Nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập là hiện hữu

Liên Châu
Liên Châu
27/04/2021 06:30 GMT+7

Về nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng diễn biến tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và trong khu vực khiến nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ nước ngoài vào Việt Nam rất lớn.

Có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4

“Chúng tôi đánh giá, Tây Nam bộ là điểm nóng và Bộ Y tế đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo khu vực Tây Nam bộ tăng cường phòng chống dịch, để làm sao khống chế, kiểm soát và không luống cuống, bối rối khi xảy ra dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói và cho biết thêm: “Diễn biến dịch Covid-19 trên toàn cầu, nhất là tại các nước trong khu vực đang phức tạp, chúng tôi rất lo ngại về nguy cơ dịch Covid-19 lây nhiễm vào Việt Nam, trong đó các nước như Campuchia, Lào đều ghi nhận số mắc tăng cao trong những ngày gần đây”.

Chiều 26.4: Thêm 6 ca mắc Covid-19 tại TP.HCM, Hà Nội và Rà Rịa-Vũng Tàu

Ông Long cũng lưu ý: “Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế liên tục có những cảnh báo với việc có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam. Đây là nguy cơ hiện hữu. Chúng tôi lo ngại, nguy cơ lây nhiễm từ ngoài vào Việt Nam cộng thêm việc một bộ phận người dân lơ là, mất cảnh giác với việc lây nhiễm Covid-19”.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có những chỉ đạo với công tác phòng, chống dịch Covid-19, liên tục có cảnh báo với người dân, đồng thời triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam. Còn trong nước, chúng ta cũng chuẩn bị các kịch bản trong tình huống dịch lan rộng, tình huống dịch xuất hiện tại địa phương, nhất là với khu vực Tây Nam bộ”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Tính đến tình huống ca bệnh trong cộng đồng

Người đứng đầu ngành y tế bày tỏ: “Bộ Y tế đang rất lo lắng về nguy cơ bùng phát dịch tại Tây Nam bộ. Vì thế, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn công tác do bộ trưởng và 4 thứ trưởng đến tất cả các tỉnh, thành trong khu vực để rà soát tất cả các vấn đề liên quan tới việc ứng phó dịch Covid-19 tại từng địa phương. Chúng tôi đã chuẩn bị các kịch bản nếu khu vực này xuất hiện ca nhiễm cộng đồng; có ca lây nhiễm trong cộng đồng mà chúng ta không biết; xuất hiện lây nhiễm mạnh trong cộng đồng. Tất cả kịch bản này chúng tôi đều rà soát, đánh giá lại và khuyến cáo các địa phương điều chỉnh trong quá trình kiểm tra”.
“Một điểm rất lo lắng là nguy cơ các biến chủng kép SARS-CoV-2 tại Ấn Độ hoặc biến chủng của Anh tại Campuchia rồi xâm nhập vào nước ta mà chúng ta không biết được. Do đó, việc lây nhiễm cộng đồng có thể xảy ra và nguy cơ rất lớn. Từ ổ dịch nhỏ thành ổ dịch lớn. Chúng tôi rất quyết liệt chỉ đạo khu vực này để làm sao khống chế, kiểm soát khi xảy ra tình hình dịch, không luống cuống, bối rối hay chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch”, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Sáng 27.4: Không ca Covid-19 mới, gần 260.000 người được tiêm vắc xin

Campuchia dỡ bỏ lệnh phong tỏa, Phú Quốc họp khẩn

Ngày 26.4, trước thông tin nước bạn Campuchia dỡ bỏ lệnh phong tỏa, dự đoán nhiều người Việt sẽ di chuyển về nước, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang tổ chức họp khẩn với UBND TP.Phú Quốc để bàn biện pháp bảo vệ giữ vững an toàn trong cộng đồng, chống nhập cảnh trái phép trên biển.
Ông Mai Văn Huỳnh, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang, chỉ đạo Chủ tịch UBND TP.Phú Quốc ngay trong ngày 27.4 phải triệu tập tất cả lực lượng, đặt trong tình huống khẩn cấp, tác chiến để siết chặt, quản lý khép kín tuyến biên giới. Rà soát lại các kế hoạch và nâng lên cấp độ cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt là công tác truy vết, kích hoạt lại toàn bộ các khu cách ly, sẵn sàng tiếp nhận và điều trị kiều bào Việt Nam đăng ký nhập cảnh về hợp pháp. Cao điểm trong 15 - 30 ngày tới canh phòng an toàn trong phòng chống dịch.
Theo ông Huỳnh, trong 3 - 4 ngày tới, nếu dịch bệnh Covid-19 ở Campuchia diễn biến phức tạp, căng thẳng sẽ đề nghị chủ tịch tỉnh cấm ngay các tàu cá hoạt động đánh bắt trên biển để kiểm soát.
Xuân Lam
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.