Nguy cơ 'bom rác' khắp nơi: Cảnh báo 'xung đột'

15/10/2019 05:41 GMT+7

Rác thải tràn lan trở thành nỗi ám ảnh tại nhiều địa phương. Đáng báo động là hoạt động của một số nhà máy xử lý rác không đảm bảo về môi trường, gây nguy cơ xung đột với quyền lợi của người dân.

Nhà máy rác nhiều lần “đắp chiếu”

Điển hình nhất là tại tỉnh Lâm Đồng với Nhà máy xử lý chất thải rắn TP.Đà Lạt (Nhà máy rác Đà Lạt; đóng tại xã Xuân Trường, TP.Đà Lạt). Nhà máy do Công ty TNHH Môi trường năng lượng xanh làm chủ đầu tư với công suất thiết kế xử lý 200 tấn/ngày, tổng vốn đầu tư trên 381 tỉ đồng.
Giai đoạn 1 đã đầu tư hơn 155 tỉ đồng, trong đó tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ 3 tỉ đồng, vay ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Lâm Đồng 71 tỉ đồng, vốn vay từ các tổ chức tín dụng khác hơn 32 tỉ đồng… Nhà máy đi vào hoạt động từ giữa năm 2015; nhưng nhiều lần phải tạm ngưng vì năng lực xử lý hạn chế và thiếu tiền để trả lương cho công nhân.
Liên quan những “lình xình” của Nhà máy rác Đà Lạt, báo cáo của UBND TP.Đà Lạt ngày 27.8.2019 ghi rõ: Công ty TNHH Môi trường năng lượng xanh có dấu hiệu không minh bạch về tài chính trong quá trình triển khai dự án. Đoàn kiểm tra của các sở, ngành, phòng ban nhiều lần yêu cầu công ty cung cấp sổ sách, tài liệu, chứng từ nhưng công ty đã cung cấp thiếu, chủ yếu là bản photo công chứng, nên không thể xác định được tính hợp pháp, cũng như tính chính xác của chứng từ tài chính.
Theo đánh giá của UBND TP.Đà Lạt, chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ và đúng theo các nội dung đã cam kết trong báo cáo tác động môi trường; chỉ mới đưa 1 dây chuyền phân loại xử lý rác và 3 lò đốt đi vào hoạt động với công suất 80 tấn/ngày.
Nguy cơ 'bom rác' khắp nơi: Cảnh báo 'xung đột'1

Người dân xã Phổ Thạnh, H.Đức Phổ (Quảng Ngãi) dựng lều để ngăn cản, phản đối hoạt động của Nhà máy MD

ẢNH: PHƯƠNG TRỰC

Ngày 14.10, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, Nhà máy rác Đà Lạt vẫn đang ngừng hoạt động từ giữa tháng 8.2019 đến nay. Hàng trăm tấn rác thải mỗi ngày trên địa bàn TP.Đà Lạt buộc phải đưa đến bãi rác Cam Ly (TP.Đà Lạt) chôn lấp lộ thiên, trong khi bãi rác này từng gây nhiều bức xúc, vì đã cao thành núi và xảy ra sự cố sập “núi rác” trong tháng 8.2019. Chủ đầu tư Nhà máy rác Đà Lạt được hưởng khá nhiều ưu đãi, nhưng đầu tư chậm tiến độ, hoạt động không đúng cam kết...
Thế nhưng vì sao tỉnh Lâm Đồng không có biện pháp chế tài? Về vấn đề này, ông Bùi Văn Lâm, Phó giám đốc Sở KH-ĐT Lâm Đồng, cho biết sau 4 năm đưa vào vận hành, Nhà máy rác Đà Lạt chỉ mới đáp ứng được 40% công suất thiết kế. Các sở ngành liên quan và UBND tỉnh Lâm Đồng nhiều lần có văn bản yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền thứ hai để vận hành đạt công suất thiết kế xử lý 200 tấn rác/ngày, để không phải chở rác đến bãi rác Cam Ly chôn lấp, nhưng đơn vị này vẫn chưa thực hiện. Ông Lâm lý giải, chủ trương chung là khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác, nên Lâm Đồng tạo điều kiện, đồng thời thúc đẩy chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết.
Ông Bùi Quang Sơn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, cho biết: “Sở nhiều lần đốc thúc chủ đầu tư phải đầu tư máy móc, thiết bị đạt công suất xử lý rác đúng thiết kế, nhưng họ (chủ đầu tư Nhà máy rác Đà Lạt - PV) đang tái cơ cấu tổ chức... Hiện UBND tỉnh đang giao cho TP.Đà Lạt đề xuất phương án tổng thể về vấn đề thu gom và xử lý rác thải đô thị Đà Lạt”.
Trả lời Thanh Niên, ông Phùng Khắc Đồng, Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết với Nhà máy rác Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng họp bàn rất nhiều lần, nhưng không phải điều gì muốn cũng được. “Khả năng thu hồi dự án để giao cho nhà đầu tư khác là chuyện không mong muốn”, ông Đồng nói.

