Nguyễn Thành Dũng, nghi can hành hạ bé trai có bị dẫn độ sang Campuchia?

09/12/2016 12:50 GMT+7

Nguyễn Thành Dũng, nghi can quay 48 clip hành hạ một bé trai 2 tuổi ở Campuchia đang gây chấn động dư luận, có bị dẫn độ sang Campuchia để điều tra, xét xử?

Sau vụ Nguyễn Thành Dũng (34 tuổi, quê TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) quay 48 clip hành hạ bé trai A.S (2 tuổi, người Campuchia) gây chấn động dư luận, nhiều người thắc mắc rằng việc Dũng thực hiện hành vi ở Campuchia, là công dân Việt Nam thì liệu có bị dẫn độ sang Campuchia để điều tra, xét xử?
Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, luật sư (LS) Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) phân tích, do nghi can Nguyễn Thành Dũng có quốc tịch Việt Nam nên không cần dẫn độ sang Campuchia. Bởi vì giữa Việt Nam và Campuchia có ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp vào ngày 23.12.2013 (có hiệu lực từ ngày 9.10.2014).
LS Nam phân tích, theo Khoản 1 Điều 6 Bộ luật hình sự của Việt Nam năm 1999, Khoản 2 Điều 3 của Hiệp định dẫn độ Việt Nam và Campuchia về các trường hợp có thể từ chối dẫn độ; Khoản 1, 2 Điều 4 của Hiệp định về dẫn độ quy định về quyền từ chối dẫn độ công dân của quốc gia mình; Điều 344 điểm a khoản 1 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định rõ về từ chối dẫn độ công dân Việt Nam. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của Việt Nam từ chối dẫn độ, nếu thuộc trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam thì Việt Nam có quyền từ chối dẫn độ, cụ thể là đối với Nguyễn Thành Dũng sang Campuchia để truy cứu trách nhiệm hình sự theo Luật hình sự của Campuchia.
Các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam có quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Dũng nếu người này đã thực hiện hành vi phạm tội. Việt Nam có quyền đề nghị phía Campuchia cung cấp các tài liệu và chứng cứ có liên quan đến vụ án để khởi tố, điều tra và xét xử đối với Dũng về các tội danh tương xứng với các hành vi phạm tội mà nghi can này đã thực hiện.
LS Nam nêu ý kiến, ngoài các quy định của pháp luật đã viện dẫn ở trên, các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam nên khởi tố vụ án, áp dụng biện pháp tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với Dũng tại Việt Nam và theo pháp luật Việt Nam bởi vì Dũng hiện đang là công dân Việt Nam, khi chưa có bản án có hiệu lực của Toà án có thẩm quyền thì Dũng được coi là chưa có tội. Vì vậy, Dũng được hưởng các quyền của công dân và được pháp luật của VN bảo vệ.
Nếu truy cứu trách nhiệm hình sự, Dũng còn có các quyền như mời luật sư bào chữa, quyền thăm nuôi của gia đình và các quyền hợp pháp khác trong quá trình thi hành án. Nếu dẫn độ Dũng sang Campuchia đồng nghĩa với việc coi Dũng là người đã phạm tội và tước đi một số quyền của Dũng.
Đối với hành vi hành hạ trẻ em của Dũng, LS Nguyễn Thúy Lệ Huyền (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết có dấu hiệu của tội hành hạ người khác với tình tiết định khung là “phạm tội đối với trẻ em” theo khoản 2 Điều 110 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt 1 đến 3 năm tù.
LS Huyền cùng quan điểm với LS Nam, nghi can Dũng không bị dẫn độ sang Campuchia để xử lý mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật Việt Nam, do cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam thực hiện.
Có thể áp dụng quy định về "từ chối dẫn độ công dân"
Tiến sĩ Ngô Hữu Phước, Phó trưởng khoa Luật Quốc tế, ĐH Luật TP.HCM, cho rằng nếu áp dụng các quy định trong Hiệp định dẫn độ Việt Nam - Campuchia thì nghi phạm Nguyễn Thành Dũng sẽ không bị dẫn độ từ Việt Nam sang Campuchia. Theo tiến sĩ Ngô Hữu Phước, Luật tương trợ Tư pháp cũng xếp nghi phạm Nguyễn Thành Dũng vào đối tượng được từ chối dẫn độ.
"Không dẫn độ nghi phạm Dũng từ Việt Nam qua Campuchia thì các cơ quan Việt Nam vẫn tuân thủ đúng Hiệp định về dẫn độ Việt Nam - Campuchia và pháp luật trong nước. Thông lệ quốc tế thì hầu hết các nước đều quy định không dẫn độ công dân ra nước ngoài. Cho đến nay Việt Nam ký hơn 10 hiệp định về dẫn độ thì đều có quy định về từ chối dẫn độ công dân", tiến sĩ Ngô Hữu Phước khẳng định.
Ngọc Mai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.