Nguy cơ mất bản sắc đô thị

24/03/2019 10:21 GMT+7

Một di sản đô thị không thể tách rời phần vật thể và phần phi vật thể. Tức là ngôi nhà chỉ là phần xác, còn phần hồn là cuộc sống, là con người, là chu trình cuộc sống diễn ra như thế.

Theo PGS-TS Khuất Tân Hưng, ĐH Kiến trúc Hà Nội, việc quy hoạch cần phải giữ những câu chuyện riêng của từng đô thị. Khi đó, đô thị mới hấp dẫn và không bị tẩy trắng ký ức.

Phố cổ chảy máu

PGS-TS Khuất Tân Hưng Ảnh: NVCC
       
Có những quy tắc ứng xử thông minh cho khu phố cổ, nhiều người cho rằng Hội An giữ được bản sắc của một đô thị cổ rất bền bỉ. Người dân bản địa tự hào, khách từ xa yêu mến. Hội An có nguy cơ gì trong việc giữ bản sắc đô thị không, thưa ông?
Ở Hội An cảm giác đô thị giữ bản sắc rất tốt, không có vấn đề gì. Họ quản lý rất tốt, thu hút khách du lịch, người dân làm du lịch cộng đồng, tình nguyện xây dựng ngôi nhà theo kiểu nhà cổ. Nhưng nó lại có một vấn đề cực kỳ trầm trọng. Đó chính là “chảy máu phố cổ”.
Một di sản đô thị không thể tách rời phần vật thể và phần phi vật thể. Tức là ngôi nhà chỉ là phần xác, còn phần hồn là cuộc sống, là con người, là chu trình cuộc sống diễn ra như thế.
Nhưng Hội An đang mất điều đó. Nếu để ý sẽ thấy mấy tuyến phố chính ở Hội An từ tối bắt đầu khóa cửa ngoài. Tại sao lại khóa như thế, vì đó là sở hữu của người Hà Nội. Người ta vào mua, rồi thuê dân địa phương mở cửa hàng.
Ở Hội An vì thế giờ rất nhiều ngôi nhà khóa cửa ngoài như thế. Nó dẫn đến hậu quả là đến lúc nào đó không còn cuộc sống thật sự và chỉ còn là đồ giả thôi. Hội An bị câu chuyện chảy máu phố cổ đó.
Bây giờ vẫn thấy đêm rằm phố cổ có các cụ ông mặc áo dài truyền thống, đánh cờ, ngồi trước hiên nhà. Nhưng liệu rằng câu chuyện đó còn được bao lâu nữa.

[VIDEO] Bạn đang tìm một không gian xanh, yên bình tại Hội An?

Như vậy, có vẻ như Hà Nội lại đang giữ bản sắc ổn trong khu vực phố cổ phải không, thưa ông?
Giá trị không chỉ đơn giản là hình thức mà là ký ức đô thị, tình cảm của người với không gian. Và hơn cả đó là chuỗi liên tục
 
Đúng là Hà Nội không hề bị câu chuyện chảy máu phố cổ đó. Hà Nội chưa bao giờ là nơi người ta từ bỏ ham muốn ở đó cả. Có người đi thì cũng có người tiếp chỗ vào đó ngay. Nên nó không bị như Hội An, nó làm cuộc sống vẫn tiếp tục được. Đó là điều mọi người không nhìn thấy ở Hà Nội.
Khách du lịch đến Hà Nội người ta thích phố cổ Hà Nội không phải vì nhà vì cửa mà chính là lối sống, phong cách diễn ra và mọi hoạt động phơi bày ra như thế. Một sự sôi động thật sự. Điều mà các thành phố khác không có được. Nếu sang Malaysia, cuộc sống buồn tẻ dù họ giữ nhà cổ rất tốt. Sức hấp dẫn của Hà Nội là vậy.
Nhưng điều đó lại gây ra nguy cơ khác cho đô thị Hà Nội. Đó là điều kiện ăn ở sẽ khó mà hiện đại, thoải mái. Còn nữa là những nghiên cứu cho thấy phố cổ Hà Nội người ta chưa thực sự quan tâm đến giá trị đích thực của nó. Những nét văn hóa còn là do may mắn mà còn chứ không phải do quản lý.
Hà Nội cũng có một nguy cơ mất bản sắc khác. Đó là việc thu hút du lịch sẽ dẫn đến việc nhiều hộ quay sang làm kinh doanh du lịch. Nó dẫn đến đô thị thay đổi phương thức mưu sinh. Và nếu không quản lý tốt thì sẽ dẫn đến gây hại. Hình dung là đến phố cổ, hình dung là làm du lịch hết, thì không còn là cuộc sống nữa.
Đó là nguy cơ rất lớn cho Hà Nội. Hiện tại đặc trưng phố cổ kiểu như tranh Bùi Xuân Phái đã không còn.

