Người tài “bỏ Nhà nước” không chỉ vì thu nhập

21/10/2008 00:04 GMT+7

Cán bộ, công chức tuy đông nhưng thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu người giỏi, chưa có sự cạnh tranh và chưa có cơ chế để phát hiện sử dụng người tài... Đó là những vấn đề trọng tâm mà các đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận về dự án Luật Cán bộ, công chức sáng qua.

Nên để người dân tham gia đánh giá công chức

Đánh giá cao những tiếp thu của Ban soạn thảo đối với ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội (ĐBHQ) trong kỳ họp trước, nhưng ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) lo ngại: "Với nội dung như dự thảo luật khó khắc phục được thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay". Thực trạng ấy là sự thiếu chuyên nghiệp, cào bằng trong đánh giá, là chạy chức, chạy quyền...

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Phạm Thị Thanh Hương (Bình Định) cho rằng, quy định về việc đánh giá cán bộ, công chức trong dự thảo luật chưa có nhiều điểm cải tiến so với hiện hành. "Đánh giá cán bộ, công chức mang nặng hình thức, không thực chất", bà Hương dẫn giải. Để khắc phục tình trạng này, bà Hương đề nghị cần phải chi tiết hóa các nội dung, phương pháp theo dõi đánh giá cán bộ, công chức hằng tháng, hằng năm. Cũng theo bà Hương, cần phải giao trách nhiệm đánh giá cán bộ, công chức cho cấp trên trực


Lâu nay chúng ta cứ nói phải giảm biên chế, giảm đầu mối nhưng thực tế lại tăng lên. Vậy tăng lên là do nguyên nhân gì? Trách nhiệm thuộc về ai? Không rõ. Tôi thấy cần xem xét vấn đề này và nên chăng quy định QH là cơ quan quyết định tổng biên chế Nhà nước hằng năm và giám sát việc thực hiện.
 
(ĐB Lê Văn Cuông, Thanh Hóa)
tiếp của từng cán bộ, công chức.

Cho rằng "việc đánh giá công chức theo kiểu đóng cửa trong nhà" sẽ không chính xác, mang nặng chủ quan, ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) kiến nghị: "Luật nên quy định nguyên tắc cho phép những đối tượng được công chức phục vụ sẽ tham gia vào đánh giá công chức".

Theo ĐB Bùi Thị Hòa (Đắc Nông), một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ, công chức hoặc công chức không đáp ứng yêu cầu công việc là "cơ quan đơn vị sử dụng không được tham gia quá trình tuyển dụng, không có quyền trong việc quyết định các chế độ chính xác đối với cán bộ, công chức". ĐB Hòa đề nghị luật cần giải quyết giao quyền chủ động cho các đơn vị sử dụng cán bộ và "từng bước bỏ dần việc giao chỉ tiêu biên chế". Bà Hòa cho rằng, nên tuyển dụng bố trí cán bộ, công chức theo công việc và chức danh nhiệm vụ được giao để đảm bảo phát huy tốt nhất hoạt động của họ.

Tại sao người tài bỏ Nhà nước?

Bà Phạm Thị Thanh Hương cho rằng, chế độ lương hiện tại là một trong những nguyên nhân nhiều cán bộ, công chức chưa hết lòng phục vụ, còn sách nhiễu gây phiền hà cho dân, nhiều cán bộ, công chức có năng lực trình độ rời bỏ cơ quan Nhà nước để làm việc tại các khu vực kinh tế khác. Bà Hương đề nghị: "Luật cần quy định nguyên tắc cán bộ, công chức phải được hưởng lương ở mức trung bình trở lên so với thu nhập của những người có trình độ, năng lực ở các khu vực kinh tế khác trong cùng thời điểm".
 
Chúng ta đánh giá nhau thì tốt nhưng người dân có thỏa mãn chất lượng phục vụ của công chức hay chưa, đó mới là vấn đề cần quan tâm.

ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh)

 

Đồng ý tình trạng người tài từ bỏ khu vực Nhà nước là "đáng buồn" nhưng theo ĐB Nguyễn Thành Tâm, nguyên nhân không phải chỉ là vấn đề từ thu nhập mà chính là từ "môi trường làm việc". Ông Tâm đề nghị, để tạo ra môi trường làm việc tốt, luật phải quy định rõ sự công bằng trong đánh giá, bổ nhiệm, bố trí cán bộ, công chức.

Đồng ý với ông Tâm, ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) khẳng định, để khắc phục nạn chạy chức chạy quyền "khá phổ biến" cần phải bổ sung nguyên tắc "dân chủ, công khai, minh bạch và cạnh tranh" trong quy định về bổ nhiệm cán bộ. "Phải có nhiều ứng cử viên cho một vị trí lãnh đạo; phải thành lập hội đồng giám định để thẩm định hồ sơ, phẩm chất, năng lực uy tín và tổ chức đối thoại giữa các ứng cử viên", ĐB Cuông đề nghị.

 

Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn: Công chức được trả lương tương xứng nhiệm vụ được giao

* Thưa ông, có ý kiến cho rằng, khu vực nhà nước không giữ được người tài vì lương thấp. Tại sao dự thảo Luật Cán bộ, công chức lần này không quy định cụ thể hơn về mức lương mà cán bộ, công chức nhà nước được hưởng?

- Nguyên tắc chung là cán bộ công chức được hưởng mức lương tương xứng với nhiệm vụ được giao. Còn chính sách cụ thể thì sẽ có Nghị định và các văn bản dưới luật quy định chi tiết.

*  Dự luật này quy định công chức được hưởng lương theo ngạch bậc, còn cán bộ lại có thêm phụ cấp và được hưởng lương theo kết quả công việc, như vậy liệu có công bằng không, thưa ông?

- Sở dĩ trong luật còn có những quy định như vậy vì quy định trong công chức vốn rõ hơn, còn cán bộ ngoài việc chịu điều chỉnh ở Luật Cán bộ, công chức còn chịu điều chỉnh ở nhiều văn bản khác. Chẳng hạn, cán bộ công tác tại các tổ chức chính trị sẽ chịu điều chỉnh thêm bởi các văn bản trong lĩnh vực đó. Hoàn toàn không có sự phân biệt đối xử giữa cán bộ và công chức.

*  Sắp tới Chính phủ sẽ tăng lương cho đối tượng là cán bộ, công chức, Chính phủ tính bù giá như thế nào trong tình hình lạm phát hiện nay?

- Ngoài mức tăng 20% lương tối thiểu vào quý 2 năm 2009 tới đây, sẽ có thêm khoản phụ cấp công vụ nâng lên 10%. Trong điều kiện của chúng ta hiện nay việc điều chỉnh lương phải có lộ trình; trong quá trình ấy sẽ tính bù giá được một phần nhưng chưa thể tính đủ. Quan điểm là Nhà nước và cán bộ cùng chia sẻ khó khăn.

Nguyễn Nam  (ghi)

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.