Nguyên công an phường giết vợ, rồi tự tử: Hung thủ không phải là người ác

26/09/2015 18:16 GMT+7

(TNO) Phiên tòa hôm ấy đông nghẹt người vì không còn chỗ ngồi, nhiều người đứng xì xào ở cửa: “Tòa đang xử vụ công an giết vợ rồi tự tử đấy”. Một vài người đệm vào: “Nhìn mặt ông ấy hiền lành mà dám cầm dao đâm chết vợ”.

(TNO) Phiên tòa hôm ấy đông nghẹt người vì không còn chỗ ngồi, nhiều người đứng xì xào ở cửa: “Tòa đang xử vụ công an giết vợ rồi tự tử đấy”. Một vài người đệm vào: “Nhìn mặt ông ấy hiền lành mà dám cầm dao đâm chết vợ”.

Bị cáo được đưa về trại giam - Ảnh: Ngọc LêBị cáo được đưa về trại giam - Ảnh: Ngọc Lê
Tôi tiến vào trong nghe xét hỏi thấy người đàn ông đứng khép nép trước vành móng ngựa là Lê Văn Lũy (54 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, nguyên công an phường 5, Q.11, TP.HCM). Làn da bị cáo đen sạm vì nắng, vẻ mặt đầy suy tư, mệt mỏi, gạt nước mắt nói: “Vợ chồng bị cáo yêu thương nhau và sống rất hạnh phúc, chẳng bao giờ nặng lời với nhau".
Ngọn ngành vụ việc bắt đầu từ việc vợ bị cáo có vay tiền nặng lãi của rất nhiều người. Đến hạn nhưng không có tiền trả nên chủ nợ thuê ‘xã hội đen’ đến đòi nợ nhiều lần. "Họ đến nhà hăm dọa, đòi giết khiến vợ chồng bị cáo mất ăn mất ngủ thời gian dài. Thấy vợ mình sống trong sợ hãi, bị ám ảnh nên bị cáo rất đau lòng và thương vợ”, bị cáo Lũy kể. 

Cứ vài ngày, xã hội đen lại đến nhà hăm dọa, đòi giết vợ tôi. Những ngày tháng đó, hai vợ chồng ‘sống không bằng chết’,

 

Bị cáo Lê Văn Lũy

Theo ông Lũy, dường như trong gia đình bị cáo ai cũng biết chuyện vợ bị cáo nợ nần chồng chất nhưng họ luôn ở bên cạnh động viên, an ủi. Không ít lần vợ bị cáo đòi tự tử.
Thương xót vì vợ mình luôn sống trong khủng hoảng tinh thần, Lũy quyết định bán căn nhà cha mẹ để lại được 1,7 tỉ đồng để trả nợ thay cho vợ. Sau đó, bị cáo tiếp tục vay mượn bạn bè hơn 150 triệu đồng trả thêm nhưng vẫn không đủ.
"Cứ vài ngày, xã hội đen lại đến nhà hăm dọa, đòi giết vợ tôi. Những ngày tháng đó, hai vợ chồng ‘sống không bằng chết’, bị cáo Lũy kể về giai đoạn khủng hoảng đó. 
Vị chủ tọa hỏi: “Bị cáo có biết vợ bị cáo vay tiền người ta làm gì không?”.
Bị cáo trả lời: “Đến giờ vợ đã chết nhưng bị cáo vẫn không biết vợ vay tiền để làm gì, có hỏi nhưng vợ bị cáo dấu”. Chủ tọa tiếp lời: “Nếu không biết sao bị cáo chấp nhận bán nhà trả nợ?”.
Bị cáo Lũy lặng đi trong nước mắt rồi trình bày: “Vì quá yêu vợ, mặc cho lỗi lầm của vợ là gì thì là chồng bị cáo phải có trách nhiệm. Bị cáo chỉ tiếc, vợ mình không đủ can đảm để vượt qua khó khăn cùng bị cáo”.
Dù không phải là người trong cuộc, nhưng khi nghe những tình cảm chân thật của bị cáo dành cho vợ nhiều người dự khán đã thay đổi thái độ bất chấp sự việc chính Lũy là người vung dao giết hại vợ.

