Nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà xin xử vắng mặt

Trước khi nhận được đơn xin xét xử vắng mặt của ông Trần Bắc Hà, cuối ngày 8.1, HĐXX đã ký giấy triệu tập yêu cầu ông Hà và những người liên quan trên phải đến dự phiên xử theo đề nghị của Viện KSND TP.HCM.

Hôm qua 9.1, đại diện Viện KSND TP.HCM dành trọn ngày công bố cáo trạng vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với các bị cáo trong đại án Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB).
Các bị cáo gồm: Phạm Công Danh (52 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng VN - VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh); Trầm Bê (58 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank); Phan Huy Khang (45 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Sacombank) cùng 43 đồng phạm.
Đã ký giấy triệu tập
Chiều 9.1, chủ tọa thông báo mới nhận được đơn xin xét xử vắng mặt của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà, với lý do ông Hà đang điều trị bệnh ung thư gan (có kèm bệnh án - PV). Trong đơn, ông Hà cũng nêu xin giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra và đề nghị HĐXX dùng lời khai này để xem xét toàn diện vụ án.
Các phó tổng giám đốc BIDV gồm: ông Trần Lục Lang, ông Đoàn Ánh Sáng; Giám đốc Sacombank chi nhánh Q.8 Trần Thị Hải Triều; và một số lãnh đạo Ngân hàng TPBank cũng có đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do công tác, chữa bệnh.
Tuy nhiên, chủ tọa cho biết, trước khi nhận được đơn xin xét xử vắng mặt này, cuối ngày 8.1, HĐXX đã ký giấy triệu tập yêu cầu ông Hà và những người liên quan trên phải đến dự phiên xử theo đề nghị của Viện KSND TP.HCM vì xét thấy lời khai của những người này là quan trọng, ảnh hưởng đến việc điều tra công khai tại tòa.
HĐXX cũng đồng ý cho phép bà Hứa Thị Phấn (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) vắng mặt tại phiên tòa vì theo bệnh án do luật sư của bà Phấn cung cấp, hiện sức khỏe của bà Phấn chỉ còn 7%.
Vắng mặt tại địa phương
Trong ngày 9.1, dựa vào hai địa chỉ của ông Trần Bắc Hà được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND TP.HCM, PV Thanh Niên đã đi tìm hiểu. Trao đổi với PV Thanh Niên, trung tá Hoàng Xuân Hiếu, Trưởng công an P.Lý Thái Tổ (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) thông tin, số 20 phố Hàng Tre là địa chỉ của Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN (BIDV). Trước khi về hưu, ông Trần Bắc Hà có làm việc tại đây. Nhưng hiện tại ông đã về hưu, nên cảnh sát khu vực không thể nắm được thông tin ông Trần Bắc Hà sinh sống tại đâu.
Về địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú là căn nhà 68/2 Cách Mạng Tháng Tám, P.5, Q.Tân Bình (TP.HCM), theo PV Thanh Niên tìm hiểu, năm 1998, ông Trần Bắc Hà chính thức nhập khẩu vào căn hộ này, người đứng tên chủ hộ là bà N.K.L (60 tuổi). Đến năm 2014, ông Trần Bắc Hà cùng gia đình làm thủ tục cắt khẩu ở Q.Tân Bình, chuyển hộ khẩu về một căn nhà mặt tiền đường Bà Huyện Thanh Quan, P.7, Q.3. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cho hay ông Hà không sống ở đây.
Cũng trong ngày 9.1, ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó chủ tịch UBND H.Hoài Ân (Bình Định), cho biết ông Trần Bắc Hà không có đăng ký thường trú hay tạm trú tại địa phương. Hiện ông Trần Bắc Hà cũng không có mặt tại quê nhà ở thôn An Thường 2, xã Ân Thanh, H.Hoài Ân.