[VIDEO] Địa điểm du xuân Hà Nội: Bảo tàng dân tộc học Việt Nam

Đô thị mất trí nhớ

Câu chuyện đang nóng hiện tại là bản sắc của Đà Lạt. Mất khu Hòa Bình thì Đà Lạt có còn bản sắc hay không?
Đà Lạt lại là câu chuyện bản sắc khác. Đà Lạt là đô thị gây dựng từ thời Pháp. Đầu tiên nó là nơi nghỉ mát của xứ Đông Dương. Nhưng nó đang bị mất một điều là sự đa dạng của tộc người, văn hóa tộc người bản địa. Có một bức hình đầu thế kỷ 20, một bưu ảnh, đó là hình ảnh một người dân tộc bản địa ở Đà Lạt. Khái niệm hiện nay về du lịch di sản văn hóa, người Pháp đã đề cập đến lâu rồi. Bằng chứng là người ta đã có những bức hình như thế để thu hút khách du lịch. Nhưng Đà Lạt giờ không còn cái đó.

[FLYCAM] Khu Hòa Bình - Niềm tự hào của người Đà Lạt nhìn từ trên cao

Điều đó lý giải tại sao Đà Lạt không hấp dẫn khách du lịch nước ngoài. Trong khi Sa Pa dù đang bị nhiều vấn đề đô thị như xây quá nhiều, phá vỡ cấu trúc nhưng vẫn có khách du lịch đến. Đó là vì Sa Pa vẫn còn sự hiện diện của văn hóa truyền thống, của con người, của văn hóa tộc người. Nhưng đáng tiếc là trong quy hoạch Đà Lạt người ta lại bỏ qua yếu tố đó.
Dinh Thượng thư nằm ngay sau UBND TP.HCM nay là trụ sở Sở Thông tin - Truyền thông Ảnh: Đậu Tiến Đạt
Chúng ta nhìn thấy biệt thự và những thứ phát triển về sau, như khu Hòa Bình. Mọi người có khuynh hướng những gì thời Pháp về trước thì coi là có giá trị. Nhưng thời về sau lại không nghĩ nó có giá trị lắm. Chẳng hạn ở Hoàng thành Thăng Long có rất nhiều lớp văn hóa ở đó. Cùng một địa điểm có nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Đó là điều cực kỳ quý giá với đô thị.
Nhìn lại với khu Hòa Bình, nếu coi đó là một khu mới gần đây nó chả có gì giá trị thì sẽ thấy đấy là một sai lầm vô cùng lớn. Vì nếu bỏ khu đó đi rồi, ký ức đô thị sẽ bị gián đoạn. Người ta không biết giai đoạn đó là cái gì, không còn cái gì minh chứng cả. Kể cả bây giờ chúng ta nhìn nó, nếu chỉ nhìn thuần túy kiến trúc có thể chưa đẹp nhưng lại có giá trị. Vì giá trị không chỉ đơn giản là hình thức mà là ký ức đô thị, tình cảm của người với không gian. Và hơn cả đó là chuỗi liên tục. Đà Lạt đang bị câu chuyện có nguy cơ lớn nếu phá Hòa Bình thay bằng công trình mới thì sẽ mất ký ức.
Ký ức cũng là điều chúng ta nghe nói nhiều khi bàn về TP.HCM, về thương xá Tax, về dinh Thượng thư…
Ở TP.HCM, bản sắc đô thị, di sản đô thị bị tách rời thành từng mảnh. Ở khu vực trung tâm chỗ UBND thành phố thấy rằng di sản đơn độc lắm, vì người ta đang bóc dần nó ra. Như thế đô thị bị vỡ ra thành từng mảnh riêng. Vỡ vụn từng mảnh thì sẽ có nguy cơ không nhận ra nó nữa.