Đêm vụ án xảy ra, con thấy ba mẹ nằm ôm chặt nhau trên vũng máu, ba liên tục thì thào: ‘Vợ chồng mình không đồng sinh nhưng cộng tử’ cho đến khi bất tỉnh hẳn

 

Con trai bị cáo và nạn nhân

Dường như trong tuyệt cùng bức bí trong ý thức của người đàn ông từng trải này chỉ muốn được chết chung với người phụ nữ gắn liền với đời anh mấy chục năm qua, để rồi “nếu có kiếp sau, vợ chồng cũng mãi bên nhau”.
Có một câu nói của con trai bị cáo Lũy trước tòa mà tôi không thể nào quên, đó là: “Đêm vụ án xảy ra, con thấy ba mẹ nằm ôm chặt nhau trên vũng máu, ba liên tục thì thào: ‘Vợ chồng mình không đồng sinh nhưng cộng tử’ cho đến khi bất tỉnh hẳn”.
Vị chủ tọa bắt đầu phân tích: “Ai nghe câu chuyện của anh cũng xót xa và tiếc nuối cho một cặp vợ chồng tình nghĩa như vậy. Tôi hiểu anh rất yêu thương vợ, vì quá yêu nên anh mới đâm chết vợ rồi tự sát để giải thoát sự ám ảnh cho vợ mình. Tuy nhiên, ở khía cạnh pháp luật, hành vi của bị cáo là hoàn toàn sai. Bởi vì bị cáo không chỉ tự tước đoạt mạng sống của mình mà bị cáo còn tước đoạt mạng sống của người khác đang được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, bị cáo phải chịu trách nhiệm về hành vi giết người”.
Khác với nhiều phiên xử tội giết người khác, phiên tòa này không có một chút trách hờn, oán hận giữa hung thủ và người thân nạn nhân. Bởi nạn nhân cũng chính là người thân yêu nhất trong tâm tưởng của hung thủ.
Ở đây, chỉ có tình yêu thương và nước mắt của bị cáo cũng như gia đình nạn nhân dành cho nhau. Trong giờ nghị án, mẹ vợ của bị cáo được dìu đến ngồi gần bị cáo. Hai mẹ con ôm nhau khóc dưới sự chứng kiến của rất nhiều người.
Sau giờ nghị án, tòa tuyên mức án thấp hơn so với Viện KSND TP.HCM đề nghị, nhiều người trong phòng xử đứng dậy vỗ tay, những người trong gia đình nạn nhân ôm nhau khóc vì hạnh phúc bởi tòa đã tuyên một mức án nhân văn. Phiên tòa kết thúc, tôi hiểu một điều rằng: “Giết người, như bị cáo trong trường hợp này, chưa hẳn là người ác”.
Theo cáo trạng, Lê Văn Lũy và chị Huỳnh Thị T. (55 tuổi) là vợ chồng, có hai con chung. Chị T. từng vay tiền của nhiều người nhưng không trả nên bị chủ nợ thuê "xã hội đen" đến nhà gây áp lực, vì vậy chị T. nhiều lần đòi tự tử.
Khoảng 2 giờ ngày 5.1, trong lúc ngủ, T. bật dậy và lấy con dao xếp để gần đó đòi đâm vào người. Thấy vậy, Lũy dành lại con dao và can ngăn nhưng T. không nghe mà vẫn đòi chết. Lúc này, Lũy nảy sinh ý định giết vợ rồi tự tử. Lũy giật lấy dao và đâm nhiều nhát vào vùng ngực chị T. đến chết.
Sau khi giết vợ mình, Lũy viết thư tuyệt mệnh gửi gia đình rồi dùng dao đâm vào ngực, cổ và cắt mạch máu ở tay trái tự tử.
Lúc này, bà Ngọc (mẹ của Lũy) nghe tiếng động trong phòng ngủ của vợ chồng Lũy liền gọi cửa. Thấy 2 con nằm bất động trên vũng máu nên hô hoán mọi người đưa vợ chồng Lũy đi bệnh viện. Lũy may mắn thoát chết. Tại tòa, Lũy thừa nhận toàn bộ hành vi của mình.
Ngày 17.9, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 7 năm tù đối với Lũy về tội “giết người”. Dù trước đó, Viện KSND TP.HCM đề nghị mức án từ 10-12 năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.