Trong khi đó, theo Sở KH-ĐT tỉnh Bình Định, Công ty CP Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn (trụ sở tại 1 Hàn Mặc Tử, TP.Quy Nhơn, Bình Định), đơn vị chủ sở hữu resort Hoàng Gia Quy Nhơn, đã được đổi tên người đại diện pháp luật từ vợ ông Trần Bắc Hà sang một người khác từ tháng 12.2017; đồng thời, một nguồn tin cũng cho biết, cổ phần của vợ ông Trần Bắc Hà đứng tên tại Công ty CP Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn cũng đã được chuyển nhượng cho người khác ở TP.HCM.
VNCB mất 2.550 tỉ đồng, ông Trần Bắc Hà có liên quan ?
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, năm 2013, Phạm Công Danh gặp lãnh đạo BIDV hội sở chính là ông Đoàn Ánh Sáng đặt vấn đề việc ông Danh sẽ giới thiệu khách hàng có nhu cầu vay vốn kinh doanh cho BIDV. Trường hợp khách hàng do VNCB giới thiệu không có đủ tài sản đảm bảo thì VNCB sẽ hỗ trợ, dùng tài sản của mình cầm cố, thế chấp, đảm bảo khoản vay theo quy định của BIDV.
Khi được lãnh đạo BIDV hội sở chính đồng ý, ông Danh chỉ đạo các bị cáo cấp dưới dùng 12 công ty do Danh thành lập, lập khống hồ sơ vay vốn để được vay 4.700 tỉ đồng tại BIDV. Tài sản đảm bảo khoản vay cho 12 công ty này gồm: 3.070 tỉ đồng là tiền của VNCB gửi tại BIDV và một số tài sản khác của Tập đoàn Thiên Thanh.
Từ ngày 29.10 - 28.11.2013, các chi nhánh của BIDV, gồm: Bến Thành, Gia Định, Sở giao dịch 2, Nam Sài Gòn đã giải ngân 4.700 tỉ đồng cho 12 công ty của Danh.
Sau khi giải ngân, BIDV yêu cầu 12 công ty bổ sung hóa đơn, chứng minh việc mua bán, giao nhận hàng hóa vật liệu xây dựng theo hồ sơ vay vốn nhưng các công ty này không cung cấp được. Thời gian sau, các công ty này đã trả một phần tiền để lấy tài sản thế chấp và quyền sử dụng đất. Số nợ còn lại, VNCB đã dùng tiền gửi tại BIDV để trả thay cho 12 công ty, gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.550 tỉ đồng.
Về ông Trần Bắc Hà, các phó tổng giám đốc BIDV hội sở chính là Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang..., cáo trạng nêu những người liên quan này có hành vi là ký 12 quyết định, 12 tờ trình đồng ý chủ trương cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay tiền tại BIDV chi nhánh. Tuy nhiên, do BIDV không xảy ra thiệt hại nên các cá nhân liên quan không phạm tội “vi phạm quy định về cho vay...”. Từ đó, tháng 10.2017, cơ quan điều tra kiến nghị các cơ quan quản lý kiểm điểm, xử lý hành chính đối với cán bộ BIDV liên quan.
Hôm nay (10.1), HĐXX bắt đầu thẩm vấn các bị cáo.
Điều tra công khai tại tòa để thu hồi hơn 6.126 tỉ đồng thiệt hại
Theo cáo trạng, từ năm 2013 - 2014, do cần tiền tiêu xài nhưng không thể trực tiếp rút tiền từ VNCB, Phạm Công Danh đã chỉ đạo nhân viên VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 bộ hồ sơ khống vay vốn tại 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV. Danh dùng tiền của VNCB gửi vào 3 ngân hàng này để cầm cố, bảo lãnh các khoản vay, sau đó bị 3 ngân hàng này thu hồi nợ từ tiền của VNCB, với tổng số tiền hơn 6.126 tỉ đồng (gồm Sacombank hơn 1.835 tỉ đồng, TPBank hơn 1.740 tỉ đồng, BIDV hơn 2.550 tỉ đồng).
Cáo trạng cũng nêu đề nghị HĐXX tiếp tục điều tra công khai tại tòa 140 người có liên quan đã được cơ quan điều tra đề nghị cơ quan quản lý tiến hành xử ký hành chính hoặc xử lý kỷ luật nghiêm khắc nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, đầy đủ, không để oan sai, tránh lọt tội.
P.T
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.