[VIDEO] Tòa nhà Dinh Thượng Thư dự kiến đập bỏ mở rộng UBND TP.HCM

Dinh Thượng thư nằm ngay sau UBND thành phố, hết sức có giá trị, tạo ra tính quần thể, nhưng người ta không nhìn thấy điều đó. Bản thân Hội Kiến trúc sư cũng nói là công trình đó không tốt, thẩm mỹ không được tốt lắm, hoàn toàn có thể thay thế bằng công trình khác. Thế nhưng người ta không nghĩ đến việc trong di sản đô thị tính quần thể hết sức quan trọng. Ký ức không liên tục, cứ thành mảnh nhỏ thì không phải ký ức trọn vẹn nữa, bản sắc cũng không còn giữ được nữa. Đấy là câu chuyện TP.HCM.
Có vẻ như một đô thị sẽ có một câu chuyện về bản sắc, một nguy cơ mất bản sắc trong phát triển.
Có thể nhìn vào Đà Nẵng, đô thị này gần như bị xóa đi làm lại từ đầu, gần như mất hết dấu vết thời kỳ cũ. Nhiều đô thị phía nam bị câu chuyện đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ. Cần Thơ hay Vĩnh Long thỉnh thoảng còn một vài công trình nằm chơ vơ tách biệt ra. Đó thực sự là những cái không được quan tâm. Người ta không biết đấy là đô thị có lịch sử tồn tại khá lâu đời. Hay vào Trà Vinh sẽ không biết đó là những đô thị có từ thời Pháp nếu không có những hàng cây sao. Di sản thời cũ còn lại chính là những hàng cây sao mà thành phố cố giữ.
Nhưng nếu nhìn Đà Nẵng với góc độ phát triển đô thị mới, hoàn toàn có thể bổ sung tạo dựng bản sắc chính vào thời điểm này nếu ta nhìn nhận nó trong giai đoạn dài hơn. Ngày hôm nay có thể tạo bản sắc để đô thị có cá tính riêng. Câu chuyện đó cũng nên nghĩ đến với thành phố mới hoặc đã bị mất giá trị gốc.
Kinh nghiệm giữ bản sắc đô thị trong phát triển của các nước thì sao, thưa ông?
Chúng ta nhìn sang Singapore, họ đang ân hận vô cùng khi đã phá đi những ngôi nhà cũ mang dấu ấn ký ức để xây nhà chọc trời. Còn ở Florence có cây cầu cổ Vecchio có những “balo” cơi nới như chúng ta vẫn thấy ở các khu tập thể VN. Nếu không có những phần cơi nới đó thì cây cầu tự nhiên tầm thường đi hẳn. Một thành phố khác ở Ấn Độ lại giữ lại dây điện lằng nhằng trên phố. Như thế họ quá thông minh, vì khi mọi nơi đều ngầm hóa hết dây điện, người ta sẽ vẫn biết đến có thời kỳ cấp điện theo kiểu đó. Như vậy là phải lưu giữ hồn đô thị qua những gì bản chất văn hóa lịch sử, lối sống, bối cảnh tạo ra vật chất cũng như giá trị phi vật thể của nó.
 

Lựa chọn bản sắc là quan trọng nhất

Muốn giữ gìn bản sắc đô thị, trước hết phải định hình nó là gì. Chẳng hạn, Nhà hát Lớn Hà Nội là di sản và nằm trong vùng kiến trúc Pháp. Đó là một bản sắc. Hoặc, Hà Nội trước đây có bản sắc là đất của sông hồ, rất nhiều ao sông hồ. Hà Nội cổ là thế, bản sắc văn hóa trước gắn với sông hồ thì ngày nay đang bị mất dần. Vậy, nếu muốn giữ bản sắc văn hóa cho Hà Nội, ta sẽ phải định hình giá trị đó là gì. Giá trị thành phố sông hồ của Hà Nội ta có muốn khôi phục hay không, hay thừa nhận giá trị đó chết rồi. Trường hợp của Đà Lạt, nhiều người vẫn coi giá trị của nó là thành phố của biệt thự. Nhưng giờ các biệt thự đã chết rồi, thì giá trị của Đà Lạt là gì, có khôi phục lại biệt thự được không.
Như vậy, muốn giữ bản sắc đô thị cần tìm lại manh mối cũ, xác định đó có phải là giá trị cốt lõi mà mình muốn giữ hay không. Sau khi xác định giá trị đó xong rồi mới lập quy hoạch. Nhưng chúng ta cũng đang có một vấn đề là quy hoạch đi chậm hơn so với phát triển, do đó có khi quy hoạch buộc phải thừa nhận cái đã có. Đà Lạt và biệt thự Đà Lạt đang bị câu chuyện đó.
Nghiên cứu sinh Trần Nhật Khôi (ĐH Kiến trúc Hà Nội )
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.