễ tết, đối ngoại đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
PVN mất vốn không thuộc trách nhiệm... PVN (?!)
Tại phiên xét xử, các LS cũng nêu nhiều câu hỏi để xác định trách nhiệm các bị cáo trong việc PVN mất 800 tỉ đồng khi đầu tư vào OceanBank. Theo ông Hà Văn Thắm, từ tháng 4.2014, có một công ty của Singapore chào mua 5% cổ phần của PVN tại OceanBank. Tiếp đó, một công ty khác của VN có văn bản chào mua 15% cổ phần của PVN tại OceanBank. Ngay sau đó, ông Thắm ký văn bản gửi PVN và Công ty chứng khoán Dầu khí đề nghị thực hiện điều chỉnh phần vốn góp.
Tiếp đó, ngày 7.5.2014, PVN có văn bản gửi Chính phủ với nội dung trình Thủ tướng xem xét cho phép PVN được chuyển nhượng vốn của PVN tại OceanBank sang cho tổ chức khác. Ngày 12.6.2014, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, cho phép PVN thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần tại OceanBank bằng hình thức đấu giá công khai theo quy định. Trường hợp đấu giá không thành thì chuyển Ngân hàng Nhà nước (NHNN) làm đại diện phần vốn góp và báo cáo Thủ tướng.
Tuy nhiên, đến ngày 26.6.2014, Văn phòng Chính phủ lại có công văn truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng yêu cầu PVN ngừng thoái vốn và giao cho NHNN giải quyết. Đến ngày 6.5.2015, Thống đốc NHNN ban hành quyết định mua bắt buộc 100% cổ phần của OceanBank với giá 0 đồng, chấm dứt toàn bộ quyền và tư cách của các cổ đông.
Trả lời LS, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng việc mất vốn của PVN tại OceanBank sau khi bị NHNN mua 0 đồng thuộc trách nhiệm của người ký không cho phép PVN thoái vốn chứ không thuộc trách nhiệm PVN.
Ngoài ra, bị cáo Thăng cũng cho rằng việc các cơ quan tố tụng buộc trách nhiệm của bị cáo này trong lần góp vốn thứ ba 100 tỉ đồng theo Nghị quyết số 4266 của HĐTV ngày 16.5.2011 là không đúng. Bởi thời điểm này, bị cáo đang đi công tác nên không nắm rõ nội dung và cũng không ủy quyền cho người khác. “Tháng 3.2011, bị cáo đã họp và chỉ đạo thống nhất có nghị quyết thoái vốn của PVN tại OceanBank nhưng đến tháng 5.2011 lại nói bị cáo đồng ý cho chuyển vốn lần ba thì hoàn toàn vô lý. Bị cáo lúc đó đang sung sức, mới 51 tuổi, chưa thể mất trí nhớ được”, bị cáo Thăng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.