Người Việt đang cao lên

05/04/2012 03:51 GMT+7

Cao hơn nhờ bữa ăn được cải thiện, nhưng bữa ăn "thịt hóa", thiếu rau đang là tác nhân làm gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính nguy hại, đặc biệt cư dân vùng khá giả.

Hôm qua, Bộ Y tế đã công bố kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2009-2012. Điều tra được tiến hành với hơn 8.400 hộ gia đình trên cả nước.

Theo điều tra này, người Việt đang "lớn" lên với chiều cao và cân nặng trung bình đã cải thiện liên tục trong các năm qua ở mọi lứa tuổi. Với nhóm trẻ dưới 1 tuổi, trong 10 năm (2000-2010), chiều cao đã tăng thêm 1,4 cm (trẻ trai) và 1,8 cm (trẻ gái). Ở nhóm trẻ trai và gái tuổi lên 3, chiều cao trung bình tăng thêm 2 và 2,5 cm. Trong nhóm trẻ 5 tuổi, chiều cao tăng thêm ở trẻ trai và gái là 2,4 và 2,2 cm.

Chiều cao người trưởng thành ở nam và nữ hiện đã đạt bình quân 164,4 cm và 153,4 cm. Như vậy, đã tăng thêm 2,1 cm và 1,1 cm trong 10 năm qua. Nếu so với thời điểm trước "đổi mới" năm 1996, chiều cao trung bình tăng thêm 4,4 cm và 3,4 cm ở hai giới.

Không chỉ cải thiện chiều cao, cân nặng trung bình của người Việt ở nam và nữ cũng nhích lên hiện là 54 và 46 kg. Trong vòng 25 năm qua, chỉ số này tăng thêm 3 kg (nam) và 1 kg (nữ).

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, các chỉ số chiều cao, cân nặng tăng lên, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân giảm xuống là một trong những chỉ số cho thấy chất lượng bữa ăn người VN cải thiện. Nhưng với gần 30% trẻ dưới 5 tuổi hiện đang suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn là thách thức cho chất lượng giống nòi. Vì cải thiện chiều cao đòi hỏi can thiệp dinh dưỡng rất lâu dài, từ giai đoạn sớm trước khi mẹ mang thai, trong suốt quá trình mang thai và duy trì những năm đầu đời của trẻ. Trong khi đó, chiến lược tăng chiều cao hiện mới đang trong giai đoạn khai mở.


Chất lượng bữa ăn còn chênh lệch giữa các vùng miền - Ảnh: Ngọc Thắng

Xem nhẹ bữa ăn truyền thống

Theo ông Lê Danh Tuyên, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (VDD): VN là một trong số ít quốc gia tuy giá cả tăng nhưng chỉ số sinh học, khẩu phần ăn và tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn được cải thiện. "Đây là tiến bộ đang ghi nhận vì theo khuyến cáo của WHO, giá cả đắt đỏ thường kéo theo gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi", ông Tuyên cho biết.

Bữa ăn người Việt đã được cải thiện với tỷ lệ đạm (thịt, cá) tăng lên, hiện đạt 15,4% so với 13,2% (năm 2000). Lượng chất béo cũng đã chiếm 17,6% khẩu phần ăn so với 12% (năm 2000). Trong 10 năm qua, năng lượng glucid (từ cơm gạo) đã giảm đến gần 8% (từ 74,8% năm 2000 hiện giảm còn 67%).

Tuy nhiên, chất lượng bữa ăn chưa tương đồng giữa các vùng miền. Tại khu vực thành thị, lượng đạm trong bữa ăn chiếm 15,9% trong khi Tây nguyên tỷ lệ này chỉ đạt 13,7%; vùng núi phía bắc là hơn 14%. "Ưa thích" đạm thịt nhất là cư dân vùng Đông Nam bộ, tỷ lệ này lên đến 17,2% trong khẩu phần bữa ăn.

Ồng Tuyên cho rằng, hiện tại bữa ăn đang bị "đạm hóa" với khu vực thành thị, lượng thịt tiêu thụ trung bình đang ở mức gần 40 kg/người/năm, cao hơn hẳn so với nông thôn (27,5 kg); còn những thực phẩm cá, rau chỉ tương đương hoặc thấp hơn. Bữa ăn "thịt hóa", "mỡ hóa", thích đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ, muối... ít rau xanh và "lười" vận động khiến cư dân thành thị, vùng kinh tế khá giả gia tăng thừa cân béo phì (TCBP). Lượng rau xanh hiện mới chỉ đạt 160 gr/người/ ngày so với khuyến cáo là 300 gr người/ngày.

Tỷ lệ TCBP tại các thành phố lớn đã lên đến gần 18%, cao hơn gần 3 lần so với khu vực nông thôn (6%).

Theo điều tra, VN đang mang gánh nặng kép: suy dinh dưỡng song song với TCBP; vùng giàu dư năng lượng đạm nhưng vùng nghèo vẫn thiếu hụt. Còn 3% hộ dân tại đồng bằng sông Hồng thiếu ăn. Tỷ lệ này ở Tây nguyên, vùng núi cao nguyên phía bắc, đồng bằng sông Cửu Long là: 15,6%; 13,1% và 6,8%.

"Kết quả điều tra sẽ là cơ sở thực hiện các chính sách can thiệp dinh dưỡng cho các vùng miền; xây dựng khuyến cáo về dinh dưỡng để dự phòng các bệnh về chuyển hóa, mạn tính không lây: TCBP, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch", bà Nguyễn Thị Hợp, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết.

Theo Viện Dinh dưỡng, khoảng 6-7% dân số mắc đái tháo đường; 26% người trong độ tuổi 25-74 loạn mỡ máu. Riêng khu vực thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM tỷ lệ này còn cao hơn, khoảng gần 40%.

Ông Tuyên cho rằng, cần duy trì bữa ăn đa dạng của người Việt: thịt, rau xanh, đậu đỗ, lạc, gia vị. Bữa ăn thịt, mỡ hóa kiểu "ăn nhanh" mang nhiều yếu tố nguy hại cho sức khỏe.

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.