Sau 1 năm không thu gom, rác thải ngập bờ biển xã Phổ Thạnh, H.Đức Phổ (Quảng Ngãi)

ẢNH: PHẠM ANH

Dân bức xúc vì ô nhiễm

Trong khi đó, ở Quảng Ngãi, vấn đề liên quan đến chất thải, rác thải chưa bao giờ lại trở nên “nóng” như hiện nay vì vấp phải sự phản đối kịch liệt của người dân, điển hình là Nhà máy xử lý chất thải rắn ở xã Phổ Thạnh (H.Đức Phổ). Mặc dù lãnh đạo tỉnh này phải nhiều lần tiếp xúc, đối thoại nhưng người dân vẫn rất bức xúc vì ô nhiễm.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, từ năm 2008 - 2018, toàn bộ rác thải của xã Phổ Thạnh và các xã khác của H.Đức Phổ được tập trung, xử lý bằng cách chôn lấp ở thôn La Vân, xã Phổ Thạnh. Số rác này lên đến 22.500 m3 (chưa kể khoảng 10.000 m3 hơn một năm qua phát sinh tại đây) khiến mức độ ô nhiễm gia tăng ở mức nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân.
Sau đó, Công ty TNHH thương mại và công nghệ môi trường MD (gọi tắt là Công ty MD) đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt H.Đức Phổ (Nhà máy MD) với mức đầu tư 52 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 4.2018, khi Nhà máy MD đi vào hoạt động đã bị người dân xã Phổ Thạnh phản ứng kịch liệt. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định tạm dừng hoạt động nhà máy và thanh tra toàn diện dự án này.
Kết luận thanh tra khẳng định có 3 kiến nghị của người dân lên ngành chức năng đều phản ánh đúng, gồm: khoảng cách an toàn từ nhà máy đến các hộ dân gần nhất chưa đúng quy định; chưa tham vấn ý kiến cộng đồng người dân trong vùng dự án bị ảnh hưởng trực tiếp; nhà máy quy hoạch không phù hợp với việc chôn lấp chất thải ở xã Phổ Thạnh...
Điều đáng nói, chính quyền xã Phổ Thạnh cùng Công ty MD có những gian dối trong việc chấp hành pháp luật môi trường. Nghiêm trọng hơn, khi người dân phản ứng gay gắt Nhà máy MD gây ô nhiễm, chính quyền xã Phổ Thạnh, H.Đức Phổ và hàng loạt các sở như TN-MT, Xây dựng, KH-ĐT vẫn khẳng định nhà máy không vi phạm quy hoạch, không vi phạm quy chuẩn quốc gia về môi trường.
Liên quan những sai sót khi xây dựng Nhà máy MD, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã kỷ luật 16 cán bộ cấp tỉnh và huyện, trong đó có 2 cán bộ chịu kỷ luật hình thức khiển trách là ông Nguyễn Quốc Tân, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi; ông Trần Em, nguyên Chủ tịch UBND H.Đức Phổ; còn lại kỷ luật kiểm điểm, rút kinh nghiệm và chuyển công tác với một số cán bộ lãnh đạo các cấp.
Không đảm bảo thì dừng hoạt động
Trước những bức xúc của người dân, cuối tháng 9 vừa qua, ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đã đối thoại với người dân xã Phổ Thạnh.
“Với trách nhiệm bí thư tỉnh ủy, tôi xin nhận trách nhiệm về những sai sót trong quá trình thực hiện Nhà máy MD và chưa giải quyết kịp thời những bức xúc của bà con. Tôi thành thật xin lỗi”, ông Chữ nói và cho biết sẽ đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt phía nam của tỉnh. Trong quá trình hoạt động, người dân cử tổ giám sát hoạt động của nhà máy xử lý chất thải theo công nghệ đốt, có lắp đặt trạm quan trắc, lấy mẫu thử định kỳ, nếu đảm bảo môi trường thì cho hoạt động, còn không đảm bảo thì dừng hoạt động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.